Hà Nội nghiêm cấm trà đá vỉa hè, tụ tập đông người dù giảm giãn cách xã hội

23/04/2020 16:45

Kinhte&Xahoi Nới lỏng giãn cách xã hội từ 23/4, Hà Nội vẫn sẽ xử phạt người không đeo khẩu trang, tập trung đông người, nghiêm cấm trà đá vỉa hè và dịch vụ không cần thiết.

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chiều 22/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ cùng ngày là cần “xác định sống trong trạng thái có dịch”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Công tác phòng chống dịch COVID-19 sẽ chuyển sang giai đoạn mới với thời gian dài đến khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc hiệu mới coi là hết dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, từ 0h ngày 23/4, 2 huyện Mê Linh và Thường Tín cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ở các thôn cách ly, đảm bảo tốt nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.

Các cửa hàng không thiết yếu không được mở cửa; tuyên truyền động viên người dân tiếp tục thực hiện cách ly tốt 8 ngày nữa đến 30/4.

Với các quận huyện khác, hoạt động kinh tế sẽ được nới lỏng dần nhưng quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử… theo quy định của Chỉ thị 15, vẫn phải đóng cửa ít nhất đến 30/4.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, chưa tổ chức các hoạt động tập trung đông người, lễ hội văn hóa, thể thao. TP cũng chưa tiếp nhận khách nước ngoài.

Chủ tịch UBND TP sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Chỉ thị 15 thế nào để chính quyền địa phương thực hiện. “Vẫn phải xử phạt những người không đeo khẩu trang, tập trung đông người”, Chủ tịch UBND TP nói.

Ông Chung yêu cầu các bệnh viện được nhận bệnh nhân để điều trị và phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp những bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người nhà vào chăm sóc. 

Các chủ cửa hàng ăn khi mở cửa trở lại phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng mika hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị người dân khi tham gia giao thông, nhất là người đi xe máy cần giữ khoảng cách khi dừng đèn đỏ bởi có nút giao thông vào thời điểm đó có thể lên tới hàng trăm người...

Bên cạnh đó, các bếp ăn cơ quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ xí nghiệp, chủ công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, khuyến khích công nhân ghi nhật ký lịch trình để truy xuất nhanh lịch trình trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh rõ: TP nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao.

Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã phải coi dịp này là cơ hội để làm nghiêm trật tự đô thị, xử phạt các cơ sở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Từ mai cho đến 30/4, TP cho phép Tổng công ty vận tải và các đơn vị làm dịch vụ vận tải được hoạt động lại với công suất từ 20-30% đối với xe taxi và Grab với điều kiện phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch.

“Tất cả các đơn vị vẫn phải đảm bảo ứng trực 24/24/7, đảm bảo tiếp nhận kịp thời thông tin người dân phản ánh”, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Rất khó xử lý vụ 8B Lê Trực

Ngày 20/4, kết luận tại buổi làm việc với UBND Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại một lần nữa yêu cầu Hà Nội xử lý dứt điểm vụ việc 8B Lê Trực theo hướng “bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong”. Đây đã là lần thứ 7 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội phải nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc, tuy nhiên, nếu không trung thực về tư duy và cách làm, Hà Nội rất khó có thể xử lý xong vụ việc 8B Lê Trực.

Theo VTC News/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ha-noi-nghiem-cam-tra-da-via-he-tu-tap-dong-nguoi-du-giam-gian-cach-xa-hoi-d122745.html