Hà Nội: Nguy cơ chi bảo hiểm y tế vượt dự toán

16/11/2023 09:59

Kinhte&Xahoi Với số tiền chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong 10 tháng năm 2023 bằng 91,2% dự toán Chính phủ giao, thành phố Hà Nội đứng trước nguy cơ chi BHYT vượt dự toán.

Theo BHXH thành phố Hà Nội, 10 tháng năm 2023, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố đã phục vụ gần 10,4 triệu lượt bệnh nhân (hơn 8,7 triệu lượt người điều trị ngoại trú, gần 1,7 triệu người điều trị nội trú). So với cùng kỳ năm 2022, số lượng bệnh nhân BHYT tăng 18,7%.

Ảnh minh họa

Do số lượng bệnh nhân đông, lại có nhiều bệnh nhân nặng từ các địa phương khác chuyển đến, nên chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn Hà Nội tăng cao.

Từ đầu năm đến hết tháng 10, Hà Nội đã chi hơn 18.323 tỷ đồng cho công tác khám, chữa bệnh BHYT, trong đó chi cho các bệnh nhân thuộc đối tượng đa tuyến ngoại tỉnh đến là gần 9.233 tỷ đồng, chiếm 50,4% tổng chi BHYT. So với cùng kỳ năm 2022, số tiền chi BHYT của Hà Nội tăng 17%, tương ứng với gần 2.665 tỷ đồng.

Tính bình quân, Hà Nội chi BHYT với số tiền gần 606.000 đồng/lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú, chi hơn 7,8 triệu đồng/lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong tổng số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT, tỷ lệ chỉ định vào viện nội trú là 16,1%, thời gian điều trị bình quân của bệnh nhân nội trú là 7,3 ngày.

So với dự toán BHYT Chính phủ giao năm 2023, Hà Nội đã sử dụng hết 91,2% tính đến 10 tháng, tương ứng mỗi tháng sử dụng hết 9,12% dự toán. Hai tháng cuối năm, dự báo số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT duy trì đà tăng, trong khi số tiền chi BH_YT theo dự toán chỉ còn gần 8,8%, khiến Hà Nội đứng trước chi vượt dự toán.

Chủ động kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế; kiên quyết từ chối thanh toán BHYT với các chi phí không hợp lý, sai quy định.

Hà Hiền -Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cách nào gỡ khó cho tín dụng bất động sản?

Đến ngày 30-9, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Thị trường bất động sản Việt Nam: Còn đối mặt với nhiều thách thức

Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã đối mặt với không ít thách thức, rơi vào trạng thái trầm lắng, nguồn cung, thanh khoản đều suy giảm mạnh. Với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, thị trường đã có những dấu hiệu cải thiện. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn còn đối mặt với không ít thách thức trong giai đoạn tới.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/ha-noi-nguy-co-chi-bao-hiem-y-te-vuot-du-toan-648027.html