Hà Nội: Phó Viện trưởng Viện Dược liệu thừa nhận sử dụng đất công không đúng mục đích

17/09/2019 10:08

Kinhte&Xahoi Trả lời phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu thừa nhận việc cho thuê các cửa hàng trên mặt đường Hai Bà Trưng sử dụng không đúng mục đích. Việc cho thuê này đã tồn tại từ lâu và đến thời điểm hiện tại Viện vẫn đang trong quá trình làm đề án trình Bộ Y tế phê duyệt.

Các cửa hàng trên mặt phố Hai Bà Trưng thuộc diện tích khuôn viên của Viện Dược liệu.

Theo thông tin mà Báo Pháp luật Việt Nam có được, Viện Dược Liệu có địa chỉ tại số 3B Quang Trung, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Theo Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp số 008773 thì Viện Dược liệu có diện tích sử dụng là 3.992 m2, diện tích xây dựng là 4.631,8m2.

Ngày 25/3/2019 vừa qua, Tổ Công tác của UBND quận Hoàn Kiếm đã tiến hành kiểm tra quản lý, sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ thuế của Viện Dược Liệu tại số 3B Quang Trung, phường Tràng Tiền.

Tại buổi kiểm tra, Tổ công tác đã ghi nhận hiện trạng sử dụng nhà, đất của Viện Dược Liệu. Theo đó, Tổ công tác phát hiện phần diện tích đất của Viện Dược liệu trên mặt phố Hai bà Trưng sử dụng, cho thuê, hợp tác liên kết với 4 công ty không đúng theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Viện Dược liệu đã hợp tác liên kết với Công ty TNHH Tân Phương Bắc sử dụng làm cửa hàng sâm Koreagin, Công ty cổ phần y dược Quốc tế Mỹ Đức sử dụng làm cửa hàng thuốc Trường Thọ, Công ty TNHH kính mắt Việt Nam sử dụng làm cửa hàng kính mắt, Công ty TNHH ANDA Việt Nam sử dụng làm cửa hàng thuốc Minh Chính.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Viện Dược liệu chưa cung cấp cho Tổ công tác Đề án sử dụng tài sản công và mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của đơn vị.

Đến ngày 23/7/2019, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm có văn bản số 234/TNMT đôn đốc Viện Dược Liệu thực hiện theo đúng nội dung biên bản làm việc và cung cấp các tài liệu liên quan.

Đến ngày 5/8/2019, Viện Dược liệu có báo cáo só 848/VDL – QTVT gửi UBND quận Hoàn Kiếm về tình hình sử dụng đất của đơn vị này.

Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã căn cứ vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Điều 44; Khoản 5 Điều 136 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công đề nghị Viện Dược Liệu chấm dứt việc sử dụng diện tích nhà, đất tại số 3B Quang trung để liên doanh, liên kết và thu hồi để quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Trả lời báo Pháp luật Việt Nam đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện thông báo số 63/TB-UBND ngày 11/3/2019 của UBND quận Hoàn Kiếm giao nhiệm vụ cho các phòng ban chuyên môn cùng UBND của 18 phường trong việc kiểm tra, rà soát, báo cáo các đơn vị sử dụng đất có dấu hiệu sai mục đích trong đó có Viện Dược liệu.

Theo vị đại diện thì sau khi bổ sung hồ sơ, UBND quận nhận thấy Viện Dược liệu sử dụng đất có dấu hiệu sai mục đích nên ngày 14/8/2019, UBND quận đã có văn bản số 1359/UBND-TNMT đề nghị đơn vị này thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về việc sử dụng tài sản công, đồng thời UBND quận và phường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích của các đơn vị.

Văn bản UBND quận Hoàn Kiếm cung cấp cho báo PLVN.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu thừa nhận với phóng viên các cửa hàng trên mặt phố Hai Bà Trưng là trong khuôn viên quản lý của Viện Dược liệu và đang sử dụng sai mục đích.

“Đến thời điểm hiện tại thì Viện Dược liệu đang lập kế hoạch sử dụng phần diện tích đất này trở thành bảo tàng trưng bày dược liệu. Việc liên doanh, liên kết với các Công ty đã được thực hiện từ đời các Viện trưởng trước, chúng tôi chỉ kế thừa lại. Hơn nữa, việc hợp đồng liên doanh liên kết này chỉ có thời hạn trong vòng 1 năm, không có hợp đồng nào dài hạn. Sắp tới, nếu được phê duyệt chủ trương thì chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng với các Công ty”, ông Dũng nhấn mạnh.

Còn theo bà Trần Thu Thủy,  Trưởng phòng tài chính, Kế toán của Viện Dược liệu thì Viện Dược liệu là đơn vị sự nghiệp có thu của Bộ y tế. Theo đó, Bộ Y tế chỉ cấp 36 tỷ/năm còn lại khoán cho Viện Dược liệu 20 tỷ/năm.

“Lương của cán bộ công nhân viên thấp, phúc lợi cũng không cao, trong khi đó Viện Dược liệu nhiệm vụ chủ yếu là vấn đề nghiên cứu, không có kinh nghiệm trong việc hoạt động kinh doanh dịch vụ. Về vấn đề liên doanh liên kết với các Công ty thì do Viện dược liệu, đứng đầu là Viện trưởng đứng ra ký kết với các Công ty, số tiền thu được theo báo cáo tài chính là hơn 1,8 tỷ đồng/năm” – bà Thủy cho hay.

Nói về việc thu chi số tiền này, bà Thủy cho biết nộp vào ngân sách nhà nước hơn 346 triệu đồng, số tiền còn lại đưa vào quỹ phúc lợi và phát triển sự nghiệp để mua sắm đầu tư.

Trả lời về vấn đề việc liên doanh, liên kết với các công ty có được Bộ Y tế đồng ý hay không, bà Thủy khẳng định trong đề án kiện toàn tổ chức được Bộ Y tế cấp phép kinh doanh dịch vụ và cho Viện Dược liệu tự tổ chức để trả lương cho cán bộ nhân viên của Viện.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp văn bản đồng ý của Bộ Y tế thì Phó Viện trưởng Viện Dược liệu lại không cung cấp được đồng thời kể về những khó khăn của Viện, mong được các cấp các ngành chia sẻ và tạo điều kiện để Viện tiếp tục hoạt động.

Như vậy, có thể thấy rằng do buông lỏng quản lý, những vi phạm về việc sử dụng đất công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang trong giai đoạn đáng báo động. Bởi lẽ, UBND Quận Hoàn Kiếm đã có văn bản từ ngày 11/3/2019 tuy nhiên đến nay đã được 6 tháng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Việc cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích của các cơ quan ban ngành đã biến tướng tinh vi thành các hợp đồng liên doanh, liên kết gây thất thu ngân sách, mất trật tự xã hội. Nhiều trường hợp vi phạm đất đai chưa được chính quyền phường, xã, thị trấn và quận, huyện, thị xã ngăn chặn kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước thực tế này, đề nghị UBND TP Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất công trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói riêng và trên địa bàn Thành phố nói chung. Đồng thời, có Kế hoạch xử lý vi phạm sử dụng đất công không đúng mục đích trên khắp địa bàn Thành phố.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô - Bài 1: Bao giờ thực hiện?

Di dời các nhà máy, các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm Hà Nội đã được bàn tới từ rất lâu, tuy nhiên nó vẫn dừng ở mặt chủ trương. Chỉ tới khi hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường từ vụ cháy kho Nhà máy Rạng Đông người ta mới nhớ tới các quyết định di dời có từ 16 năm trước. Vậy đến bao giờ các cơ sở gây ô nhiễm này mới được di dời ra khỏi nội thành Hà Nội?

Theo PLVN/Pháp luật Plus