Hà Nội: Tạm giữ nhiều thiết bị đo nồng độ cồn không tem mác

21/02/2023 11:45

Kinhte&Xahoi Lực lượng QLTT đã phát hiệu nhiều thiết bị thử tiểu đường, đo nồng độ cồn,.. không có tem kiểm định, không có nhãn phụ tại “phố thiết bị y tế”.

Theo thông tin Quản lý Thị trường Hà Nội (QLTT), ngày 18/02/2023 Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa đã kiểm tra cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế Lê Thúy Hải (số 110E2 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện tại cửa hàng bày bán: 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp) nhãn chữ Sinocare, Made in China; 01 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở mã CA 2000 nhãn chữ nước ngoài, không tem kiểm định, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 6,5 triệu đồng.

Lực lượng chức năng đang kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên phố Phương Mai. Ảnh QLTT Hà Nội.

Tại cửa hàng có tên Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khoẻ vàng (địa chỉ 73A Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) do bà Đoàn Thị Ánh Khuyên đại diện hộ kinh doanh.


Kiểm tra tại cơ sở đang bày bán 01 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình mã CA 2000; 01 chiếc máy đo nồng độ cồn trong hơi thở Drive Safely; 06 chiếc nhiệt kế hồng ngoại NITIKA; 80 miếng dán giữ nhiệt Kichilachi, tổng cộng 88 đơn vị sản phẩm là hàng hoá do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Thiết bị đo nồng nộ còn không có nhãn phụ tiếng Việt Nam theo quy định. 

Làm việc với lực lượng chức năng, đại diện cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ liên quan đến số hàng hoá nêu trên.

Các trường hợp vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lập Biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ và niêm phong toàn bộ hàng để thẩm tra xác minh làm rõ.

Tại khoản 2, Điều 1, Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26-7-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã quy định:

Kiểm định là biện pháp kiểm soát về đo lường do tổ chức kiểm định phương tiện đo được chỉ định thực hiện để đánh giá, xác nhận đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường. Phương tiện đo, thiết bị đo sau khi kiểm định đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ kiểm định (tem kiểm định; dấu chì kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định) do đơn vị được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định thực hiện và có giá trị pháp lý trong cả nước.

Như vậy đối với các thiết bị đo lường như phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem.

Nếu sử dụng phương tiện đo nồng độ cồn không có tem kiểm định là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Mức phạt tiền đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này khi sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị trên 1.000.000 đồng được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp sử dụng một hoặc nhiều phương tiện đo có tổng giá trị trên 70.000.000 đồng.

Xuân Thành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội đang triển khai 219 dự án nhà ở, khu đô thị

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu mét vuông sàn nhà ở, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700 mét vuông sàn nhà ở, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-24h/ha-noi-tam-giu-nhieu-thiet-bi-do-nong-do-con-khong-tem-mac-d190439.html