Hai người mong muốn hiến một phần lá phổi ghép cho bệnh nhân 91

14/05/2020 15:43

Kinhte&Xahoi Sau khi biết được thông tin sức khỏe bệnh nhân 91-phi công người Anh đang nguy kịch, các chuyên gia hội chẩn xem xét khả năng ghép phổi đã có một số người liên hệ tới Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để bày tỏ mong muốn được hiến một phần lá phổi của mình để cứu sống người bệnh.

Các chuyên gia hội chẩn tại điểm cầu Trung tâm hỗ chợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 với một số bệnh viện về tình hình bệnh nhân 91 chiều 12-5 (ảnh: Lê Hảo)

Một người phụ nữ hơn 40 tuổi đã gửi tin nhắn cho biết bản thân khỏe mạnh, cuộc sống hạnh phúc nhưng mong muốn được hiến một phần phổi của mình cho bệnh nhân 91 để lan tỏa yêu thương.

Tin nhắn chị viết: Nếu đăng ký hiến tạng sống, hiến tặng phổi thì sẽ lấy như thế nào ạ? Hay phải chờ bệnh nhân chết não để lấy hết phổi ạ? Nếu cũng như thận, chỉ lấy một phần phổi thì em xin phép đăng ký hiến tặng nhé!”.

Trường hợp người khác là một cựu chiến binh 70 tuổi ở Đắk Nông đã 2 lần liên lạc tới Trung tâm với mong muốn sẵn sàng hiến một phần lá phổi của mình dù không có biết có đủ điều kiện, đủ tuổi không. Qua hội chữ thập đỏ, ông tìm được số điện thoại liên hệ với Trung tâm bày tỏ nguyện vọng đó của mình.

“Tôi tự hào về nền y tế của Việt Nam, Chính phủ đã rẫt nỗ lực trong thời gian qua, trên tinh thần làm tất cả vì bệnh nhân, để không bỏ lại người nào phía sau. Số trường hợp tử vong trên thế giới nhiều như thế trong khi nước ta chưa có ai”, người cựu chiến binh bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, dù chưa biết tình hình cũng như diễn tiến của bệnh nhân 91 như thế nào, nhưng những chia sẻ thiện tâm, những nghĩa cử ấy thực sự là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc tận cùng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai.

Vấn đề có ghép phổi cho bệnh nhân hay không, ghép như thế nào… là do hội đồng chuyên môn đánh giá. Tuy nhiên ưu tiên số một vẫn là tìm người chết não hiến tạng, nếu bệnh nhân có chỉ định ghép phổi.

Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa thì tấm lòng của họ vẫn là điều hết sức đáng trân trọng. Xung quanh chúng ta vẫn có rất nhiều con người thực sự tuyệt vời.

Đến sáng 13-5, bệnh nhân Covid-19 số 91 đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vẫn có tiên lượng xấu. Hiện bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, đang tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu, tiếp tục thở máy. Bệnh nhân này được xem xét ghép phổi nhưng vẫn chưa đủ điều kiện.

Liên quan đến vấn đề ghép phổi, PGS-TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Việt Nam mới thực hiện 5 ca ghép phổi và hiện nay 3 ca còn sống.

Ghép phổi là một kỹ thuật cực kỳ khó, đặc biệt chăm sóc, điều trị sau ghép phổi còn khó gấp bội. Kỹ thuật này đòi cần phải chuẩn bị tỷ mỉ, kỹ càng bởi vì tỷ lệ thành công sau ghép phổi trên thế giới không bằng ghép gan, ghép tim, ghép thận.

Ghép phổi hiện nay có hai nguồn, một là lấy một thuỳ phổi, một phần phổi của người cho sống ghép cho người có bệnh; nguồn thứ hai lấy từ người cho chết não ghép cho người có bệnh. Theo tài liệu trên thế giới, ghép hai phổi từ người cho chết não là tốt nhất. Bởi vì ghép phổi từ người cho sống thì chỉ lấy được một phần.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hưng Yên: Dự án “méo mó” vì vi phạm tại huyện Văn Lâm

Được UBND tỉnh Hưng Yên dành nhiều ưu đãi, thế nhưng khi triển khai đầu tư Dự án Nhà máy bao bì sợi dệt tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trang Huy (Công ty Trang Huy) triển khai lại liên tục vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/hai-nguoi-mong-muon-hien-mot-phan-la-phoi-ghep-cho-benh-nhan-91-192858.html