Học viện Dr Belter đào tạo nghề 'chui'

28/06/2019 16:46

Kinhte&Xahoi Dù chưa được cấp phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các nghề thuộc lĩnh vực làm đẹp nhưng Học viện Dr Bellter vẫn ngang nhiên tuyển sinh và đào tạo ngành nghề chăm sóc da, phun thêu thẩm mỹ.

Theo phản ánh của bạn đọc, gần đây, một học viện đào tạo nghề thẩm mỹ tự xưng là "hàng đầu Việt Nam" có tên Dr Belter, nhưng tìm hiểu về những thông tin liên quan đến việc cấp phép dạy nghề của đơn vị này lại rất mập mờ khiến học viên băn khoăn, nếu xảy ra vấn đề gì trong quá trình học nghề thì số tiền học phí rất lớn sẽ được lấy lại như thế nào?

Để có thông tin khách quan, trong vai một người có nhu cầu học ngành chăm sóc da, ngày 27/5, phóng viên (PV) trực tiếp đến Học viện Dr Belter (địa chỉ: tân 14 tòa nhà Viwaseen 48 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm). Một nhân viên tự xưng là quản lý của học viện không tiếc lời mời chào bằng những lời lẽ vô cùng hấp dẫn: Đây là top 10 học viện tại Hà Nội, thuộc Tập đoàn Vạn Minh (Công ty TNHH Thương mại Vạn Minh) có quy mô rất lớn, hoạt động ở 3 lĩnh vực: Chuỗi spa (Dạ Yến Thảo là top 100 spa toàn quốc); Nhà phân phối độc quyền mỹ phẩm Dr Belter và Học viện đào tạo Dr Belter.

Nhân viên tự xưng "quản lý học viện" tư vấn khóa học chăm sóc da cho phóng viên.

Học viện được trang bị trang thiết bị hiện đại, đào tạo học viên theo chuẩn trình độ quốc tế, được hỗ trợ chỗ ăn ở trong thời gian học và cảm kết hỗ trợ việc làm khi tốt nghiệp. Với rất nhiều ưu thế vượt trội nên học phí mỗi khóa chăm sóc da rất cao, khoảng 50 triệu đồng, hiện học viện ưu đãi giảm 70% chỉ còn 15 triệu đồng. Nếu đăng ký học ngay hôm nay thì được hỗ trợ bộ mỹ phẩm cao cấp trị giá 2,5 triệu đồng...

Học xong sau 2 tháng, học viên được cấp chứng chỉ của học viện và bằng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên cuốn catalogue nhân viên này đưa cho PV, học viện còn tự xưng là học viện đào tạo thẩm mỹ hàng đầu Việt Nam. Để "mục sở thị" lớp học hiện đại như lời quảng cáo của quản lý, PV được thăm lớp dạy chăm sóc da và body ngay tại cơ sở này, mỗi lớp có hàng chục học viên.

Hoạt động dạy nghề diễn ra tại học viện.

Trên trang web Drbelter.com.vn và fanpage Học viện đào tạo Dr Belter cũng đăng tải công khai những thông tin tuyển sinh. Học viện còn tuyển sinh cả ngành nghề phun thêu thẩm mỹ, cấp chứng chỉ quốc tế. Trên fanpage thì đăng tải liên tục những lớp học trực tiếp do bà Nguyễn Yến Thảo - Giám đốc học viện đứng lớp.

Chứng chỉ do học viện cấp.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ đặt lịch làm việc với đơn vị này. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua, đơn vị này vẫn "bặt vô âm tín".

Theo tìm hiểu của PV, Học viện Dr Belter không nằm trong danh sách các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cấp chứng nhận dạy nghề thuộc lĩnh vực làm đẹp. Như vậy, có thể coi việc tuyển sinh và dạy nghề tại đây là hoạt động "chui".

Vậy, báo đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội vào cuộc thanh, kiểm tra hoạt động của đơn vị này để hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép nhưng đã tổ chức hoạt động và tuyển sinh thì cơ sở sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

Tại Điều 5 của Nghị định này quy định: Đối với hành vi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp là đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều này vào ngân sách nhà nước; Buộc hoàn trả cho tổ chức, cá nhân các khoản tiền đã thu; trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước; Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được người học sang cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác; Buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận kiểm định đã cấp.


Điều 6 của Nghị định này cũng nêu rõ: Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu; trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì nộp vào ngân sách nhà nước. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án Công viên Sài Gòn Safari: 13 năm vẫn chưa được triển khai

Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích đất bị thu hồi rộng nhưng UBND TP HCM lại giao cho Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Cty Thảo Cầm Viên) làm chủ đầu tư, trong khi doanh nghiệp này không đủ năng lực để thực hiện khiến cho dự án sau 13 năm chưa triển khai được.

'Biệt phủ', nhà hàng mọc trái phép trên sông Hồng

Thời gian qua, dọc sông Hồng qua trung tâm Hà Nội (đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy) xuất hiện hàng chục nhà hàng, biệt phủ nổi, thu hẹp diện tích mặt nước, uy hiếp an toàn đường sông; hầu hết không phép, không đăng ký kinh doanh…

Nguồn: KD&PL