Họp Quốc hội: Làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm

30/10/2018 08:34

Kinhte&Xahoi Tại phiên họp ngày 29/10, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm, đồng thời kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm kỷ luật về ngân sách, tăng chi cho lĩnh vực y tế.

Làm rõ nguyên nhân thu ngân sách từ thuế, phí giảm

Đánh giá về việc thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 3 năm 2016-2018, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết qua 3 năm thực hiện, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.750 nghìn tỷ đồng, bằng 54, 68% kế hoạch. Số thu năm sau cao hơn năm trước và vượt dự toán. 

Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia trong 2 năm tới, tổng thu ngân sách nhà nước phải đạt khoảng 3.110 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411 nghìn tỷ đồng, số thu còn lại cho năm 2020 phải thực hiện khoảng 1.699 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 20,4% so với năm 2019), rất khó để hoàn thành kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm. 

Đại biểu đề nghị ngay từ đầu năm 2019, các cấp, các ngành và các địa phương phải có giải pháp để số thu năm 2019 vượt dự toán thì năm 2020 mới có thể hoàn thành số thu còn lại.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Thị Huyền Trân phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Ngoài ra, theo đại biểu, tỷ lệ thu từ thuế, phí trên GDP đang giảm dần. Cụ thể, năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2%; năm 2018 đạt 20,7% và dự kiến năm 2019 đạt 20%. Như vậy, mục tiêu tỷ lệ thu từ thuế, phí giảm dần và khó đạt được mục tiêu của 5 năm 2016-2020. 

Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân việc không đạt chỉ tiêu đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu và nợ thuế.

Về tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu ngân sách nhà nước, theo kế hoạch bình quân đạt khoảng 84-85%. Tuy nhiên, số liệu cụ thể cho thấy rất khó hoàn thành chỉ tiêu này (Năm 2016 đạt 80,1%, năm 2018 đạt gần 82% và dự kiến năm 2019 đạt 83,2%). Đại biểu yêu cầu Chính phủ tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) lo ngại trước thực tế chủ yếu tăng thu ở địa phương là từ đất. Nếu loại bỏ yếu tố thu từ đất thì nhiều địa phương lại hụt thu. 

Bên cạnh đó, tình trạng thất thu ngân sách vẫn chưa giảm; trong doanh nghiệp còn hiện tượng trốn thuế, chuyển giá. Nguồn thu năm 2018 và các năm trước chưa vững chắc. Đại biểu cho rằng, cần có kế hoạch thu ở những nơi còn dư địa, tăng cường chống chuyển giá.

Tăng chi ngân sách cho y tế

Đề cập về quản lý chi thường xuyên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) khẳng định trong 3 năm qua, việc chi thường xuyên đã giảm từ gần 70% xuống còn 63%. Phần lớn việc chi thường xuyên là trả tiền lương và cho con người.

Tuy nhiên, mức lương chi trả cho cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước hiện nay còn rất thấp (bình quân khoảng từ 5-7 triệu đồng/tháng). Mức lương như vậy dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt tràn lan. Đây có thể gọi là sự tha hóa trong bộ phận cán bộ, công chức do chế độ tiền lương thấp.

Trước những bất cập trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất cần có sự thay đổi việc trả lương theo thang bảng lương như hiện nay sang trả lương theo vị trí việc làm có đánh giá về hiệu suất công việc bằng các chỉ số. 

Mỗi cán bộ, công chức phải được xác định rõ vị trí, chức trách, nhiệm vụ phải hoàn thành. Đồng thời với việc thay đổi chi trả lương, cần có thước đo đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Quan tâm đến lĩnh vực y tế, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) cho rằng tỷ lệ ngân sách nhà nước cho toàn ngành có xu hướng giảm, trong đó năm 2016 là 97.600 tỷ đồng, chiếm 7,67% so với tổng chi ngân sách nhà nước; ước thực hiện năm 2018 là 92.715 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng chi ngân sách nhà nước. 

Tỷ lệ chi như vậy chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách, đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần và dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này.

Tăng cường kỷ luật ngân sách

Nhất trí với các kiến nghị của Chính phủ về ngân sách nhà nước năm 2019, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) cho rằng cần kiên quyết thu hồi khoản kinh phí sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được, những khoản chi bị thanh tra kiểm toán nhà nước yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi. 

Ngoài ra, Chính phủ có biện pháp, phương thức kiểm kê phân loại, quản lý tập trung, khai thác đưa vào sử dụng các tài sản công, các công trình đầu tư từ vốn nhà nước, trước hết là hạ tầng cơ sở, các công trình công cộng, phúc lợi, văn hóa, thể thao tạo nguồn thu cho nhà nước, hoặc ít ra cũng có nguồn thu để bảo trì, duy tu, nâng cấp công trình khỏi tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.

Đặc biệt là phải tăng cường kỷ luật ngân sách. “Mọi điều chỉnh dù nhỏ cũng phải trình Quốc hội, mọi vi phạm dù nhỏ, không có giải trình thỏa đáng đều không được Quốc hội phê chuẩn. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật thu chi, chỉ rõ sai phạm trong thực hiện và quản lý ngân sách,” đại biểu nhấn mạnh.

Về thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 và kế hoạch tài chính 3 năm 2019-2021, đại biểu Nguyễn Minh Sơn kiến nghị cần nghiên cứu, sớm ban hành Luật Tài chính Nhà nước, Luật Tài chính công, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động tài chính nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và toàn bộ hoạt động tín dụng nhà nước; ban hành các chính sách tài chính quốc gia, trong đó tập trung chính sách tài chính dân cư, chính sách tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. 

Bên cạnh đó, cơ cấu lại nền tài chính quốc gia theo hướng tăng quy mô và tỷ trọng tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư; hoàn thiện chính sách, cơ cấu cơ chế thu, mở rộng và bao quát các nguồn thu, đánh giá lại các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ cấu lại các khoản chi, tăng cường quản lý chi. 

Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu, xây dựng, triển khai thí điểm phát triển các công cụ tài chính, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm chia sẻ rủi ro, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Nhấn mạnh việc sử dụng ngân sách lãng phí khiến cử tri rất bức xúc, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng nguyên nhân lãng phí do tư duy, coi ngân sách là tiền chùa; do chi sai mục đích, chi phục vụ bệnh thành tích như tổ chức nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm, lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi rình rang, xây dựng các trụ sở quan tâm nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh.

Ngoài ra, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay có bất cập; chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì cắt giảm hoạt động một cách cơ học, trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào. 

Đại biểu dẫn chứng một cuộc hội thảo được tổ chức đang được đánh giá thông qua quy mô, số lượng đại biểu, thành phần tham dự, kinh phí hội trường, kinh phí dành cho việc hỗ trợ đi lại ăn nghỉ, trong khi hiệu quả cần đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu, đó là những bài tham luận có giá trị.

Từ thực tiễn này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí, xác định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý ngân sách, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ, gắn trách nhiệm giải trình khoán chi, tạo cơ chế giám sát chặt chẽ.

 

Theo TTXVN/hoanhap.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án Compass One Bình Dương 'bán lúa non'?

Mặc dù chưa được thẩm định, cơ sở pháp lý và hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng không hiểu vì lý do gì toàn bộ 400 căn hộ trong dự án Compass One đã công khai mở bán hết sạch?