Hưng Yên: Nhiều cán bộ xã Lạc Hồng bỏ công sở đi du lịch

24/08/2018 16:22

Kinhte&Xahoi Chưa được sự đồng ý của cấp trên, nhiều lãnh đạo và cán bộ xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã bỏ công sở đi du lịch.

Vừa qua, Báo đã nhận được phản ánh của người dân về việc UBND xã Lạc Hồng tổ chức đi du lịch, nghỉ dưỡng cho các lãnh đạo xã và cán bộ công nhân viên chức của xã. Đợt du lịch này được diễn ra trong nhiều ngày làm việc trong tuần. Số người trong danh sách đi du lịch tới 77 người, với tổng kinh phí trong hợp đồng là 748.820.000đ (gần 750 triệu đồng) có lịch trình từ  Hưng Yên – Phú Quốc – Cần Thơ – Cà Mau – Hưng Yên.

Việc đi du lịch trên được chia làm 2 đợt và đều nằm trong ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, đợt 1 được bắt đầu từ 6h30 ngày 18/6  đến 23h ngày 22/6; Đợt 2 từ 4h30 ngày 26/6 đến 23h ngày 30/6. Trong đợt đi thứ nhất, đứng đầu danh sách là bà Ngô Thị Lương - Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng, ông Phó Bí thư Đảng ủy xã và các cán bộ của xã, người nhà của lãnh đạo xã. Đợt 2 gồm những người còn lại trong danh sách.

Việc đi du lịch, nghỉ dưỡng trên của UBND xã Lạc Hồng khiến người dân vô cùng bức xúc. Mặc dù hợp đồng được thể hiện là nhằm tổ chức học tập nghiên cứu thực tế, tuy nhiên những hoạt động diễn ra của đoàn cán bộ xã Lạc Hồng đều thể hiện việc ăn chơi, nghỉ dưỡng, ăn nghỉ tại những khách sạn, resort đẳng cấp.

Với tổng số tiền gần 800 triệu chi cho việc nghỉ dưỡng của cán bộ xã Lạc Hồng, người dân tại đây đặt ra nhiều câu hỏi: "Số tiền lớn đến như thế thì lãnh đạo xã lấy ở đâu ra? Tại sao giữa lúc kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn cực khổ thì những vị lãnh đạo xã này vẫn có rất nhiều tiền để đi du lịch? Hơn nữa danh sách thành viên trong công đoàn xã có khoảng 30 người, vậy hơn 40 người còn lại trong danh sách đi du lịch là những ai? Có phải đây toàn là người nhà của lãnh đạo xã được đi kèm hay không? Tại sao lại dùng tiền của công đoàn để chi cho những người không phải là cán bộ xã?”.

Tại buổi làm việc với phóng viên, bà Ngô Thị Lương - Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng xác nhận việc đi du lịch là do Công đoàn xã Lạc Hồng tổ chức, nguồn kinh phí được huy động từ xã hội hóa và tiền của công đoàn. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, người dân trên địa bàn tài trợ 50% tổng kinh phí, phần còn lại 50% là của Công đoàn xã Lạc Hồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khiển - Phó Bí thư Huyện ủy Văn Lâm xác nhận việc UBND xã Lạc Hồng đi thăm quan thực tế, học tập kinh nghiệm trong ngày làm việc từ ngày 18 - 22/6, tức là từ thứ 2 cho đến thứ 6.

Cán bộ Huyện ủy trao đổi với phóng viên.

“Trước khi đi, UBND xã Lạc Hồng có báo cáo và xin phép nhưng lãnh đạo huyện không đồng ý, việc đi du lịch của xã Lạc Hồng như vậy là hoàn toàn sai. Theo quy định của Luật Lao động cũng như theo quy chế làm việc thì rõ ràng việc đi như vậy là chưa đúng. Riêng nội dung này, chúng tôi cũng đã giao UBKT Huyện uỷ kiểm tra các dấu hiệu vi phạm của các cán bộ. Hiện nay, đang tiến hành xem xét, khi nào có kết luận sẽ công bố cụ thể” - ông Khiển nhấn mạnh.

Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành ngày 21/12/2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu rõ: Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, cán bộ đảng viên cần xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hàng ngày và nội dung sinh hoạt hàng tháng của chi bộ, cơ quan tổ chức, tăng cường tuyên truyền giáo dục và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chấn chỉnh việc cử đoàn đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài, việc đi nghiên cứu, tìm hiểu cần phải có mục đích, nội dung, kế hoạch rõ ràng, thành phần đoàn đi cần gọn, bao gồm những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian đi hợp lý, chi phí phải tiết kiệm theo đúng quy định. Khi kết thúc phải có báo cáo về kết quả chuyến đi cho cấp có thẩm quyền.

Qua đây có thể thấy rằng việc UBND xã Lạc Hồng tổ chức đi du lịch, nghỉ dưỡng như trên gây bất bình trong nhân dân, vi phạm Chỉ thị số 21-CT/TW  của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tự ý đi du lịch khi chưa có sự cho phép bằng văn bản của lãnh đạo cấp có thẩm quyền là hoàn toàn sai trái, do đó cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh để chấn chỉnh.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vì sao dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng gần 10 năm vẫn chỉ có tường bao?

Dự án Làng Việt kiều ở quận Lê Chân, TP.Hải Phòng được triển khai thực hiện từ năm 2009. Đến nay đã gần 10 năm, hiện tại, nó chỉ có tường bao. Kiểm toán Nhà nước thì yêu cầu UBND quận Lê Chân xem xét việc đền bù hơn 19 tỷ đồng sai quy định cho hạng mục cây cảnh. Thực chất vấn đề này như thế nào? Vì sao dự án Làng Việt kiều quốc tế Hải Phòng gần 10 năm vẫn chỉ có tường bao?