Khách sạn đóng cửa, doanh nghiệp rao bán

17/05/2021 07:44

Kinhte&Xahoi Hoạt động du lịch đóng băng do dịch Covid-19 đã khiến DN kinh doanh khách sạn ở Hà Nội lâm vào cảnh đình đốn. Trước tình cảnh này, nhiều DN đóng cửa, thậm chí không ít khách sạn đang được rao bán sau những ngày tháng treo biển tạm dừng hoạt động.

 Khách sạn 41 Hàng Bè đóng cửa dừng kinh doanh. Ảnh: Thu Hương

Khách sạn đồng loạt rao bán

 Những ngày này, nhiều khách sạn trên phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Ngõ Huyện… (quận Hoàn Kiếm) đã dừng kinh doanh vì dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Kinh doanh ngưng trệ, làn sóng rao bán khách sạn đang diễn ra ở hàng loạt địa điểm.

Khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, mỗi ngày có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, một khách sạn mini diện tích 102m2, mặt tiền 5,5m được thiết kế 5 tầng gồm 16 phòng đang treo biển rao bán với giá 69 tỷ đồng. Cách đó không xa, một khách sạn trên phố Mã Mây cũng rao bán với giá hơn 100 tỷ đồng. Không chỉ hệ thống khách sạn mini ở khu phố cổ điêu đứng, nhiều khách sạn 4 - 5 sao cũng đang rao bán. Tọa lạc trên diện tích 1.500m2 tại khu đất vàng số 146 phố Giảng Võ (quận Ba Đình), khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi có quy mô 23 tầng với 170 phòng được rao bán 1.000 tỷ đồng. Tương tự, khách sạn 5 sao Atlanta với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở vị trí đắc địa số 49 Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng) cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng...

Theo một số chủ khách sạn chia sẻ, từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm sút, kéo theo đó khách thuê phòng cũng giảm mạnh. Trong khi những đơn vị kinh doanh đang đối mặt với áp lực vay lãi ngân hàng, bởi gần 70% vốn kinh doanh khách sạn là nguồn tiền vay từ ngân hàng. “Dù chúng tôi đã giảm giá 50 - 60% giá thuê phòng, nhưng mỗi ngày không có nổi 10 khách đặt phòng. Trong khi đó, chi phí vận hành quá lớn nên buộc phải bán cơ sở lưu trú, dù lỗ tiền tỷ” - chủ một khách sạn 3 sao ở 49 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Chờ đợi ngành du lịch phục hồi

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, 4 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa ước đạt 2,78 triệu lượt, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 7,78 nghìn tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; công suất sử dụng phòng khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt khoảng 28,1%. Lượng khách giảm mạnh kéo theo kinh doanh khách sạn thua lỗ, rao bán được xem là giải pháp cuối cùng để thu hồi vốn.

Trái ngược với lo lắng của người kinh doanh khách sạn, các chuyên gia du lịch lại cho rằng, khách sạn là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất khi thị trường nội địa khởi sắc trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Đánh giá về khả năng ngành du lịch sẽ sớm hồi phục, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng, với sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng, địa phương, DN tin tưởng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế qua đó du lịch, khách sạn có thể đón khách trở lại.

"Kịch bản lạc quan nhất là hết tháng 5, đầu tháng 6, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và khách bắt đầu đi du lịch trở lại” - ông Trần Trọng Kiên hy vọng. Nhìn nhận về sự hồi phục thị trường khách sạn từ nay đến cuối năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths dự báo, ở thời điểm sau khi dịch được kiểm soát, các khách sạn kỳ vọng nhiều hơn vào nguồn khách nội địa. “Nếu như trong năm 2021, Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch bệnh, du lịch nội địa sẽ có khả năng phục hồi, kéo theo thị trường khách sạn khởi sắc” - ông Troy Griffiths nói.

Ý kiến của các chuyên gia du lịch cho thấy, để khách du lịch nội địa trải nghiệm dịch vụ khách sạn cao cấp giá rẻ giúp hệ thống khách sạn dần hồi phục và khởi sắc, các khách sạn cần cam kết sẽ không bán sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, đặc biệt phải đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để gỡ khó cho DN hoạt động trong lĩnh vực này, ngành ngân hàng nên thực hiện chính sách ân hạn, giảm lãi suất cho các DN đầu tư khách sạn. Ngoài ra, các DN kinh doanh khách sạn nên có sự liên kết với nhau dưới hình thức các hội, hiệp hội tương trợ nhau về vốn vay để duy trì hoạt động, cầm cự đợi đến khi dịch bệnh kết thúc.

Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Hồ Nguyễn Phương Chi 

 Thu Hương - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ đầu tư nhà ở thương mại: Gặp khó do quy định pháp lý

Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng, cho biết, trong quý I/2021 tại thị trường chủ lực là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh số lượng dự án nhà ở thương mại mới được cấp phép là 15. Trong đó, Hà Nội là 10 và TP Hồ Chí Minh là 5.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/khach-san-dong-cua-doanh-nghiep-rao-ban-419578.html