Kỹ thuật lừa đảo trúng thưởng “khủng” qua mạng khiến hàng nghìn người “tiền không cánh mà bay”

15/09/2018 09:09

Kinhte&Xahoi Công nghệ mạng phát triển trở thành điều thiết yếu trong cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên, một số nhóm người lại lợi dụng biến nó thành công cụ để đi lừa đảo chiếm dụng tài sản của những người nhẹ dạ cả tin...

"Ai ghé thăm Facebook của bạn" hoặc "Chúc mừng, bạn đã trúng thưởng iPhone" đang là những hình thức lừa đảo qua mạng phổ biến hiện nay. Bạn đã thực sự hiểu rõ "kĩ thuật lừa đảo qua mạng”?

Đủ chiêu lừa trên mạng 

Vấn đề này không còn quá xa lạ với bất cứ ai, bắt đầu từ trước tết 2018 rất nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam liên tục nhận được thông tin khuyến mại hoặc trúng thưởng trên Facebook Messenger, yêu cầu người dùng đăng nhập hoặc cung cấp thông tin trên những website không rõ danh tính. 

Đó là những nội dung tin nhắn hấp dẫn với các món quà: Trúng thưởng xe SH, phiếu quà tặng tiền mặt trị giá hàng trăm triệu đồng, thẻ sử dụng xăng 1 năm miễn phí... và rất nhiều những giải thưởng to lớn hơn “từ trên trời rơi xuống” mà chúng dùng để “rót mật” dẫn dụ những người sử dụng mạng sập bẫy vào đường dây lừa đảo của nhóm người này. Dù chiêu thức này không còn mới lạ gì và đã được cảnh tỉnh trên rất nhiều phương tiện truyền thông trang báo mạng nhưng nhiều người vẫn nghĩ đây là vận may của mình rồi làm theo các bước chúng hướng dẫn để rồi nhận lại hậu quả cay đắng “tiền không cánh mà đi” 

Đầu tháng 8/2018 khi đang sử dụng mạng Facebook anh Q trú tại Hà Nội bất ngờ nhận được thông báo “Xin chúc mừng tài khoản Facebook N.Q đã may mắn nhận được giải Nhất từ sự kiện Tuần Lễ tri ân khách hàng năm 2018…mã số trúng thưởng là 468E79. Phần quà giải nhất của bạn gồm: 1 xe máy Honda SH150i Việt Nam, 1 phiếu quà tặng tiền mặt trị giá 200 triệu đồng”.

Cũng trong tin nhắn ấy cho biết, giải thưởng này do CTCP X máy Honda Việt Nam và Tập đoàn mạng xã hội Facebook tài trợ. Sau đó anh K. được hướng dẫn truy cập vào trang địa chỉ Website tin nhắn đưa ra để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng.

Đáng chú ý, tin nhắn trúng thưởng mà anh K. nhận được còn căn dặn: “Đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống giải thưởng Facebook © 2018. Xin vui lòng không cung cấp mã số dự thưởng cho bất kì ai và sẽ không có ai từ Facebook yêu cầu bạn cung cấp mã này. Bạn cần hoàn tất hồ sơ tạm thời trên Website…hoặc liên hệ cho nhân viên tư vấn hướng dẫn. Tin nhắn này thay cho giấy thông báo trực tiếp từ tập đoàn”.

Gửi thông báo trúng thưởng qua Facebook Messenger, yêu cầu truy cập trang web lừa đảo, cập nhật thông tin người dùng.

 

Do đã được thông báo nhiều lần về chiêu thức lừa đảo tinh vi này nên anh Q đã không mắc lừa và không làm theo những gì bọn chúng hướng dẫn nếu không sẽ không biết hậu quả thế nào. 

Cảnh báo nhiều lần vẫn mắc bẫy 

Ở một trường hợp khác vào cuối tháng 5/2018 chị T trú tại tỉnh Hà Nam có nhận được một cuộc gọi của cô gái miền trong thông báo chị T đã may mắn trúng thưởng 200.000.000 đồng và một chuyến du lịch Singapore dành cho 2 người tại vòng quay may mắn khi mua hàng tại Điện máy xanh tỉnh Hà Nam. Khi được thông báo là mình trúng thưởng thì c T có giật mình và vui mừng vì đúng là chi đã từng mua hàng tại điện máy xanh. Chị T hỏi cách thức ra nhận giải thưởng thì cô gái bên đầu dây điện thoại có nói là chị không cần phải trực tiếp ra cửa hàng lấy giải vì hệ thống sẽ gửi giải thưởng trực tiếp qua thẻ ngân hàng và vé thì sẽ gửi về tận nhà chị. Chúng yêu cầu c T gửi số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền và một đường link để nhập thông tin trao giải. 

Đánh trúng vào tâm lý lòng tham của con người, và cũng may là chị T đã từng mua hàng tại điện máy khi chị T đang bất ngờ khi được nhận giải thưởng lớn như vậy nên chị T đã không ngần ngại suy nghĩ gì mà gửi thẳng số tài khoản Vietcombank và làm theo các hình thức chúng hướng dẫn. Chỉ 30 phút sau đó tin nhắn của chị T nhận được là ngân hàng trừ 12.000.000 đồng trong tài khoản. Đang không hiểu vì sao lại bị trừ tiền chị T gọi điện lại cho chồng và hỏi có rút tiền ở thẻ của chị không. Lúc này thì cả 2 vợ chồng mới ngớ người ra rằng mình đã bị lừa, gọi lại cho số điện thoại kia thì không còn liên lạc được nữa. Chị T dở khóc dở cười lúc này không biết phải kêu oan với ai! 

Giao diện của một website lừa đảo.

 

Sau khi nhận được thông tin từ anh Q và chị T cung cấp cho báo Tạp chí điện tử hòa nhập (hoanhap.vn) đã vào cuộc điều tra thâm nhập các thông tin từ tài khoản Facebook và số điện thoại của bọn chúng để tìm hiểu các bước làm chúng hướng dẫn khách hàng để đăng ký nhận thưởng và đã nhiều lần cố gắng gọi điện với bên chăm sóc khách hàng nhưng đều không ai nghe máy. Những tài khoản này hoàn toàn là các trang Fb giả mạo không rõ danh tính được một hệ thống lập nên để chuyên đi gửi các tin nhắn với hình thức lừa đảo, số điện thoại thì chúng dùng bằng sim rác để liên lạc khi gọi điện và trao đổi “giao dịch’’ đã thành công thì chúng sẽ vứt số sim đó đi không ai có thể liên lạc lại được nữa 

Đây là một trong những chiêu lừa đảo rất tinh vi trên mạng xã hội cùng với đó là những cách thức lừa đảo tương tự như: Lập facebook giả lừa bán hàng hiệu, trò lừa nạp thẻ “ông chú viettel”, thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản của người dùng, giả danh làm quản trị của game dịch vụ, ngân hàng.... Về hình thức, thủ đoạn lừa đảo không mới và phương thức lừa đảo không quá cao siêu. Các đối tượng chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ cả tin của người dùng với những món hời lớn. Khi truy cập và hoàn tất các thủ tục, những tên lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng nộp lệ phí bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, nạp thẻ cào... Tùy vào giải thưởng và mức độ lừa đảo mà các tin tặc đưa ra “lệ phí” cao hay thấp.

Hình thức lừa đảo trên đã xuất hiện từ khá lâu và gần đây nhất Cục An toàn thông tin đã vào cuộc điều tra đã phát hiện ra 700 website lừa đảo, phục vụ cho việc ăn cắp thông tin, tài khoản ngân hàng để phục vụ cho các chiến dịch tấn công lừa đảo nói trên, phổ biến như hosofacebook.com, nhanquatet2018.com, traogiainammoi2018.com... Trước tình trạng này, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát đi văn bản cảnh báo về chiến dịch tấn công lừa đảo thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá tặng quà tri ân cho khách hàng để lên tiếng cảnh báo với người dùng. 

Đáng chú ý, nội dung thông báo của các bản tin lừa đảo dạng này khẳng định chương trình quay số trúng thưởng đã được công nhận bởi các cơ quan nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… Người tiêu dùng phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng.

Hãy là những người sử dụng thông minh và tỉnh táo. Ảnh minh họa

 

Cách phòng tránh lừa đảo qua mạng
 
Như đã phân tích ở đầu bài viết, kĩ thuật lừa đảo qua mạng là một hình thức tấn công hoàn toàn nhằm vào sơ hở của người dùng. Do đó, bạn sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc chống lại các hình thức tấn công này.
 
Một số nguyên tắc căn bản để tránh bị lừa đảo qua mạng chúng tôi muốn gửi tới bạn:
 
- Tuyệt đối không bao giờ gửi tên tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng và các thông tin cá nhân qua email, Skype, Facebook Messenger, tin nhắn hay các dịch vụ chat trong bất kì một trường hợp nào.
 
- Lưu ý tới các địa chỉ web, email chính thức và số điện thoại xác thực của ngân hàng, dịch vụ mà bạn đang sử dụng. Ví dụ, tại trụ sở của ngân hàng mà bạn đang sử dụng, hãy cầm về một tờ rơi có ghi địa chỉ web, số điện thoại và email chính thức của ngân hàng này.
 
Khi bị một số điện thoại hoặc email "lạ" yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, hãy liên hệ lại với các địa chỉ xác thực trên và yêu cầu xác nhận.
 
- Để ý tới đường dẫn trong email, trên các diễn đàn, trang web. Các trang web lừa đảo có thể có tên rất giống với trang web xác thực, do đó bạn phải chú ý rất kĩ tới địa chỉ đường dẫn trên các trang web hoặc email từ địa chỉ lạ. Khi bạn di chuột lên phía trên các đường dẫn web (chưa click), Firefox và Chrome cũng sẽ hiển thị địa chỉ thực của đường dẫn ở góc dưới màn hình. Đây là cách xác thực đường dẫn chính xác nhất.
 
Nhìn chung, cách xử lý cẩn thận nhất là tuyệt đối không click vào các đường dẫn quan trọng được gửi qua email hoặc qua Skype, Yahoo, nhất là khi nội dung của email và tin nhắn có liên quan tới thông tin tài khoản của bạn. Nếu bạn cần đặt lại mật khẩu cho tài khoản ngân hàng, hãy truy cập vào địa chỉ chính thức của ngân hàng đó và thực hiện các bước xác thực thông thường, thay vì click vào đường dẫn đáng ngờ trong email.
 
- Luôn cập nhật trình duyệt và ứng dụng chống virus lên bản mới nhất. Các trình duyệt và phần mềm chống virus thường có tính năng "bộ lọc" ngăn người dùng truy cập vào các trang web đã bị xác nhận là web độc hoặc không xác thực.

"Kĩ thuật lừa đảo qua mạng" thực sự là một vấn nạn mới của Internet, trong bối cảnh mà gần như tất cả các loại mã độc đều được viết ra bởi tội phạm số để thu lời bất chính. Điều này không có nghĩa rằng bạn sẽ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này một cách dễ dàng. Hãy là một công dân mạng thông minh, tỉnh táo và cẩn thận: đây mới là "tường lửa" an toàn nhất bảo vệ cho tài sản và danh tính của bạn.

 

Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vĩnh Phúc: Báo cáo về dự án Flamingo Đại Lải Resort lén lút đổ đất lấn hồ Đại Lải

Dư luận đang tỏ ra bất bình với thông tin chủ đầu tư dự án Flamingo Đại Lải Resort là công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải đang lén lút đổ đất, lấn chiếm lòng hồ Đại Lải, ảnh hưởng đến hồ chứa cũng như môi sinh tại đây. Mới đây, ngày 24/5/2018, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản báo cáo số 1544/SXD-TTXD về kết quả kiểm tra tại dự án Flamingo Đại Lải Resort.