Làm sao tránh cuộc gọi lừa đảo?

24/03/2024 11:03

Kinhte&Xahoi Trong thời gian gần đây, số vụ lừa đảo, mất tiền giá trị lớn sau khi nghe và làm theo hướng dẫn qua điện thoại, được cơ quan công an công bố ngày càng nhiều. Đáng chú ý, tội phạm mạng vẫn thực hiện các chiêu trò cũ, đã được các cơ quan chức năng, truyền thông cảnh báo thường xuyên…

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn qua điện thoại, như cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP, truy cập vào link lạ... Ảnh: Internet

Nhận diện các cuộc gọi lừa đảo

Trong số các hình thức lừa đảo qua điện thoại, nhóm giả danh công an, kiểm sát, nhân viên nhà mạng viễn thông, điện lực… chiếm phần lớn. Các đối tượng này gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật, nợ cước viễn thông, nợ tiền điện và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn, nhằm chiếm đoạt tiền.

Có không ít nạn nhân vì thiếu hiểu biết, quá sợ sệt đã làm theo hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo; hoặc cung cấp tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP và chỉ biết bị lừa khi thấy tài khoản bị trừ tiền… Những người bị lừa theo hình thức này chủ yếu sống ở thành phố và ở tầm trung tuổi.

Hình thức lừa đảo qua điện thoại phổ biến thứ hai là mời gọi đầu tư chứng khoán, việc nhẹ lương cao, mua bất động sản... Đặc điểm chính là sau khi mời chào người chơi vào nhóm riêng trên mạng xã hội, đối tượng sẽ “khoe” những hình ảnh thể hiện sự giàu có để dụ dỗ người chơi đặt cọc tiền kinh doanh. Sau vài lần thanh toán đúng hạn, khi “con mồi cắn câu” đầu tư số tiền lớn, chúng chặn liên lạc, xóa tài khoản…

Hình thức lừa đảo phổ biến thứ ba là cuộc gọi deepfake, giả hình ảnh người thân để lừa chuyển tiền gấp. Đối tượng lừa đảo chủ yếu nhắm vào người già, người neo đơn để thực hiện hành vi phạm tội. Các cuộc gọi deepfake thường dùng hình ảnh giả, nhìn khá “đơ”, nên cuộc gọi thường rất ngắn. Sau đó, đối tượng lấy lý do mạng kém, ngắt cuộc gọi và nhắn tin vay tiền. Không ít người đã bị lừa, vội chuyển tiền mà không kiểm chứng.

Ngoài ra, cũng đã tồn tại các hình thức lừa đảo thực hiện cuộc gọi giả danh nhân viên viễn thông mời khách hàng nâng cấp lên sim 4G/5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản... Hoặc gần đây có gọi điện lừa đảo giả danh công an yêu cầu người dân cập nhật dữ liệu dân cư theo link hướng dẫn. Người dân thực hiện theo hướng dẫn cung cấp chụp CCCD, truy cập link lạ, gọi video call để nhận diện khuôn mặt và sau đó thì bị mất tiền trong tài khoản…

Tự trang bị kỹ năng số

Để ngăn chặn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng đã xử lý xong 17 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, 10 triệu thuê bao đứng tên trên 10 thuê bao/giấy tờ. Các nhà mạng cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn 50.000 cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng phải xử lý tất cả số sim tồn trên kênh phân phối, không để sim kích hoạt sẵn bán trên thị trường.

Cùng với đó, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cảnh báo người dùng nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến…; áp dụng các biện pháp hành chính, kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Song số vụ lừa đảo trực tuyến nói chung và lừa đảo qua điện thoại nói riêng vẫn gia tăng gần đây, cho thấy dường như người dân vẫn mơ hồ và cả tin để rồi bị dụ dỗ, lừa đảo mất số tiền lớn đến vài tỷ đồng.

Từ câu chuyện của cá nhân mình, chị Hoàng Thu Hương (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, chị luôn cập nhật thông tin về lừa đảo trực tuyến qua báo chí chính thống. Sau khi nhận cuộc gọi rác, cuộc gọi nghi lừa đảo, chị đều báo cáo nhà mạng theo hướng dẫn, đồng thời chặn số vừa gọi. Chị cũng không tham gia bất cứ hội nhóm, kết bạn qua mạng xã hội nếu không do hai phía cùng chủ động trao đổi trước… "Điều này giúp giảm nguy cơ bị đối tượng xấu lừa đảo", chị Hương nói.

Trao đổi về các hình thức lừa đảo trực tuyến gia tăng hiện nay, Phó Cục trưởng tập sự Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Quang Hưng cho hay, điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, dưới bất kể hình thức nào, vì việc lộ thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không giao dịch chuyển khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng. Không cung cấp thông tin cá nhân (CCCD), số tài khoản ngân hàng, mã OTP cho đối tượng lạ hay trên bất kỳ một trang web không rõ uy tín; không cho mượn, cho thuê hoặc mua bán tài khoản ngân hàng.

Người dân nên cẩn trọng trước khi giao dịch tài chính; nên xác minh danh tính của đối tượng giao dịch thông qua gọi điện thoại trực tiếp (không gọi qua các ứng dụng mạng xã hội).

Cũng theo ông Trần Quang Hưng, cùng với sự phát triển của công nghệ, môi trường mạng ngày càng phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, trang bị cho bản thân kiến thức để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Các hình thức lừa đảo luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn. Trong đó, việc các đối tượng lừa đảo tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng là rất cần thiết và nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để trình báo.

Thanh Hà - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường “nhà ở vừa túi tiền” - Tại sao không?

Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh có 283 căn nhà vừa túi tiền, chiếm 1% tổng số căn bán ra thị trường. Liên tiếp 3 năm sau, loại nhà này đã không có nữa, trong khi đây là loại nhà ở được đại bộ phận người dân trông chờ...

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/lam-sao-tranh-cuoc-goi-lua-dao-661641.html