Lần thứ 2 In Hà Nội bị cấm đấu thầu vì 'gian lận' hợp đồng tương tự

16/09/2019 15:40

Kinhte&Xahoi Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-VinaPhone) vừa có quyết định cấm Công ty CP In Hà Nội tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mà bên mời thầu là VNPT-VinaPhone hoặc các đơn vị trực thuộc VNPT-VinaPhone trong thời gian 5 năm kể từ ngày 10/9/2019.

Công ty cổ phần in Hà Nội.

VNPT-VinaPhone cho biết, Công ty CP In Hà Nội là một trong các nhà thầu tham dự thầu Gói thầu Quảng cáo trên các kênh truyền hình địa phương thuộc Dự án Truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của Vinaphone trên sóng truyền hình địa phương. Trong quá trình tham gia, Công ty CP In Hà Nội đã cố ý cung cấp thông tin không trung thực đối với Hợp đồng tương tự tại hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Hành vi này của nhà thầu đã vi phạm Điểm C Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu.

Công ty CP In Hà Nội có địa chỉ trụ sở chính tại Lô 6B CN5, Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2016 đến nay, Công ty CP In Hà Nội được các bên mời thầu công bố trúng hơn 200 gói thầu mua sắm hàng hóa.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên nhà thầu này bị phát hiện gian lận trong quá trình tham gia đấu thầu.

Ngày 16/8/2016, Tổng cục Thống kê (TCTK) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định cấm Công ty CP In Hà Nội tham gia đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm thuộc thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng TCTK. Lý do là nhà thầu này nhiều lần cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu (HSDT). Tại gói thầu của TCTK, Công ty CP In Hà Nội cũng đã cung cấp tài liệu liên quan đến hợp đồng tương tự trong HSDT gồm: hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng của hợp đồng tương tự gian lận. HSDT của nhà thầu này còn cung cấp bằng tốt nghiệp của một số nhân sự chủ chốt là bằng giả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Di dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi nội đô - Bài 1: Bao giờ thực hiện?

Di dời các nhà máy, các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực trung tâm Hà Nội đã được bàn tới từ rất lâu, tuy nhiên nó vẫn dừng ở mặt chủ trương. Chỉ tới khi hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường từ vụ cháy kho Nhà máy Rạng Đông người ta mới nhớ tới các quyết định di dời có từ 16 năm trước. Vậy đến bao giờ các cơ sở gây ô nhiễm này mới được di dời ra khỏi nội thành Hà Nội?

Theo Báo Đấu thầu/ Pháp luật Plus