Lễ hội lớn nhất Nam Định trở lại thu hút đông đảo du khách thập phương

05/02/2023 13:09

Kinhte&Xahoi Lễ hội khai Ấn Đền Trần diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15/1 âm lịch tại Đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

Đêm 4/2 và rạng sáng 5/2 (tức ngày 14, rạng sáng 15/1 âm lịch), tại thành phố Nam Định đã diễn ra lễ hội khai Ấn Đền Trần năm 2023, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.

Các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trước giờ khai Ấn.
 

Sau 3 năm tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ khai Ấn năm nay được tổ chức theo đúng nghi thức như các năm trước. Càng về đêm, dòng người đổ về Đền Trần càng đông dù thời tiết năm nay có mưa phùn nhỏ.

Lễ hội khai Ấn đền Trần được tổ chức trang trọng từ 22h15 ngày 4/2 với các nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, dâng hương, tế cáo trước ban thờ Trung Thiên Đền Thiên Trường, rước Ấn vào nội cung và đặt tại ban công đồng để làm lễ xin khai Ấn.

Nghi lễ khai Ấn có sự tham gia của 14 cụ cao niên trong họ Trần của làng Tức Mạc, phường Lộc Vượng.
 

Tại buổi lễ, ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định khẳng định những công lao to lớn của vương triều nhà Trần - một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông. Các vua Trần đã có công khai sông, lấn biển, mở mang bờ cõi, xây dựng quê hương đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Đoàn đại biểu cùng đông đảo người dân dâng hương tại Lễ Khai Ấn.
 

Tại đây, chủ tịch UBND thành phố Nam Định cũng nhấn mạnh, lễ khai Ấn được duy trì tổ chức hàng năm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lễ khai Ấn xuất phát từ thời nhà Trần, sau khi đánh bại giặc Nguyên Mông, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông mở tiệc mừng công, phong tước cho quan quân có công đánh giặc, giữ yên bờ cõi.

Vào đầu xuân, các vua Trần đều tổ chức nghi lễ khai ấn với mục đích tế trời đất, tổ tiên, mở đầu cho một năm làm việc thuận lợi của bộ máy chính quyền.

Ngày nay, lễ khai Ấn Đền Trần thu hút hàng chục nghìn khách thập phương với mong muốn cầu tài lộc, may mắn.

Lễ hội Đền Trần, một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, thường diễn ra từ ngày 11 đến 16 tháng giêng (Âm lịch) hàng năm với ba nghi lễ truyền thống là khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và rước nước tế cá.

Nghi lễ khai Ấn và phát ấn vào đêm 14 tháng giêng.

Khác với mọi năm, sau khi khai Ấn xong, các kiệu ấn đã được di chuyển ra khỏi sân đền Thiên Trường, cửa đền cũng đóng kín và lực lượng công an túc trực bên ngoài để không cho người dân vào bên trong đặt lễ.

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội vẫn tiếp tục duy trì hệ thống camera an ninh, nếu phát hiện cá nhân nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có các hành vi phản cảm trong lễ hội sẽ sử dụng biện pháp thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý.

Đồng thời, lập các đoàn liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn tình trạng phát ấn giả (nếu có).

Lễ hội khai Ấn Đền Trần đầu xuân là dịp để lan tỏa giá trị văn hóa tín ngưỡng dân gian, tư tưởng nhân văn, từ đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, hun đúc tinh thần hướng thiện, ý chí đoàn kết và tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Đại Dũng - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://www.phapluatplus.vn/dia-phuong/le-hoi-lon-nhat-nam-dinh-tro-lai-thu-hut-dong-dao-du-khach-thap-phuong-d189766.html