Mối liên hệ giữa thuốc lá thế hệ mới và sức khỏe

30/09/2021 07:42

Kinhte&Xahoi Theo kết quả của một khảo sát của một tờ báo điện tử gần đây, hơn 90% người hút thuốc trưởng thành tại Việt Nam cho biết họ đặc biệt quan tâm đến các giải pháp giảm thiểu tác hại bằng những sản phẩm không khói, trong đó cũng bao gồm các sản phẩm thuốc lá thệ hệ mới.

Trong hai thập kỷ qua, nhiều tổ chức y tế toàn cầu nghiên cứu các tác động của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đối với sức khỏe trong bối cảnh cần phải có giải pháp cho những người muốn tiếp tục hút thuốc.

Đánh giá và khuyến cáo của các cơ quan nghiên cứu

Phổ biến hiện nay là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử hiện đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các tổ chức y tế trên nhiều nước tiến hành những nghiên cứu đánh giá mức độ giảm tác hại của sản phẩm.

Giải pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm không khói được quan tâm đặc biệt.

Sản phẩm thuốc lá làm nóng (heated tobacco product - HTP) gồm 3 phần: thiết bị làm nóng, sản phẩm thuốc lá đặc chế và đầu sạc, hoạt động theo cơ chế làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế ở mức nhiệt độ không quá 350 độ C, chưa đủ cấu thành phản ứng cháy.

Quá trình làm nóng này chỉ đủ để tỏa ra khí hơi, hay còn gọi là aerosol và trong aerosol có chứa nicotin được giải phóng từ quá trình làm nóng. Nhờ thiết bị điện tử, mức nhiệt của thuốc lá làm nóng được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với ngưỡng nhiệt đốt cháy thuốc lá là 600-800 độ C. Trong khi đó, thuốc lá điện tử chỉ làm nóng tinh dầu có hoặc không có chứa chất nicotin.

Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) nhấn mạnh rằng các sản phẩm thuốc lá làm nóng “có khả năng giúp những người sử dụng và người xung quanh ít phơi nhiễm với các chất gây hại”, do loại bỏ được quá trình đốt cháy. Mức độ giảm phơi nhiễm có sự khác nhau giữa các nghiên cứu và các sản phẩm thuốc lá làm nóng khác nhau thì cũng có những đặc tính và độ ảnh hưởng khác nhau. Tuy nhiên, PHE cũng cảnh báo rằng thuốc lá làm nóng không hoàn toàn vô hại và vẫn có rủi ro.

Năm 2017, Cơ quan Sức khỏe Môi trường, thuộc Viện Sức khỏe Cộng đồng Quốc gia Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu so sánh thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu thông thường. Cụ thể, các chuyên gia đã đánh giá các chất gây hại gồm hắc ín (tar), carbon monoxide (CO) và nitrosamine và nicotin (chất gây nghiện) trong thuốc lá làm nóng và so sánh nồng độ của chúng trong thuốc lá điếu.

Kết quả cho thấy nồng độ nicotin trong khí hơi của thuốc lá làm nóng tương đương với thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, nồng độ nitrosamine (một trong những chất gây ung thư đặc trưng đối với những người hút thuốc lá điếu) của thuốc lá làm nóng chỉ bằng 1/5 và nồng độ CO chỉ bằng 1/100 so với thuốc lá thông thường.

Cũng trong năm 2017, Ủy ban Tư vấn khoa học về Độc học (COT) của Anh đã công bố một đánh giá về sản phẩm thuốc lá làm nóng trong đó kết luận rằng dù thuốc lá làm nóng dù vẫn có hại đối với sức khỏe nhưng người hút thuốc lá sẽ giảm hàm lượng phơi nhiễm với các chất gây hại khi chuyển sang sử dụng thuốc lá làm nóng.

Các tác giả kết luận rằng “nồng độ các chất độc trong khí hơi của thuốc lá làm nóng thấp hơn nhiều so với thuốc lá điếu”. Mặc dù không loại bỏ hoàn toàn những chất có hại khỏi khí hơi nhưng nồng độ thấp đáng kể so với thuốc lá điếu đốt cháy có ý nghĩa quan trọng với việc giảm tác hại do hút thuốc lá.

Quan điểm của WHO đối với thuốc lá thế hệ mới

Nhiều nghiên cứu liên quan đến giảm tác hại của thuốc lá thế hệ mới được các tổ chức khoa học thực hiện nhằm đánh giá về khả năng giảm tác hại của những sản phẩm này, từ đó đưa ra những khuyến cáo quan trọng về mặt khoa học đến các chính phủ và người tiêu dùng.

Theo TS Reiner Wittkowski, Phó Giám đốc Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR), các sản phẩm thuốc điện tử và thuốc lá làm nóng được khoa học đánh giá giảm thiểu tác hại với người dùng. Điều này tạo ra sự quan tâm của nhiều tổ chức y tế và đặt ra nhu cầu kiểm chứng, đối chiếu các kết quả khoa học trong việc đánh giá về mối liên hệ giữa sản phẩm và sức khỏe.

Tại Đức, nghiên cứu hồi tháng 5/2018, với sự tham gia của BfR, cho thấy thuốc lá làm nóng tạo ra ít hơn đáng kể các chất gây hại, như các chất gây ung thư, cụ thể là giảm 80-95% aldehyde và 97-99% các hợp chất dễ bay hơi. BfR là một tổ chức khoa học độc lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Liên bang Đức, tư vấn cho Chính phủ về vấn đề an toàn của các thực phẩm, hóa chất và sản phẩm.

Viện Sức khỏe cộng đồng và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM) năm 2018 cũng cho biết, số lượng chất tồn tại trong không khí mà con người hít vào khi dùng thuốc lá làm nóng thấp hơn.

Đánh giá về độc tính của FDA Hoa Kỳ cũng cho thấy, khí hơi từ thuốc lá làm nóng chứa nồng độ chất gây ung thư và các chất hoá học có khả năng gây tổn hại cho hệ hô hấp và hệ sinh sản thấp hơn đáng kể so với khói thuốc lá thông thường.

Ông Scott Gottlieb, cựu Ủy viên FDA cho biết, các sản phẩm thay thế chứa nicotin có thể là một sự lựa chọn cho những người lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Theo ông, FDA tin rằng các sản phẩm chứa nicotin đều tồn tại rủi ro ở những mức độ khác nhau.

Trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, FDA đã thẩm định và cho phép sản phẩm thuốc lá làm nóng (chỉ những sản phẩm đã qua kiểm nghiệm của FDA) được kinh doanh với chỉ định là sản phẩm giảm thiểu phơi nhiễm với các chất gây hại và có tiềm năng gây hại lên cơ thể so với thuốc lá điếu.

WHO khuyến cáo tất cả các loại thuốc lá đều có hại, bao gồm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, đồng thời khuyến cáo các quốc gia kiểm soát chặt chẽ dòng sản phẩm này. WHO cũng cho biết chưa có nghiên cứu để chứng minh rõ nét việc giảm thiểu phơi nhiễm sẽ đồng nghĩa với giảm tác hại cũng như khẳng định đây không phải là sản phẩm dùng để cai thuốc lá điếu.

Tuy nhiên trong báo cáo của WHO, cơ quan này cũng ghi nhận rằng đánh giá tổng quan từ các nghiên cứu đã công bố cho thấy, hàm lượng các chất độc hại được phân tích trong khí hơi của thuốc lá làm nóng thấp hơn ít nhất 62% và các hạt chất rắn (PM) thấp hơn 75% so với khói của thuốc lá điếu thông thường. Điều này đã được khẳng định tương tự trong các nghiên cứu từ ngành công nghiệp thuốc lá và các nghiên cứu độc lập, bao gồm các tổ chức y tế chính phủ của Đức, Hà Lan, Anh quốc...

Hiện WHO vẫn đang kêu gọi cai mọi sản phẩm thuốc lá là biện pháp tốt nhất đối với người hút thuốc. Trên thông báo chính thức của WHO cũng công bố quy định rõ ràng cho việc quản lý thuốc lá điện tử cho các quốc gia, nếu việc ngăn chặn sự có mặt của những sản phẩm này là không khả thi.

Còn với những sản phẩm thuốc lá làm nóng, WHO kêu gọi Chính phủ các nước cần kiểm soát, sản phẩm phải tuân thủ các biện pháp chính sách và quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm thuốc lá khác, phù hợp với Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC).

 Hà Lê - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc): Cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc để thực hiện dự án công viên vui chơi giải trí

Sáng 28/9, UBND thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tổ chức cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với hộ ông Nguyễn Văn Báu (địa chỉ thường trú tại tổ dân phố Vĩnh Ninh, phường Tích Sơn) để thực hiện dự án công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên. Chỉ đạo tại hiện trường có đồng chí Lê Anh Tân, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Các phòng, ban đơn vị có liên quan của thành phố và phường Liên Bảo.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/moi-lien-he-giua-thuoc-la-the-he-moi-va-suc-khoe-d167496.html