Một kiểu siết nợ khó hiểu của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội tỉnh Bắc Ninh

31/10/2018 10:04

Kinhte&Xahoi Việc đôn đốc nợ và đòi nợ là công việc hàng ngày của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cách “đòi nợ” theo kiểu “côn đồ” của cán bộ MB Bắc Ninh và AMC.MB cho thấy trình độ, phẩm chất, năng lực của những người liên quan cần phải được xem xét và xử lý nghiêm túc.

Nội dung cam kết ghi trong 2 hợp đồng “cấp tín dụng” của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tỉnh Bắc Ninh nêu rõ: “Mỗi kỳ tính lãi sau kỳ tính lãi đầu tiên của khoản vay bắt đầu vào ngày 20 của tháng dương lịch” và khách hàng sẽ bị phạt “ba phần trăm (3,0%) trên số tiền lãi chậm dưới 10 ngày”. Thế nhưng, mới chậm trả nợ gốc và lãi 4 ngày, MB Bắc Ninh đã ép khách hàng trả nợ bằng việc “tống đạt” thông báo và lừa doanh nghiệp đưa xe về trụ sở ngân hàng để ép… tất toán khi hợp đồng đang còn hiệu lực pháp luật.

Tòa nhà làm việc và điểm giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Quân đội tại TP Bắc Ninh

Tháng 4 và tháng 7 năm 2016, Công ty TNHH Thiết bị trường học M.H (xin viết tắt- sau đây gọi là Công ty M.H) có ký 2 “hợp đồng cấp tín dụng” với MB Bắc Ninh. Tổng số tiền mà Công ty M.H vay của MB Bắc Ninh là 1,010 tỷ đồng. Trong đó, hợp đồng vay 800 triệu đồng có thời hạn trả nợ gốc và lãi là 60 tháng, tài sản thế chấp là chiếc xe ô tô Mazda CX-5, BKS:99A-123.79 trị giá khoảng 1,25 tỷ đồng được doanh nghiệp này mua trước ngày 01/4/2016; hợp đồng vay 210 triệu đồng có thời hạn 48 tháng, được thế chấp bằng chiếc ô tô tải nhãn hiệu THACO, BKS: 99C-092.82, trị giá 310,3 triệu đồng, được doanh nghiệp này mua trước ngày 29/6/2016. 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty M.H trả nợ đầy đủ, nhưng có chậm một vài ngày do gần cuối tháng phải xử lý nhiều khoản chi phí. Công ty M.H nhiều lần đề nghị phía MB Bắc Ninh điều chỉnh thời điểm trả nợ gốc và lãi sang đầu tháng nhưng không được bên cho vay chấp thuận. Từ việc Công ty M.H chậm trả nợ theo thời hạn ghi trong 2 hợp đồng vài lần, ngày 28/5/2018, ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc MB Bắc Ninh đã ký, ban hành “Quyết định” về việc “thu giữ tài sản đảm bảo” (số 28/QĐ-BNI). Theo quyết định này, MB Bắc Ninh sẽ thu giữ 2 ô tô là tài sản thế chấp nêu trên. Việc thu giữ tài sản nêu trong “Quyết định” được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản của MB (gọi tắt là Công ty AMC.MB) thực hiện. Trước khi ban hành quyết định số 28/QĐ-BNI nói trên, MB Bắc Ninh không hề có buổi làm việc nào hoặc bất cứ văn bản nào thông báo về việc chậm trả nợ gửi cho khách hàng. 

Xe của Công ty M.H bị cán bộ MB Bắc Ninh và nhóm người lạ xích lại và chiếm giữ trái phép ngay tại nhà để xe khách hàng của MB Bắc Ninh

Quyết định ban hành với chữ ký và con dấu đầy đủ và có hiệu lực là thi hành ngay, thế nhưng, AMC đã không thực hiện và doanh nghiệp vẫn trả nợ gốc và lãi 25 triệu đồng/tháng bình thường. Khoảng 13 giờ ngày 24/10/2018, một cán bộ MB Bắc Ninh (có tên là Tấn) gọi điện cho bà Nguyễn Thị M.N - giám đốc Công ty M.H hỏi: “Chị có ở xưởng không em qua thăm chút”. Bà M.N trả lời “Có. Chị đang ở xưởng đây, em đến đi”. Sau đó ít phút, ông Tấn dẫn theo 4 người đàn ông (không rõ danh tính) đến cơ sở sản xuất của Công ty M.H tại Khu công nghiệp Đại Đồng (thuộc xã Đại Đồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) và tự ý dùng dây xích khóa bánh chiếc xe ô tô mazda CX-5 của Công ty M.H lại trước sự chứng kiến của công nhân, khách hàng (trong đó có cả khách hàng người nước ngoài). Sau khi thực hiện xong hành vi trên, cán bộ đại diện MB Bắc Ninh đưa cho đại diện Công ty M.H tờ thông báo có ghi số 4242/TB-MBAMC-TTXLN đề ngày 24/10/2018 về việc “thu giữ tài sản bảo đảm”, sau đó nhóm người này lại “tống đạt” tiếp thông báo số 4243/TB-MBAMC-TTXLN với ngày ghi phát hành cũng là 24/10/2018. Cả 2 văn bản thông báo trên đều do ông Nguyễn Đình Tiến- Phó Trưởng phòng xử lý nợ miền Bắc “thừa ủy quyền của Tổng Giám đốc AMC.MB (là ông Lê Đình Luật) ký.

Sau khi thực hiện hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của khách hàng, ông Tấn mới đưa cho bà M.N bản thông báo này

Theo trình bày của đại diện Công ty M.H, sau khi bị xích xe vô cớ, nhóm người trên đã vấp phải sự phản ứng với lý lẽ sắc sảo của lãnh đạo Công ty và những người chứng kiến. Biết bị đuối lý, ông Tấn lấy tư cách là đại diện cho MB Bắc Ninh “nhẹ nhàng” mời lãnh đạo Công ty M.H về MB Bắc Ninh để giải quyết. Bà M.N lái chiếc xe mazda CX-5 theo ông Tấn và nhóm người trên về điểm giao dịch của MB Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn theo yêu cầu. Sau đó, một cán bộ của MB Bắc Ninh tự ý lái chiếc xe này về trụ sở MB Bắc Ninh (tại số 24, đường Lý Thái Tổ, tp Bắc Ninh) xích lại, bất chấp phản ứng của khách hàng. 

Cho đến nay, đã hơn 10 ngày trôi qua, đại diện Công ty M.H vẫn không được MB Bắc Ninh cho biết danh tính của 4 người đi cùng ông Tấn hôm đó là ai, họ là cán bộ của AMC.MB hay những kẻ đã có tiền án, tiền sự. Việc xiết nợ của MB Bắc Ninh bằng hành vi xích xe ô tô Mazda CX-5 và giữ tài sản nêu trên không hề được đại diện MB Bắc Ninh lập thành biên bản theo quy định pháp luật. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, đại diện Công ty M.H đã nhờ đến sự trợ giúp pháp lý của Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Thế nhưng, thay vì xem xét lại việc xiết nợ của mình đúng hay chưa, MB Bắc Ninh lại ép đại diện Công ty M.H viết giấy cam kết trả 100 triệu đồng (sau đó giảm xuống 50 triệu đồng) thay vì trả nợ gốc và lãi hàng tháng (25 triệu đồng) như thỏa thuận đã được nêu trong hợp đồng.

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng - trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng: “Hành vi xiết nợ của AMC bằng việc xích, chiếm giữ trái phép chiếc xe mazda CX-5 của MB Bắc Ninh là tài sản của Công ty M.H của ông Tấn và nhóm người lạ mặt trên đã có dấu hiệu hình sự, cần phải được điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật”. Theo luật sư Hướng, Ngân hàng TMCP Quân đội là tổ chức tín dụng có uy tín, mang màu sắc của người lính Bộ đội Cụ Hồ, không thể để một vài cán bộ, nhân viên non nớt về nghiệp vụ, mơ hồ về luật pháp thực hiện nhiệm vụ hồ đồ, thiếu quy chuẩn, thiếu chuyên nghiệp và coi thường pháp luật như vậy được”.

Nơi làm việc của Công ty AMC.MB tại tầng G2, tòa nhà B4 Kim Liên, đường Phạm Ngọc Thạch, TP Hà Nội.

Nhận được phản ánh từ bạn đọc, phóng viên Hòa Nhập đã liên hệ với ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc MB Bắc Ninh để tìm hiểu sự việc nhưng ông Tuấn Anh lại đẩy trách nhiệm trả lời phóng viên báo chí sang cho ông Nguyễn Đình Tiến- Phó Trưởng phòng Xử lý nợ miền Bắc của AMC.MB. Phóng viên liên lạc với ông Tiến để được làm việc về nội dung trên, ông Tiến yêu cầu phải có giấy giới thiệu mới tiếp, làm việc. Khi phóng viên gặp được ông Tiến (tại tầng G2, tòa nhà B4 Kim Liên, đường Phạm Ngọc Thạch,TP Hà Nội) với đầy đủ giấy tờ tác nghiệp, lại nhận được câu trả lời từ vị cán bộ này là: “Vụ việc đang được báo cáo với cấp trên nên tôi chưa thể trả lời cho báo chí được”. 

Việc đôn đốc nợ và đòi nợ là công việc hàng ngày của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cách “đòi nợ” theo kiểu “côn đồ” của cán bộ MB Bắc Ninh và AMC.MB trong vụ việc này cho thấy trình độ, phẩm chất, năng lực của những người liên quan cần phải được xem xét và xử lý nghiêm túc. Không thể để một vài cán bộ, nhân viên non kém về nghiệp vụ, coi thường pháp luật, cố tình phá hoại một tổ chức tín dụng có truyền thống tốt, thương hiệu mạnh như MB như vậy được.

 

Theo Hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án Compass One Bình Dương 'bán lúa non'?

Mặc dù chưa được thẩm định, cơ sở pháp lý và hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng không hiểu vì lý do gì toàn bộ 400 căn hộ trong dự án Compass One đã công khai mở bán hết sạch?