Mua khẩu trang “khó hơn lên trời”

05/02/2020 12:23

Kinhte&Xahoi Ghi nhận tại các nhà thuốc lớn, nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội, các mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay... vẫn đang trong tình trạng ''cháy hàng''. Người dân đều ngao ngán khi không thể mua được khẩu trang, nước rửa tay.

Một quầy bán dược phẩm tại phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân. Ảnh: Ngọc Tú

 

Người dân ngao ngán

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 4/2, lượng người tới chợ thuốc Hapulico khá đông, không khí vẫn nhộn nhịp. Đáng chú ý, rất nhiều người dân tới hỏi mua khẩu trang và nước rửa tay. Biển hiệu có nội dung như "Không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi" được treo trước đó tại nhiều quầy thuốc đã được gỡ bỏ. Thay vào đó, bất cứ ai hỏi mua mặt hàng này đều bị từ chối và thông báo... hết hàng. Chủ một quầy thuốc cho biết: “Chúng tôi không thể nhập được khẩu trang để bán. Hơn nữa, thời điểm này nhiều người có cũng không muốn bán, bán đắt thì bị phạt, bán gần giá nhập thì không bõ công”.

Trong khi đó, trên nhóm Facebook có tên “Chợ thuốc Hapulico”, nhiều người dân có nhu cầu vẫn có thể mua được hàng với giá cả thỏa thuận. Người mua có nhu cầu, người bán sẽ inbox (trả lời) riêng cho từng khách hàng. Nhiều người cho rằng, đây là một chiêu trò “lách” của các hiệu thuốc, tránh sự kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng.

Không chỉ các quầy tại chợ thuốc Hapulico, khảo sát tại các quầy thuốc nhỏ trên phố Thái Thịnh chỉ duy nhất một quầy có bán nước rửa tay với giá 75.000 đồng/lọ 500ml và 35.000 đồng/lọ 50ml. Trong khi đó, tại các quầy thuốc trên phố Tây Sơn, Nguyễn Trãi hay Cầu Giấy… nhân viên đều “lắc đầu” khi người dân hỏi mua. “Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng đi tìm mua mà không được. Thực sự chưa bao giờ đi tìm mua khẩu trang mà vật vã đến vậy" – chị Nguyễn Huyền Trang (phường Nam Đồng, Đống Đa) chia sẻ.

Sẽ giải quyết tình trạng đầu cơ

Trước tình trạng khan hiếm khẩu tra trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng các đơn vị liên quan đã đến làm việc tại một số đơn vị trên địa bàn Hà Nội về trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch nCoV. Đại diện Công ty CP Tanaphar cho biết, quy mô sản xuất của DN đạt 70.000 chiếc khẩu trang/ngày. Từ ngày mùng 6 Tết đến nay, công nhân của công ty đang làm việc hết công suất 24/24 giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất đáp ứng nhu cầu.

Tại Công ty CP Đại Uy, đại diện nhà sản xuất cho biết, đối với việc sản xuất khẩu trang, quan trọng nhất là màng lọc, hiện còn khoảng 6 tạ nguyên liệu màng lọc, nếu các máy hoạt động hết công suất 3 ca/ngày thì quy mô sản xuất đạt khoảng gần 100.000 chiếc/ngày. "Khẩu trang 3 lớp, Công ty vẫn bán 30.000 đồng/hộp (50 chiếc) như trước đây, không hề tăng giá. Tuy nhiên, để tránh tình trạng đầu cơ, công ty chỉ bán cho mỗi nhà thuốc thu mua tối đa 50 hộp, mỗi người dân đến mua chỉ bán tối đa 10 hộp" - Giám đốc Công ty CP Đại Uy Lê Xuân Hiền cho biết.

Theo 2 công ty trên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm nguồn nguyên liệu để đảm bảo sản xuất. Do đó, cả 2 đơn vị mong muốn được hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu để tăng cường sản xuất hết công suất. Đồng thời các đơn vị cũng đề xuất, được xem xét giá xuất bán điều chỉnh tăng theo giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Theo Thứ trưởng Cường, hiện nay báo cáo của các nhà sản xuất trong nước cho thấy quy mô sản xuất mỗi ngày trung bình khoảng 3 triệu chiếc khẩu trang. Do đó, với tiến độ sản xuất như hiện nay, nguồn nguyên liệu ổn định thì sẽ không có tình trạng đầu cơ và không xảy ra khan khẩu trang.

Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ với Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389/TP Hà Nội ngày 4/2, đại diện các đơn vị thành viên BCĐ 389 TP Hà Nội có chung kiến nghị, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng toàn quốc tăng cường công tác phối hợp liên ngành đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... Từ đó ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.

Chánh Văn phòng BCĐ 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát đường mòn, lối mở sang Trung Quốc. Đồng thời đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, làm giả, làm nhái. Đối với lực lượng hải quan, cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ từ ở biên giới, qua đó ngăn chặn hiện tượng buôn bán khẩu trang không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó do dịch virus corona

Virus corona đang gây ra “cú sốc” lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khách sạn. Trong vài tuần qua, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng.

Lịn bài gốc http://kinhtedothi.vn/mua-khau-trang-kho-hon-len-troi-364253.html