Năm 2022: Hà Nội thí điểm mô hình mới về phổ biến, giáo dục pháp luật

03/01/2022 19:00

Kinhte&Xahoi UBND Thành phố giao các cơ quan báo chí của Thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố và hệ thống truyền thanh cơ sở bố trí thời lượng phổ biến pháp luật phù hợp.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 321/KH-UB về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022.

Kế hoạch đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm, có chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, xây dựng văn hóa pháp lý, lối sống theo pháp luật, tự giác thực hiện, chấp hành pháp luật. Đặc biệt, hướng tới xây dựng thói quen thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong lối sống, sinh hoạt, làm việc để xây dựng “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống dịch, nhằm thích ứng linh hoạt, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

UBND Thành phố cũng yêu cầu gắn việc tuyên truyền PBGDPL với việc triển khai chủ đề năm 2022 của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; huy động sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô.

Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tổ chức tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho bà con xã Nghiêm Xuân, huyện Thường Tín.

Theo Kế hoạch, năm 2022, Thành phố xác định tập trung phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp được Quốc hội thông qua trong năm 2021 và 2022; các văn bản của Trung ương và Thành phố; các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục phổ biến các văn bản về phòng, chống dịch Cvid-19; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng; bảo vệ môi trường; cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chính quyền số; sửa đổi Luật Thủ đô.

Đồng thời, tuyên truyền hai Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; ứng xử khi tham gia mạng xã hội; văn hóa phòng, chống dịch bệnh Covid-19…

Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và nâng cao chất lượng chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” trên cổng/trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã và cung cấp thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; tổ chức đối thoại, giải đáp vướng mắc, tuyên truyền pháp luật trực tiếp, trực tuyến.

Bà con xã Nghiêm Xuân, huyện Thường Tín tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngày 5/11/2021.

UBND Thành phố giao Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, UBND các quận huyện, thị xã và Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Thanh phố thí điểm mô hình mới về phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể là triển khai tuyên truyền trên thiết bị điện tử, mô hình “Cầu thang pháp luật”, “Ki ốt điện tử”; giao Thành Đoàn Hà Nội, Đoàn Luật sư Thành phố, Hội Luật gia Thanh phố xây dựng mô hình “Câu lạc bộ trực tuyến pháp luật”…

Đồng thời, giao Sở Tư pháp và UBND các quận, huyện, thị xã tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền, PBGDPL, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các báo, đài Trung ương và Thành phố, mạng xã hội.

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, UBND Thành phố cũng đặt ra kế hoạch tuyên truyền tìm hiểu pháp luật về phòng, chống Covid-19; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả tuyên truyền phòng, chống dịch qua mô hình tự quản tại cộng đồng như Tổ Covid cộng đồng, liên gia tự quản; tiếp nhận, xử lý tin nhắn, cuộc gọi của người dân về phòng, chống dịch qua Tổng đài 1022, hệ thống PC-Covid…

Năm 2022, UBND Thành phố cũng sẽ tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù như đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù… Đồng thời, chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học.

UBND Thành phố giao các cơ quan báo chí của Thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các chuyên mục PBGDPL, giao Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố và hệ thống truyền thanh cơ sở bố trí thời lượng phổ biến pháp luật phù hợp.

UBND Thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố tuyên truyền pháp luật cho người lao động trên địa bàn Thành phố, tập trung tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, quyền và nghĩa vụ của người lao động; chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất và Sở Tư pháp thực hiện mô hình điểm tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Năm năm 2022 cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội.

 Phương Thảo - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Lộ trình lập quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2022-2025

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 329/KH-UBND nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát huy tối đa giá trị quỹ đất, khai thác hiệu quả kinh tế, bảo đảm tính khả thi dự án, tạm cư, tái định cư phù hợp nhất; ưu tiên hoàn thành trước đối với những chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng.

link bài gốc https://laodongthudo.vn/nam-2022-ha-noi-thi-diem-mo-hinh-moi-ve-pho-bien-giao-duc-phap-luat-134737.html