Nghệ An: Ấm lòng nơi rốn lũ

05/11/2020 07:44

Kinhte&Xahoi Người đàn ông gần 10 năm “đưa đò” miễn phí như một hơi ấm xua tan phần nào đó cái lạnh của xóm nhỏ khi bị cô lập trong nước lũ.

Suốt những ngày qua, hàng ngàn người dân của huyện miền núi Thanh Chương - Nghệ An buộc phải gồng mình sống chung với lũ.

Cuộc sống nhân dân là rất vất vả khi không ít xóm, làng bị cô lập bởi bốn bề là nước lũ. Cụm dân cư Chính Nghi, xóm Mỹ Hòa (cũ, nay là xóm 2) xã Thanh Lâm là một vùng như thế.

16 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu nơi đây gần 1 tuần qua bị cô lập với bên ngoài bởi nước lũ. Cả làng sống chung với cảnh không điện, không nước sạch, không thực phẩm kịp thời… Điều này đã “sống chung” với họ nhiều năm qua khi cứ độ tháng 10 âm lịch đổ về là bị ngập lụt, chia cắt.

Toàn bộ làng Kim Nghi, xóm Mỹ Hòa bị cô lập hoàn toàn.

Trong lần về thăm hỏi, hỗ trợ bà con trong mùa lũ năm nay, chúng tôi được bác lái đò Phạm Văn Tài tự tay chèo lái chiếc xuồng độc mộc bằng gỗ rẽ nước, vượt sóng đưa đoàn chúng tôi về với cụm dân cư bị cô lập ấy.


Trước khi lên xuồng, chúng tôi được người dân khu vực quảng cáo “các anh an tâm, bác Tài có thâm niên gần chục năm đưa đò rồi”.

Câu nói vui ấy của bà con khiến chúng tôi khá an tâm dù chuẩn bị lên chiếc xuồng độc mộc, sơ sài ấy để vượt qua “biển nước” mênh mông trước mặt.

Cuộc sống vốn dĩ của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn khi nằm biệt lập so với các xóm, làng khác của xã.

Càng khó khăn hơn khi mùa mưa lũ về, con đường độc đạo nối với “thế giới bên ngoài” của làng bị ngập sâu trong nước. Cá biệt hơn, cụm dân cư Chính Nghi nằm giáp ranh giữa 3 xã: Thanh Xuân, Thanh Mai và Thanh Giang.

Bác lái đò Phạm Văn Tài (phía sau) chia sẻ cùng PV.

Giữa câu chuyện cùng bác Tài lái đò và anh Quý phụ đò chúng tôi như được ấm lòng hơn với những tâm tư, suy nghĩ cũng như hành động của người dân vùng lũ, đặc biệt hơn đối với bác Tài lái đò.

Anh Quý phụ đò kể: “Bác Tài nhìn gầy gầy vậy chứ chèo đò khỏe lắm đó. Riêng chiếc xuồng của bác có thể chở tới 500 kg khối lượng kể cả người lẫn hàng.

Cứ mùa lũ về là người dân làng tôi đều trông vào chiếc xuồng này cả….”. Vặn hỏi mãi, bác Tài mới mở lòng với đoàn chúng tôi, bác chia sẻ: “Ở cái làng này quen với lũ, lụt rồi các chú ạ.

Năm nào cũng có, có lại bị cô lập. Cứ mùa lũ đến là dân hết khổ, nào là chuyển người già, trẻ em vào phía trong làng không bị ngập, rồi chuyển lúa, ngô, trâu, bò… lên vùng cao. Mọi thứ, kể cả người lần đồ đều dựa vào chiếc xuồng này để chuyển ra ngoài, vượt lũ cả...”.

Những chuyến đò thắm đượm tình người...

Được biết, gần 10 năm lại nay, bác Phạm Văn Tài đã sắm suồng để sử dụng cho gia đình khi mùa lũ về và giúp người dân trong làng chống lũ.

Để đối phó với tình trạng mất điện kéo dài, gia đình bác Tài cũng “tậu” cho mình một chiếc máy nổ để phục vụ cuộc sống.

Nói là “tậu” cho oách, chứ của người thân cho đợt vừa rồi - bác Tài khoe. Mang tiếng là phục vụ cho gia đình nhỏ của bác Tài nhưng thực tế vào mùa lũ, nó là cứu cánh của hơn 50 nhân khẩu nơi đây để ổn định cuộc sống.

Hàng ngày, bác tài sẽ sử dụng máy phát điện vào một thời điểm nhất định rồi cho nhân dân trong làng lần lượt mang nồi cơm điện đến để cắm, sạc điện thoại, đèn tích điện… Tôi hỏi: “Thế mỗi ngày bà con trả bác bao nhiêu”?, bác Tài xua tay, cười tươi rồi nói: “Ai lấy gì của dân đâu chú. Mình có, mình giúp dân thôi. Đầu mùa lũ, tôi đã mua sẵn vài chục lít xăng tích trữ để phục vụ bà con rồi…”.

"Có hề hấn chi...."

Tất bật cùng chiếc loa phóng thanh cầm tay để tiếp nhận, điều phối hàng cứu trợ của các đoàn khắp nơi để chuyển vào cho bà con vùng cô lập, anh Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương vẫn bớt chút thời gian để tiếp đoàn. Cuộc trò chuyện về việc vượt lũ vào để thăm hỏi bà con của chúng tôi với vị Phó Chủ tịch, bỗng bị cắt ngang bởi câu nói của bác Tài lái đò - Có tôi đây. Câu nói ấy làm không chỉ đoàn mà cả gian phòng nhỏ không ít thắc mắc, ngạc nhiên. Và rồi, chúng tôi được bác lái đò nhỏ bé ấy vượt lũ an toàn về với bà con. Trước khi lên đường, anh Thanh kéo tay bác Tài, nói vui “Anh xem thế nào, đoàn họ là thiện nguyện đấy”. Như ngầm hiểu ý nhắc vui của anh Thanh, bác Tài đáp: “Anh an tâm, họ đã có lòng về với bà con thì việc đưa đò đoàn có hề hấn chi”.

Hơn một giờ đồng hồ trên chiếc thuyền độc mộc của bác Tài, đoàn chúng tôi được dịp đến tận nơi, thăm từng nhà để phần nào thấu hiểu được cuộc sống của bà con nơi đây.

Khó khăn, vất vả còn đó nhưng chừng nào còn có những “bác Tài” thơm thảo như thế thì cuộc sống với bà còn còn lắm “hoa hồng”.

Chia tay với bác Tài, đoàn chúng tôi không khỏi thổn thức trước một ý nguyện không của riêng bác đó là việc xây dựng, nâng cao được con đường độc đạo nối vào làng Chính Nghi, để mỗi mùa lũ về người dân không còn bị cô lập…

Văn Nam - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Lại “thổi” giá đất Thanh Trì

Thông tin huyện Thanh Trì phấn đấu xây dựng kế hoạch lên quận vào năm 2023, thay vì năm 2025 như phê duyệt của Thành ủy Hà Nội khiến giới “cò vạc” thời gian qua bắt đầu nhòm ngó…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doi-song/nghe-an-am-long-noi-ron-lu-d139697.html