Người dân lo "sốt vó" khi UBND TP Đà Nẵng "chỉnh" giá đất

07/03/2019 10:16

Kinhte&Xahoi UBND TP Đà Nẵng vừa ký ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung một số điều về quy định giá các loại đất năm 2019 và có hiệu lực kể từ ngày 11/2. Trong đó, giá đất mới quy định cao hơn gấp nhiều lần so với bảng giá đất áp dụng trước đây. Quy định mới bị hàng ngàn hộ dân tái định cư phản ứng khi cho hay họ còn nợ tiền đất và nay số nợ tăng gấp nhiều lần, lâm cảnh điêu đứng.

Giá đất tăng “phi mã”, nhiều người dân mua đất tái định cư và nợ tiền sử dụng đất nay thành con nợ tiền tỷ.

Quyết định gây tranh cãi

Tại Quyết định 06/2019/QĐ-UBND có hiệu lực kể từ ngày 11/2, bảng giá đất mới thể hiện, phần lớn các khu vực trên toàn Đà Nẵng đều được áp giá đất thay đổi lên gấp nhiều lần so với bảng giá trước đó. Trong đó, các khu “đất vàng” thuộc quận Sơn Trà và Hải Châu tăng lên gấp 2 thậm chí gấp 5 lần, cao nhất đến 98 triệu đồng/m2. 

Thông tin vừa được công bố đã gây nhiều tranh cãi. Thực tế nhiều người chỉ ra rằng, các địa bàn như quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn hoặc Liên Chiểu, giá mới lại đang thấp hơn thị trường nhiều lần. Đơn cử như đường Võ Nguyên Giáp, trong khi giá đất cao nhất theo Quyết định mới cho tuyến đường này là 98,8 triệu đồng/m2, nhưng giá thị trường đang dao động quanh mức 250 triệu đồng/m2, thậm chí vị trí đẹp lên đến 330 triệu/m2. Hay khu vực nội thành như đường Bạch Đằng giá đất thị trường dao động khoảng 300 triệu/m2, nhưng giá công bố theo Quyết định mới chỉ từ 21,82- 98,8 triệu đồng/m2…  

Nói về bảng giá đất mới ban hành, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ, việc quy định giá mới chưa hợp lý và rắc rối cũng nảy sinh từ đây. “Lấy ví dụ, nếu áp dụng theo bảng giá đất công bố, đất tại đường Võ Nguyên Giáp có giá thị trường khoảng 250 triệu đồng/m2 nhưng giá đất “niêm yết” chỉ 98,8 triệu đồng/m2; đồng nghĩa nếu khu vực đó đền bù giải toả, giá đền bù mỗi m2 dân sẽ mất 150 triệu đồng. Điều này rất thiệt thòi cho người dân”, chuyên gia này phân tích.

Từ khi Quyết định mới được công bố, trên trang Quản lý Đô thị Đà Nẵng (do UBND TP quản lý) cũng diễn ra các cuộc tranh luận bức xúc của người dân tái định cư, đối tượng được cho là chịu thiệt nhất. 

Bà Lê Thị Thu, một hộ diện tái định cư ở quận Sơn Trà cho biết, gia đình bà bị giải tỏa vào năm 2007 và được bố trí ở khu đầu tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc với điều kiện cho nợ tiền sử dụng đất 10 năm. Bà nợ tổng cộng 60 triệu đồng/90 m2. Đến đầu năm 2019, gia đình gom đủ tiền trả nợ đến Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà để nộp, mới tá hỏa nhận được thông báo số nợ của gia đình đã lên đến gần… 2 tỉ đồng. Với số nợ như trên, bà Thu không biết đến bao giờ mới có thể trả được.

Tương tự, hàng trăm hộ dân nợ tiền sử dụng đất trên địa bàn quận Sơn Trà cũng phải đối mặt với số nợ “khủng”. Cạnh nhà bà Thu, hộ ông Hồ Thanh Tùng (ngụ quận Sơn Trà) cũng lo lắng nhiều ngày qua bởi sau khi bị giải tỏa năm 1998, gia đình mua lại lô đất tái định cư với số nợ chỉ khoảng gần 30 triệu. Nay nếu áp giá đất mới, số tiền nợ phải trả gần 1 tỉ đồng. “Chắc chỉ có cách bán đất đi mới đủ tiền trả nợ”, ông Tùng nói.

Theo nhiều người dân, việc thay đổi bảng giá đất mới được áp dụng một cách đột ngột, không thông báo cụ thể. Nếu biết trước được thời điểm áp dụng, họ đã vay mượn để trả chứ không đẩy sự việc đến mức “bế tắc” này. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng, tính đến ngày 31/1, tổng số hộ nợ tiền đất trên toàn TP là 7.189 hộ. Trong đó, số hộ nợ đất tái định cư  6.958 hộ với tổng số tiền hơn 866 tỉ đồng. 

Sở TN-MT TP Đà Nẵng nói gì?

Trao đổi với PLVN, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho hay, căn cứ Luật Đất đai, bảng giá đất được UBND cấp tỉnh xây dựng trên nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần, đồng thời được công bố công khai vào ngày 1/1 năm đầu kỳ. Việc điều chỉnh bảng giá đất căn cứ hai trường hợp. Một là khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự. Hai là khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.

Ông Hùng cho biết, với Đà Nẵng, qua 2 năm áp dụng bảng giá đất mới từ đầu năm 2017, giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động, có một số khu vực biến động rất lớn. Qua chứng thư thẩm định giá của Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất, giá đất tại đô thị tỉ lệ tăng bình quân 4,13 lần (cao nhất 9 lần, thấp nhất 1,86 lần), về giá đất ở nông thôn tỉ lệ tăng bình quân 2,66 lần (cao nhất 6,83 lần, thấp nhất 1,2 lần). Đồng thời trong năm 2017 trên địa bàn đã đặt mới tên một số tuyến đường. Chính vì thế, Đà Nẵng đã quyết định thay đổi bảng giá đất.

Về trình tự điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện theo trình tự như sau: Xác định loại đất, vị trí đất cần điều chỉnh trong bảng giá đất; Điều tra, tổng hợp, phân tích thông tin về giá đất thị trường; các yếu tố tự nhiên, kinh tế- xã hội, quản lý và sử dụng đất đai ảnh hưởng đến giá đất: hướng dẫn cụ thể tại Điều 23, Khoản 1 Điều 24 Thông tư 36/2014/TT-BTNMT; Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành: Tổng hợp kết quả điều tra, thu thập thông tin giá đất thị trường tại cấp tỉnh và đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành.

Liên quan đến ý kiến người dân nợ đất tái định cư phản ảnh giá đất mới quá cao, không đủ tiền để nộp, ông Hùng nêu: Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa 5 năm; sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).

Với vấn đề trước đây TP Đà Nẵng cho các hộ tái định cư nợ tiền quy đổi ra vàng, căn cứ Công văn số 7315/UBND-KT1 ngày 31/8/2016 của UBND TP Đà Nẵng (văn bản này, hiện nay Sở TN-MT đang trình UBND thành phố sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với quy định), với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98%, đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án: “Phương án 1: Thực hiện trả nợ theo hợp đồng; trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng x đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơp số tiền nợ gốc/ Phương án 2: Trả nợ theo giá quy định hiện hành”.

 

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thái Bình: 47 DN nợ 157 tỷ đồng tiền thuế

Cục Thuế Thái Bình vừa công khai danh sách 47 doanh nghiệp (DN) nợ trên 157,3 tỷ đồng tiền thuế tính đến 31/1/2019. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty TNHH vận tải biển Vịnh Hồng Hà nợ trên 37,4 tỷ đồng.