Nhà đầu tư nước ngoài thông báo dừng dự án dệt nhuộm “khủng”

15/10/2019 16:48

Kinhte&Xahoi Một doanh nghiệp nước ngoài vừa thông báo quyết định dừng đầu tư dự án dệt nhuộm “khủng” tại Khu công nghiệp Sông Công II (Thái Nguyên) vì không đáp ứng được các yêu cầu về môi trường, xả thải.

Thông tin với Dân trí, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết vừa nhận được văn bản của Công ty TNHH Dệt Việt Nam thông báo việc dừng đầu tư dự án dệt nhuộm “khủng” tại Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua.

Khu công nghiệp Sông Công II đang được hoàn thiện hạ tầng.

Theo văn bản này, Công ty TNHH Dệt Việt Nam thuộc sở hữu hoàn toàn bởi Công ty Interweave Holdings Limited, đang thực hiện dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” với công suất 100 triệu m2 vải/năm tại Khu công nghiệp Sông Công II.

Theo quy định pháp luật, công ty này đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường vào năm 2018 để được thẩm định.

Hội đồng thẩm định đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, tiến hành khảo sát địa điểm và họp vào cuối tháng 3 và tháng 6/2019.

Tuy nhiên đến ngày 20/9/2019, Công ty TNHH Dệt Việt Nam đã gửi văn bản tới Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thông báo về việc dừng đầu tư dự án.

Lý do được đưa ra là vì thoả thuận giữa doanh nghiệp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên quá hạn, thửa đất đã thoả thuận không được bàn giao cho công ty hoặc báo cáo ĐTM không được chấp thuận.

“Sự bất đồng giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Bộ Tài nguyên và Môi trường về yêu cầu điều chỉnh ĐTM của Khu công nghiệp Sông Công II cùng với những yêu cầu bổ sung đầu ra với công ty đã dẫn đến việc chậm trễ trong việc ban hành chấp thuận ĐTM”- doanh nghiệp cho hay.

Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã không thể thực hiện thoả thuận đã cam kết để cho phép công ty xả nước thải tại điểm xả gần nhất đến Sông Công, cách khoảng 2 km.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đã đặt ra yêu cầu đối với công ty về việc xây dựng ống xả thải vào hạ nguồn cách 7,5-8 km. Điều này làm gia tăng chi phí và việc quản lý hành chính đối với quá trình vận hành.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu việc tái sử dụng 50% lượng nước và chỉ cho phép lượng xả thải tối đa 5.000 m3/ngày vào nguồn nước Sông Công, so với đề xuất lượng xả thải 14.400 m3/ngày của công ty trong những đợt cao điểm của hoạt động sản xuất. Điều này cũng làm gia tăng chi phí sản xuất và khiến cho việc đầu tư không còn khả thi.

“Việc dự án bị chậm trễ kéo dài cũng khiến cho công ty tổn thất nhiều chi phí mà công ty không thể tiếp tục. Sau khi xem xét cẩn trọng một thời gian dài, chúng tôi đã phải đưa ra quyết định khó khăn nói trên, mặc dù chúng tôi đến nay cũng đã đầu tư rất nhiều vào dự án”- công ty này cho hay.

Như Dân trí phản ánh trước đó, Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên chấp nhận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận đầu tư.

Tuy nhiên sau đó nảy sinh việc Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ “tố” Tổng cục Môi trường đã có những biểu hiện thiếu hợp tác và có dấu hiệu thiếu công bằng, không khách quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, cố tình gây khó khăn cho Công ty Interweave Holding Limited. Sau đó Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan cùng vào cuộc giải quyết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus