Nhà giáo - vinh dự và trách nhiệm

20/11/2020 08:30

Kinhte&Xahoi Hôm nay, 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam (hay Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam). Đây được coi là ngày lễ hội của ngành Giáo dục và là Ngày Nhà giáo, ngày “tôn sư trọng đạo” nhằm mục đích tôn vinh những người giáo viên.

Nghề giáo luôn là nghề cao quý. (Ảnh minh hóa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh, một “người thầy” vĩ đại, nhưng trước khi tham gia hoạt động cách mạng cũng là một học trò của các nhà yêu nước. Lúc sinh thời, chính Người đặc biệt quan tâm đến nghề giáo viên. Trong Lá thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc tháng 3/1955, Bác Hồ đã viết: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy là chăm lo cho con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”.

Phải nói rằng, chưa có lĩnh vực nào được Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm đặc biệt như giáo dục. Luật Giáo dục của nước ta ghi rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu, góp sức quyết định sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Hằng ngày, hằng giờ, mỗi niềm vui cũng như sự trăn trở, băn khoăn của hàng triệu người phụ thuộc vào sự thành bại của giáo dục, trong đó vai trò người thầy giáo có ý nghĩa quyết định. Việt Nam là dân tộc duy nhất có châm ngôn “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Điều này thể hiện sâu sắc vị trí người thầy giáo trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam ta.

Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước ta ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, càng thôi thúc chúng ta phải khẩn trương đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục theo hướng toàn diện và căn bản. Xã hội vui khi giáo dục đạt được thành tựu, lo lắng khi chuyện này, chuyện khác xảy ra trong lĩnh vực giáo dục từ biên soạn giáo viên đến đạo đức, phẩm hạnh của thầy cô giáo, mối quan hệ giữa thầy và trò.

So với trước đây, thế hệ nhà giáo hôm nay có nhiều thuận lợi hơn song cũng đối diện với không ít thách thức, áp lực. Áp lực từ căn bệnh thành tích nghiêm trọng, từ đồng lương của nghề giáo còn thấp và cũng chính từ những nhà giáo bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... Đội ngũ giáo viên ngày càng tăng song dường như những nhà giáo tận tâm, trách nhiệm, coi trọng đạo đức nghề nghiệp, thực sự là tấm gương sáng thì không tăng lên tương xứng. Chất lượng chưa tỷ lệ thuận với số lượng.

Quá trình thực hiện những nhiệm vụ lớn lao của ngành Giáo dục hiện nay, người thầy giáo có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp cải cách giáo dục. Tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và tranh thủ cao nhất sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy và chính quyền các cấp dành cho giáo dục - đó cũng là trách nhiệm trước hết và là nghệ thuật tiến hành giáo dục của cả đội ngũ đứng lớp cũng như đội ngũ quản lý giáo dục.

Nhân dân ta, toàn xã hội ta đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ xung kích này của sự nghiệp cải cách giáo dục. Vinh dự và trách nhiệm đã và đang tiếp tục đặt lên vai giáo viên nhân dân!

 Từ Tâm - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án bất động sản 27 năm bất động

Trong khi 3 dự án Sài Gòn Centre I, II, III đã hoàn thành đi vào hoạt động, thì 2 dự án Sài Gòn Centre IV, V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 1993 nhưng sau 27 năm vẫn nằm “bất động”.

Nguồn: Pháp luật Plus