Nhiều vị trí đất đẹp được giao cho cán bộ công chức huyện Đắk Hà không qua đấu giá

26/11/2022 14:57

Kinhte&Xahoi Thanh tra phát hiện 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá theo chủ trương của HĐND huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), trong đó, có nhiều cán bộ, công chức được giao đất với diện tích lớn.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận, chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Một trong những nội dung đáng chú ý của thông báo này là việc cơ quan thanh tra tiếp tục khẳng định UBND TP Kon Tum có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ nguyên bí thư Thành ủy TP Kon Tum thời điểm năm 2011) có bốn mặt tiền.

Ngoài ra, qua thanh tra cũng phát hiện 85 trường hợp giao đất không thông qua đấu giá theo chủ trương của HĐND huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), trong đó, có nhiều cán bộ, công chức được giao đất với diện tích lớn.

Ảnh minh hoạ (Báo Người lao động)

Dấu hiệu cố ý làm trái quy định

Theo đó, TP Kon Tum có 43 trường hợp được giao đất không qua đấu giá, không thuộc đối tượng tái định cư, nguy cơ thất thu ngân sách tối thiểu 3,5 tỉ đồng. Tại huyện Ngọc Hồi có đến 319 trường hợp giao đất không đúng quy định, tại huyện Đắk Hà có 85 trường hợp.

Thanh tra Chính phủ đã phát hiện một số cán bộ công chức thuộc huyện Đắk Hà được giao diện tích lớn, nhiều trường hợp được giao đất để ở nhưng thực tế không có nhu cầu nên khi kiểm tra thực địa thì để hoang hóa hoặc đã chuyển nhượng để kiếm lời.

Trong công tác đấu giá đất, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm như tổ chức đấu giá khi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư cơ sở hạ tầng, chậm nộp tiền trúng đấu giá, nhưng không hủy kết quả đấu giá; tùy tiện điều chỉnh vị trí, diện tích một số lô đất…

Tại nhiều dự án đấu giá, có hiện tượng một số người trúng từ hàng chục đến hàng trăm lô đất và chờ thời cơ bán kiếm lời. Đây là nguyên nhân để xảy ra tình trạng đất trúng đấu giá để hoang hóa, mất mỹ quan, hạ tầng cơ sở xuống cấp, lãng phí nguồn tài nguyên đất...

Cụ thể: Việc phân lô, bán nền, vi phạm trật tự xây dựng tại thửa đất số 1 tờ bản đồ số 7, hèm 178, đường Duy Tân, phường Trường Chinh, TP Kon Tum. Qua xác minh thấy hiện trạng xác định UBND phường Trường Chinh, UBND TP Kon Tum, Sở Xây dựng đã buông lỏng quản lý, chưa xử lý vi phạm.

Việc xây dựng sử dụng đất tại công viên Tượng đài và vườn hoa trung tâm hành chính huyện Đắk Hà thường gọi là công viên 24/3. Thanh tra Chính phủ xác định các sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng tại 2 công viên trên đã gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù Uỷ ban kiểm tra, kết luận nhưng việc kiểm điểm của các cá nhân có vi phạm chưa tương xứng với hành vi vi phạm.

Một số vi phạm chưa được khắc phục về nguyên trạng như cửa hàng Viettel xây kiên cố 2 tầng, công trình phụ trợ, quán Café…cần xử lý dứt điểm sai phạm.

Liên quan đến khu đất của bà Nguyễn Thị Ánh (Chồng bà Ánh nguyên là Bí thư thành uỷ TP Kon Tum) theo chủ trương đã được duyệt, mà thực tế bà Ánh được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc đầu tư tuyến đường (số 2 và số 3) hình thành lên thửa đất có 2 mặt tiền. UBND TP Kon Tum tiếp tục làm đường giao thông là thể hiện sự tùy tiện, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt.

Việc quản lý sử dụng đất tại tuyến Quốc lộ 14, đoạn qua xã Hoà Bình, TP Kon Tum, Công ty Cổ phần Trường Long (đơn vị thi công tuyến tránh thành phố Kon Tum) trực tiếp đổ thải đối với 5 vị trí, sai vị trí của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, với khối lượng Đoàn thanh tra tạm tính khoảng 110.513 tấn; UBND tỉnh cần chỉ đạo xác định khối lượng cụ thể, căn cứ các quy định có liên quan để xử phạt vi phạm hành chính nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Chính phủ cũng xác định Thành ủy TP Kon Tum có Văn bản 887 TB/TU ngày 14/12/2018 về chủ trương, Chủ tịch UBND TP Kon Tum ban hành Phương án 12 để hợp thức hoá cho việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp của 721 trường hợp với diện tích 87.661,5 m2 là sai, vi phạm Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Việc để 721 trường hợp xây dựng không phép trên đất nông nghiệp thể hiện buông lòng quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn TP Kon Tum.

Kiến nghị kiểm điểm chủ tịch và một số Phó chủ tịch tỉnh

Từ những nội dung kết luận, tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của UBND tỉnh và cá nhân chủ tịch, các phó chủ tịch về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành.

Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân vì để xảy ra vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.

Thanh tra Chính phủ còn cho rằng việc chuyển nhượng sau đấu giá của 464 lô đất với giá chuyển nhượng thấp hơn giá trúng đấu giá có dấu hiệu trốn thuế, kiến nghị cần phải có biện pháp xử lý tránh thất thu ngân sách.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị rà soát, xác định chênh lệch tiền do giao đất không thông qua đấu giá cho 85 trường hợp tại huyện Đắk Hà để xử lý tổng thể và truy thu đủ tiền sử dụng đất. Đối với những trường hợp mà hành vi vi phạm không thể khắc phục thì chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

 Thanh Bình - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Thuận: Gọi tên hàng loạt dự án sai phạm gây lãng phí đất đai

Tỉnh Bình Thuận vừa có kết luận thanh tra dự án bất động sản 47 dự án tại TP Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong. Trong đó có đến 21/47 dự án, với diện tích hơn 360 ha vi phạm không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án vi phạm trên 10 năm.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/nhieu-vi-tri-dat-dep-duoc-giao-cho-can-bo-cong-chuc-huyen-dak-ha-khong-qua-dau-gia-d186989.html