Những lễ hội đặc sắc tại khu vực Hà Nội khai hội ngày mùng 6 Tết

30/01/2020 15:34

Kinhte&Xahoi Hà Nội là nơi có nhiều di sản và lễ hội. Đa số các lễ hội diễn ra vào đầu năm mới, tạo nét văn hóa đặc sắc, thu hút du khách gần xa.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức)

Chùa Hương nằm trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Trong hành trình trẩy hội chùa Hương được coi là về miền đất Phật. Cùng lễ hội chùa Yên Tử và lễ hội chùa Bái Đính, đây là một trong những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc. Trong nhiều năm, tình trạng du khách cả nước về nơi đây vãn cảnh, hành hương đã khiến khu vực này trở nên "quá tải"

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội (ảnh tiền phong).

Lễ hội Chùa Hương thường được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Đến đây, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Trước hội, phần lễ thường diễn ra vào ngày mùng 4. Hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương. Các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng cũng không kém phần sôi nổi như hát quan họ, hát tuồng cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…

Không chỉ là danh thắng nổi tiếng với phong cảnh hữu tình từ non nước mênh mông của suối Yến tới chảnh sắc hùng vỹ của động Hương Tích, chùa Hương còn tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng, trở thành quần thể thắng cảnh rộng lớn, một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên. Đã từ lâu, nơi này trở thành Di tích quốc gia, đồng thời mang nhiều giá trị văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng đạo Phật của người Việt từ xa xưa tới nay.

Lễ hội đền Sóc (Hội Gióng)

Lễ hội đền Sóc tổ chức tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời. Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 Giò hoa tre được cung tiến tại lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn (ảnh Kinh tế đô thị)

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao "nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, "chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam".

Lễ hội Cổ Loa (Đông Anh)

Đây là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Nội, khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng.

Lễ hội Cổ Loa.

Thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, lễ hội Cổ Loa được xem là lễ hội truyền thống nhằm suy tôn vua An Dương Vương Thục Phán, người đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi tham dự lễ hội, du khách không chỉ được xem nghi thức đại tế và lễ rước, mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: Đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ…; tìm hiểu về lịch sử thành Cổ Loa và truyền thuyết An Dương Vương - Mỵ Châu - Trọng Thủy...

Lễ hội đền Hai Bà Trưng – Mê Linh

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, huyện Mê Linh có tới 25 di tích ở 13 xã.

Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh có ý nghĩa quan trọng, bởi ở đây không chỉ là nơi lưu dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, mà còn là nơi chuẩn bị khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Lễ hội Hai Bà Trưng.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Lễ rước bắt đầu từ đền, kiệu Trưng Trắc đi trước, ra đến đường kéo quân để về đình làng thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau.

Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng.Bên cạnh nghi lễ rước kiệu, lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ Nhà nước và địa phương như dâng hương, tế lễ. Ngoài ra, lễ hội còn có những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của Hai Bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Phá dỡ Công viên nước Thanh Hà

Khoảng hơn 100 người được huy động cùng nhiều máy móc để phá dỡ 19 hạng mục của công viên, bao gồm cầu trượt nước, bể tạo sóng, đài phun nước, nhà điều hành, cổng chính...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-le-hoi-dac-sac-tai-khu-vuc-ha-noi-khai-hoi-ngay-mung-6-tet-d116079.html