Chuyên gia cho rằng, câu chuyện kích cầu thị trường nhà ở không nằm ở việc giảm lãi suất cho vay mà cần nới room tín dụng thì thị trường mới có sức bật. (Ảnh: Minh Thư)
Quan sát trên thị trường cho thấy, hiện nay nhiều ngân hàng như BIDV, Vietcombank… đang có động thái hạ lãi suất cho vay mua nhà. Theo đó, mức giảm lãi suất của các ngân hàng dao động từ 0,2% đến 1% đối với các gói vay từ 1-2 năm.
Động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng liệu có đủ sức kích cầu người mua nhà trong thời điểm này?
Trao đổi với PV, ông Vũ Kim Giang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, động thái giảm lãi suất cho vay mua nhà của ngân hàng cũng sẽ có tác động gián tiếp, hỗ trợ cho chủ đầu tư khi giải quyết được câu chuyện đầu ra.
“Nhiều chủ đầu tư cũng thường có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong 1-2 năm đầu. Nếu chính sách cho vay tiêu dùng cá nhân mua bất động sản thấp thì hỗ trợ của chủ đầu tư cũng thấp đi, đồng nghĩa với việc giá trị sản phẩm sẽ hợp lý hơn, khách hàng sẽ dễ đón nhận hơn. Trường hợp chủ đầu tư không hỗ trợ người mua thì việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà cũng tác động tích cực đối với những người chưa đủ khả năng mua nhà sẽ mạnh dạn hơn trong việc vay ngân hàng để mua nhà”, ông Giang nói.
Cho rằng, lãi suất càng thấp thì kích cầu thị trường càng lớn, ông Giang dẫn chứng gói 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi ổn định đến 15 năm trước đây khi đưa ra thị trường đã giúp phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ được kích cầu mạnh, các phân khúc đó cứ ra là hết hàng.
Còn với những gói vay thương mại thông thường, khi hết thời gian ưu đãi 1-2 năm, lãi suất vay sẽ phải cộng với biên độ lãi suất theo thị trường thì nó cũng giống các chính sách vay trước đây.
Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, với mức ưu đãi lãi suất ổn định 1-2 năm đầu cũng rất tốt, khách hàng khi ký vay thời hạn dài 10-15 năm nhưng thông thường lại chỉ vay 3-5 năm đã trả nợ được rồi.
Còn ông Nguyễn Văn Ngọc – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Việt Nam Thịnh Vượng lại cho rằng, để kích cầu thị trường bất động sản hiện nay vấn đề quan trọng không nằm ở lãi suất mà nằm ở room tín dụng.
Theo ông Ngọc, thị trường bất động sản đang có nhịp hồi sau đại dịch, nhưng vẫn chậm so với thời điểm 2018. Câu chuyện giảm lãi suất của ngân hàng chủ yếu phục vụ cho những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; còn với thị trường bất động sản vấn đề quan trọng không nằm ở lãi suất mà nằm ở room tín dụng.
“Room tín dụng bị thắt chặt từ giữa năm 2018 nên ảnh hưởng đến thị trường. Vì thế, nới room tín dụng thì thị trường bất động sản mới có sức bật. Để kích cầu thị trường bất động sản, các chủ đầu tư cần phải kích cầu bằng các gói hỗ trợ lãi suất 0% hoặc các chương trình khuyến mãi với người mua nhà”, ông Ngọc cho hay.
Cùng với đó, ông Ngọc cũng nhận định, “từ nay đến cuối năm, nếu dịch bệnh được kiểm soát và room tín dụng dành cho bất động sản được nới thêm thì dòng tiền chảy vào bất động sản sẽ tăng, thị trường bất động sản sẽ tốt lên”.
Cho rằng, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng 6 tháng đầu năm rất thấp, điều này cho thấy ngân hàng đang rất thiếu khách hàng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, trong những khách hàng vay tiền thì đối tượng vay mua nhà có thế chấp là khách hàng an toàn nhất. Tuy nhiên, theo ông, lãi suất cho vay mua nhà giảm mặc dù là yếu tố hỗ trợ cho người mua nhà nhưng điều này lại không tác động nhiều đến những người mua nhà ở những dự án mới vì chủ đầu tư khi tung sản phẩm mới ra thị trường đều có nhiều chính sách ưu đãi khủng, nhất là chính sách hỗ trợ lãi suất.
Sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay mua nhà vẫn ở mức từ trên 10%, ông Hiển cho rằng, mức lãi suất đó là quá cao đối với người vay mua nhà để ở. Theo ông, mức lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 8% sẽ hợp lý nhất với những người mua để ở; còn mức lãi suất cao chỉ hợp với những nhà mua bất động sản để đầu cơ, đầu tư.
“Việc kích cầu người mua nhà qua lãi suất ngân hàng hay các chương trình khuyến mãi cũng không có tác dụng bằng việc giảm giá bất động sản trên thị trường”, ông Hiển nói.
Minh Thư