Quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, tránh để xảy ra lãng phí

15/03/2022 14:37

Kinhte&Xahoi Sáng 15/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 9 để xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020 và 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày cho biết, khoản viện trợ 1.413,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan Trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413,387 tỷ đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết, hợp lý; Không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8, Luật Ngân sách Nhà nước.

Về thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán, Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ. Bởi vì, khoản 4 Điều 19 Luật Ngân sách Nhà nước quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, khoản viện trợ 1.431,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm đã được các Bộ, cơ quan Trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 181/BC-KTNN ngày 8/7/2021 của Kiểm toán Nhà nước, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các Bộ, cơ quan Trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời là 1.626,3 tỷ đồng.

"Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch giữa báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Kiểm toán nhà nước", ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ.

Về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện trong năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; Bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021 để đảm bảo các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán, quyết toán ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các đại biểu chỉ rõ, đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản viện trợ không hoàn lại, tránh để xảy ra thất thoát, lãng phí và xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại; Rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, chậm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước; Khẩn trương cập nhật, rà soát chính xác số liệu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: "Đây là khoản bổ sung dự toán nên cần trình Quốc hội để đảm bảo đúng thẩm quyền".

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thành tờ trình báo cáo và trình Quốc hội; Bên cạnh đó phải thống nhất số liệu để Kiểm toán Nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan đến công tác phòng và chống dịch COVID-19.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cẩn trọng đầu tư đất ''ăn theo'' Vành đai 4

Trước thông tin về việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, giá đất tại nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội đã tăng nay lại tiếp tục tăng nhiều hơn so với năm 2021. Nhiều người môi giới nhà đất đã dựa vào thông tin về tuyến đường đi qua để quảng cáo trên mạng xã hội, đẩy giá đất trong khu vực lên cao. Tuy có một số người thu lợi lớn nhờ giá đất "ăn theo" quy hoạch, song các chuyên gia cũng cảnh báo cần cẩn trọng khi đầu tư.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quan-ly-chat-che-cac-khoan-vien-tro-khong-hoan-lai-tranh-de-xay-ra-lang-phi-191856.html