Siêu thị nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để bình ổn giá hàng hóa

10/03/2022 07:14

Kinhte&Xahoi Giá xăng tăng sát mốc 27.000 đồng/lít - mức giá cao nhất từ trước đến nay, đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Tuy nhiên, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp nhằm giúp người tiêu dùng mua hàng hóa với giá tốt nhất có thể.

Siêu thị nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để bình ổn giá hàng hóa.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào như bột mì, bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá.

Đại diện AEON Việt Nam cũng khẳng định, sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON. Hiện, doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới.

Đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết, siêu thị đã nhận công văn đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp, nhưng vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.

Tương tự, bên cạnh áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT cho trên 20.000 sản phẩm, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market còn triển khai thêm các chương trình khuyến mãi giảm giá 49% đối với hàng nghìn mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm…

Hệ thống siêu thị WinMart cũng cam kết giữ giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Đại diện WinMart thông tin, chuỗi siêu thị WinMart và WinMart+ luôn bảo đảm cung ứng khối lượng hàng hóa đầy đủ mọi ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu luôn đạt 100% dung lượng trên quầy kệ và kho lưu trữ.

Trong khi đó, tại hệ thống chợ dân sinh, mặt hàng rau đã tăng giá, như bắp cải từ 7.000-8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 20.000 đồng/mớ. Các loại rau khác trước đây được bán bình quân với giá 8.000-10.000 đồng/bó, nay tăng thêm 2.000-3.000 đồng/bó.

Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước; gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg với giá bán 130.000-150.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, xăng tăng giá khiến chi phí vận chuyển tăng, đẩy giá hàng hóa tăng theo.

Còn theo một số chủ cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, sau đợt tăng giá xăng mới đây, một số nhà cung cấp đã rục rịch thông báo tăng giá từ 5-7% đối với một số mặt hàng như dầu ăn, đường, mì chính...

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay không có tình trạng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, tăng giá. Có được như vậy là bởi các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định sau khi siêu thị tiêu thụ lượng hàng cũ, nhập lô hàng mới. Dự kiến, khoảng cuối tháng 3-2022, các siêu thị sẽ đồng loạt nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao.

 Thanh Hiền - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lành mạnh hóa thị trường bất động sản: Kiểm soát chặt việc đấu giá đất

Việc nhiều địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả đã góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, một số trường hợp trúng đấu giá đất cao bất thường, gấp nhiều lần so với giá khởi điểm đã gây hệ lụy xấu đối với phát triển kinh tế - xã hội, thị trường nhà ở, bất động sản... Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu giá đất, xử lý nghiêm đối tượng trục lợi để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Nguồn: Hà Nội mớihttp://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1026521/sieu-thi-no-luc-dam-phan-voi-nha-cung-cap-de-binh-on-gia-hang-hoa