Sóc Sơn cưỡng chế phá dỡ 20 công trình vi phạm đất rừng

26/04/2019 15:10

Kinhte&Xahoi Chính quyền xã Minh Phú đã triển khai cưỡng chế phá dỡ những công trình vi phạm quản lý, sử dụng đất rừng.

Theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, 20 công trình sẽ bị cưỡng chế phá dỡ tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Trong đó, 7 công trình sẽ bị cưỡng chế xong từ nay đến ngày 30-4, 13 công trình còn lại sẽ cưỡng chế trong tháng 5-2019, dự kiến hoàn thành trước ngày 13-5.

Máy xúc được huy động để đập bỏ công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn.

Theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, đây là các công trình vi phạm được xây dựng trong giai đoạn từ 2017-2018 và nằm trong kiến nghị xử lý của Thanh tra TP Hà Nội. Đầu tháng 4-2019, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm này.

Cụ thể vào các ngày 23, 24-4, chính quyền xã Minh Phú (Sóc Sơn) đã huy động máy xúc và nhân lực để phá dỡ một số công trình vi phạm. Người dân được yêu cầu vận chuyển đồ đạc ra bên ngoài, hiện trường khu vực cưỡng chế cũng được phong toả…

Cùng với việc triển khai cưỡng chế các công trình vi phạm được xây dựng trong giai đoạn 2016-2018, UBND Sóc Sơn cũng tiến hành rà soát các công trình vi phạm đất rừng trong giai đoạn 2006-2016 để lập hồ sơ, có giải pháp xử lý dứt điểm.

Trước đó ngày 10-4, tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 18, Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, Phạm Xuân Phương cho hay cùng với việc xử lý các công trình vi phạm đất rừng, huyện này cũng đang triển khai việc xử lý cán bộ và tập thể có liên đới. “Trong số đó có cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý, có những cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý. Chúng tôi sẽ tổng hợp để báo cáo với Ủy ban kiểm tra Thành ủy để có kế hoạch xử lý sớm theo đúng chỉ đạo của thành phố.” – ông Phương nói.

Kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng đất rừng tại Sóc Sơn của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ tại huyện Sóc Sơn có 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới.

Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Thanh tra TP kiến nghị  tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn các xã trên để trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với các công trình vi phạm từ 2016 trở về trước, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị “thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích”. 

Theo Plo.vn/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chuyện lớn về hạt cát

Câu chuyện hạt cát, sỏi xem ra “không bé” tí nào. Cát, sỏi – trước hết phải khẳng định là khoáng sản, là tài nguyên cũng được Luật Khoáng sản điều chỉnh, mặc dù được gọi là “vật liệu xây dựng thông thường”. Cát, sỏi là nhu cầu thiết yếu cho xây dựng dân dụng, xây dựng công trình giao thông...