Sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác: Ai vi phạm, ai không?

17/01/2020 10:46

Kinhte&Xahoi Sức khỏe, danh dự, nhân phẩm là một trong những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi người.

Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến nhóm quyền này của người khác. Tuy nhiên, trong thời buổi mạng xã hội lan tỏa toàn cầu, nhóm quyền này đã và đang bị xâm hại bằng nhiều hình thức từ thô thiển đến tinh vi. Và nguy hiểm ở chỗ, người có hành vi xâm hại lại cho rằng mình… có quyền được làm thế!

Ảnh minh họa

Đa số nạn nhân im lặng

Ngày 28/12/2019, mạng xã hội xôn xao thông tin Văn Mai Hương bị lộ hình ảnh thay trang phục tại nhà riêng. Theo đó, 5 video được cho là trích xuất từ camera ở nhà riêng của nữ ca sĩ bị tung lên mạng. Những đoạn video này được ghi vào năm 2015, tức đã 4 năm trôi qua.

Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao những hình ảnh đó lại bị tung ra vào lúc này. Về phần nữ ca sĩ, khi biết hình ảnh tại nhà riêng của mình bị phát tán, cô đã rất sốc và lên tiếng phản đối kẻ có hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân của cô.

Ca sĩ Văn Mai Hương không phải trường hợp cá biệt, trước đó, rất nhiều người nổi tiếng trong giới showbiz cũng đã bị phát tán hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội, mà nguồn rò rỉ thông tin đến từ nhiều hình thức như: Mang điện thoại đi sửa bị chiếm đoạt dữ liệu, bị hack hộp thư cá nhân để lấy thông tin, bị chụp, quay trộm…

Hầu hết nạn nhân chọn sự im lặng bởi họ cho rằng có đi kiện cũng khó mà kiện được, vì vừa mất thời gian, vừa thiếu bằng chứng. Nhưng cũng vì sự im lặng này mà nhiều người cho rằng họ “đồng lõa” với hành vi xấu này để dựa vào đó mà “nổi tiếng” và với nhiều người đây quả thực là tiếng oan khó lòng thanh minh.

Bởi vậy, bên cạnh những lời động viên, cảm thông, chia sẻ, nữ ca sĩ Văn Mai Hương cũng nhận được không ít những bình luận giễu cợt, mỉa mai, chỉ trích, bôi nhọ danh dự. Điều này mang đến tai tiếng, khiến dư luận xã hội có cách đánh giá thiếu khách quan, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nữ ca sĩ. 

Nhìn ở góc độ rộng hơn, có thể thấy nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội như phụ nữ và trẻ em dễ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn các chủ thể khác bởi hành vi phát tán, chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân với mục đích xấu. Họ có thể bị người đời chỉ trích, ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp, cuộc sống sau này. Vì thế, trước những vụ việc diễn ra trên thực tế, có những người đã lựa chọn những cách thức tiêu cực ngay khi vụ việc xảy ra. 

Đơn cử như, năm 2018, một bé gái học sinh lớp 11 ở Nghệ An đã tự tử, để lại bức thư với nội dung “con xin lỗi bố mẹ”. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của em chính là clip ghi lại cảnh em và một bạn trai trong lớp hôn nhau bị lan truyền trên mạng xã hội; hay trường hợp ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung từng bị tung ảnh nóng, bị hàng xóm láng giềng khinh bỉ, bị người đời chỉ trỏ.

Cô đã từng tử tự nhưng may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời, sau đó quyết định rời Việt Nam để làm lại từ đầu. Diễn viên, ca sĩ Hoàng Thùy Linh đã phải rời xa sân khấu sau một thời gian dài sau khi clip nhạy cảm của cô bị tung lên mạng xã hội… 

“Bẫy” moi thông tin

Chơi trắc nghiệm trên Facebook là tự nguyện “bán” thông tin cá nhân của mình – đó là nhận thức của nhiều người sau khi họ đã… trót dại tham gia. Một tờ báo của Mỹ đã đặt từng câu hỏi: “Giả sử một người lạ gặp bạn trên phố, đề nghị bạn cung cấp tất cả dữ liệu cá nhân của mình và của bạn bè, từ ảnh, video, ngày sinh, nơi ở cho đến các thông tin về chồng/người yêu, con cái... ngược lại, họ sẽ mời họ chơi một trò chơi, bạn có đồng ý không?”.

Đa số sẽ từ chối lời đề nghị trên, thế nhưng có đến hàng triệu người đang thực hiện điều tương tự trên mạng. Một công ty đã phát triển ứng dụng với khả năng tổng hợp status, chú thích ảnh, video... của người dùng để xem những từ nào họ hay sử dụng nhất.

Để thực hiện điều này, công ty này yêu cầu người tham gia cho phép họ tiếp cận mọi thông tin trên Facebook như tên, giới tính, học vấn, địa chỉ nhà, địa chỉ IP, danh sách bạn bè, status và những thứ người dùng "like". Gần 18 triệu người đã chấp nhận tham gia. 

Ngoài ra, còn có hàng trăm ứng dụng ra đời với nội dung vô thưởng vô phạt như "Tính cách nổi bật của vợ tương lai", "Ai hay vào Facebook của bạn nhất", "Ai là người đang thầm thương trộm nhớ bạn"... được chia sẻ trên mạng xã hội. Những ứng dụng này đều yêu cầu người dùng chấp nhận cho tiếp cận thông tin cá nhân và hầu hết mọi người đều đồng ý.

Điều đáng nói là tất cả người tham gia trên toàn thế giới đều không biết thông tin cá nhân của mình đã bị chiếm dụng và không hề biết thông tin đó sẽ bị sử dụng để làm gì, trong khi đó hãng Western Digital công bố kết quả nghiên cứu cho thấy dữ liệu cá nhân của mỗi người dùng Facebook có giá trung bình lên tới gần 5.000 USD tại Mỹ.

Luật cần quy định cụ thể

Quyền con người nói chung, quyền cá nhân nói riêng đã và đang được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ngày càng quan tâm và bảo vệ một cách tối đa. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các thiết bị ghi âm, ghi hình, chụp ảnh trở nên hiện đại hơn; nhu cầu sử dụng nhiều hơn, tiếp cận dễ hơn cùng với đó số lượng người sử dụng mạng xã hội trở nên phổ biến thì việc kiểm soát thông tin, hình ảnh cá nhân ngày càng khó khăn. 

Phát biểu tại tọa đàm khoa học của Đại học Luật Hà Nội với chủ đề “Hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội – những vấn đề pháp lý đặt ra”, PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính nhận định hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trái pháp luật xâm hại một số quyền như: Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. 

“Con người có quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đây cũng là một trong những quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi người. “Sức khỏe” không chỉ là tình trạng không bệnh tật của cơ thể mà còn là trạng thái tinh thần bình an, tâm lý thoải mái với tất cả các mối quan hệ trong cuộc sống. “Danh dự”, “nhân phẩm” được hiểu là sự coi trọng, đánh giá, thừa nhận của xã hội, của mọi người dựa trên giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp đối với cá nhân…

Quyền bất khả xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm là quyền hiến định nhằm góp phần bảo vệ lợi ích tinh thần cho mỗi cá nhân, vì vậy, pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến nhóm quyền này của người khác.

Mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau: dân sự, hành chính, hình sự” - PGS.TS Tô Văn Hòa nhấn mạnh.

Hiện nay vẫn có khá nhiều quan điểm khác nhau về hình ảnh cá nhân. Theo nhiều ý kiến, hình ảnh cá nhân được hiểu là sự sao chép, tái hiện lại hình dáng, ngoại hình, đặc điểm bề ngoài... của một cá nhân cụ thể bằng một cách thức nhất định mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt.

Hình ảnh cá nhân có thể tồn tại dưới hình thức như ảnh chụp, ảnh do quay phim, ghi hình, ảnh vẽ, thậm chí là bức tượng của người đó… Hình ảnh này là những điều riêng tư, chỉ thuộc về cá nhân nhất định và không dễ dàng để chia sẻ với người khác.

“Ở một góc độ nào đó, đây cũng chính là “tài sản” riêng của mỗi cá nhân và họ sở hữu “tài sản” đó một cách hợp pháp, nên bất kỳ ai nếu có được tài sản đó và sử dụng vì bất kỳ mục đích gì đều phát sinh trách nhiệm” -  PGS.TS Tô Văn Hòa nêu quan điểm. 

Nhắc lại các hành vi thu thập thông tin trên mạng internet hiện nay, bà Nguyễn Minh Giang – Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng, hiện nay có nhiều hành vi thu thập để phục vụ cho mục đích phát tán, sử dụng thông tin cá nhân của người khác rất tinh vi mà ngay chính người trong cuộc cũng không nhận ra, thậm chí còn “vô tư” tham gia, hưởng ứng. Đó chính là các trò chơi trắc nghiệm trên trang mạng xã hội facebook với những câu hỏi gợi tò mò như: Năm 2020 bạn sẽ như thế nào; Bạn phù hợp với nghề gì; Kiếp trước bạn là ai…

“Ngoài ra hiện nay nhiều cá nhân khi tham gia mạng xã hội toàn cung cấp thông tin cá nhân ảo và để tiện cho việc quản lý thì việc yêu cầu phải cung cấp thông tin thật là việc cần và nên làm. Nhưng một khi người dùng đã cung cấp thông tin chính xác về họ thì việc quản lý sẽ như thế nào để không bị rò rỉ, mua bán và hành động nào liên quan đến hình ảnh thông tin cá nhân của người khác thì được xem là vi phạm, hành động nào không?” – bà Giang đặt câu hỏi.

Đây cũng chính là băn khoăn của Luật sư Đào Ngọc Lý từ góc độ luật sư. Theo ông Lý, có những thông tin, hình ảnh cá nhân được chính cá nhân đó công khai trên mạng xã hội hoặc internet để phục vụ cho công việc của mình và người khác hoàn toàn có thể sử dụng các thông tin công khai đó.

“Việc họ sử dụng như vậy thì có vi phạm không vì theo tôi có thể hành vi đó xấu với người này nhưng lại không xấu với người kia. Chính vì thế, để bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trước hành vi xâm hại cần tạo ra ngưỡng hợp lý, từ đó có định hướng xử lý, giới hạn xử lý cho phù hợp” – ông Lý nêu quan điểm. 

PGS.TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội:

“Trên thực tế, có những hành vi cùng là sử dụng hình ảnh thông tin cá nhân nhưng có thể xấu với người này nhưng lại không xấu với người kia. Chính vì thế, để bảo vệ quyền bí mật thông tin cá nhân trước hành vi xâm hại cần tạo ra ngưỡng hợp lý từ đó có định hướng xử lý, giới hạn xử lý cho phù hợp. Tuy nhiên, việc xây dựng được ngưỡng này không hề đơn giản”.

PGS.TS Tô Văn Hòa – Trưởng khoa Pháp luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội:

“Hiện nay, chưa có một định nghĩa chính thức về hành vi phát tán, thông tin hình ảnh cá nhân. Theo chúng tôi, hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân được hiểu là sự chia sẻ, lan truyền rộng rãi các hình ảnh, thông tin riêng tư của một chủ thể nhất định và được thực hiện bởi cá nhân, tổ chức với các mục đích khác nhau.

Thực tế, bên cạnh những hành vi chia sẻ, lan truyền thông tin, hình ảnh với mục đích tốt, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp rất nhiều vụ việc phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân với mục đích xấu như bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân, tư thù hoặc tống tiền,…

Cách thức phát tán thông tin, hình ảnh cũng khá phong phú như in hình ảnh, tung tin đồn bằng miệng hoặc trở thành các “anh hùng bàn phím” chia sẻ một cách nhanh chóng trên các mạng xã hội. Với những mục đích và cách thức khác nhau, chủ thể phát tán đã ít nhiều xâm hại đến quyền của con người, quyền công dân, thậm chí nhiều vụ việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác”.

Ông Vũ Minh Phương – Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông:

“Mạng xã hội ở Việt Nam đang tồn tại hai hệ thống: trong nước do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép và quản lý; từ nước ngoài như Youtube, Facebook.

Các hành vi vi phạm liên quan đến vấn đề sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác mà không xin phép diễn ra cả ở hai hệ thống và chúng tôi đã áp dụng nhiều hình thức xử phạt với những trường hợp cụ thể.

Hiện nay để xử lý các hành vi vi phạm Nghị định 174/2013/NĐ-CP đang được áp dụng, tuy nhiên thực tế cho thấy các quy định của Nghị định này cũng đã tương đối lạc hậu. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 174 nên rất mong thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp luật, người dân”.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Khoa Pháp luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội:

“Hiện nay, các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi xâm phạm bí mật đời tư, thông tin cá nhân đang nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực văn hóa, trật tự xã hội, an ninh mạng, công nghệ thông tin… Do đó, để xử phạt một hành vi xâm hại là rất khó và nhiều quy trình, thủ tục.

Bên cạnh đó, xử phạt nhưng không có chế tài về biện pháp khắc phục cũng làm cho tính răn đe của pháp luật không hiệu quả. Vì thế, theo tôi, cần có một nghị định riêng về về vấn đề xâm phạm bí mật đời tư, thông tin cá nhân để đáp ứng được thực tế trong bối cảnh hiện nay”.

PGS.TS Phùng Trung Tập – Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội:

“Quyền về đời sống riêng tư, quyền của cá nhân đối với hình ảnh tuy được pháp luật ghi nhận và bảo vệ nhưng cũng bị giới hạn trong nhiều trường hợp. Ví dụ như hình ảnh của một cá nhân có thể được sử dụng không cần xin phép nếu phục vụ mục đích lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cộng đồng…

Ngoài những mục đích này ra, nếu người nào có hành vi sử dụng hình ảnh người khác mà không xin phép nhằm mục đích mưu đồ cá nhân như hủy hoại danh dự, trục lợi... đều bị coi là hành vi vi phạm và phải chịu trách nhiệm pháp luật”. 

Trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý khác nhau.

Ở mức trách nhiệm dân sự người có hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân trái pháp luật phải xin lỗi, cải chính công khai; bồi thường thiệt hại nhằm bù đắp những tổn thất về mặt sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tinh thần do hành vi phát tán thông tin, hình ảnh gây ra.

Về trách nhiệm hành chính, một hành vi xâm phạm quyền đối với thông tin, hình ảnh cá nhân nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính như phạt tiền.

Còn ở mức trách nhiệm hình sự, hành vi phát tán thông tin, hình ảnh cá nhân lên mạng internet có thể bị truy tố về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong trường hợp người thực hiện hành vi phát tán lên mạng internet những thông tin, hình ảnh cá nhân mang yếu tố nhạy cảm, phản cảm, có dấu hiệu của hành vi làm nhục xâm phạm danh dự, uy tín của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nỗi lo khi doanh nghiệp bất động sản bị nhái tên thương hiệu

Công an tỉnh Long An vừa ra thông báo truy tìm 4 lãnh đạo của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản (BĐS) Hưng Thịnh để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, Tập đoàn Hưng Thịnh (Quận 3, TP HCM) đã có thông tin chính thức về tình trạng “nhái” tên thương hiệu này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của tập đoàn.

Quản lý đất đai - Bài học đau xót ở Đại Mỗ

Mặc dù đã nhiều lần xử lý nhiều trường hợp sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng tuy nhiên đến nay tại phường Đại Mỗ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/su-dung-hinh-anh-thong-tin-ca-nhan-cua-nguoi-khac-ai-vi-pham-ai-khong-d115349.html