Sự hy sinh thầm lặng của những "chiến binh áo trắng" Kỳ 2: 24/24 giờ đồng hành cùng các F0

26/02/2022 08:30

Kinhte&Xahoi Các ca F0 ở Hà Nội liên tục tăng mạnh, người bệnh vô cùng lo lắng, hoang mang và cần các thông tin y tế cần thiết. Nhiều thầy thuốc, tổ COVID-19 đã thành lập nhóm Facebook, Zalo tư vấn online cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Tình nguyện đồng hành hỗ trợ các F0

 Từ tháng 7/2021, khi dịch bùng phát mạnh mẽ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã lên ý tưởng thành lập mạng lưới thầy thuốc từ xa để hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà trên cơ sở huy động các bác sĩ tình nguyện tham gia hỗ trợ người bệnh.

Công việc hàng ngày của các thầy thuốc là nhận cuộc gọi từ các F0 và F1 nghi vấn qua tổng đài 1022.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành với hơn hàng chục nghìn thành viên tình nguyện tham gia hỗ trợ bệnh nhân

Bên cạnh đó, họ còn chủ động gọi điện thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ người bệnh (hướng dẫn các bài tập thở, cách dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe…); Đánh giá tình trạng bệnh nhân; Sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu.

Các bác sĩ của mạng lưới cũng kết nối với Sở Y Tế, 115 cùng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung khu cách ly để chuyển các bệnh nhân nặng tới cấp cứu… Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cũng phối hợp trực tiếp với các Thành đoàn, Tỉnh đoàn, triển khai công tác cấp cứu khác như cây ATM OXY, cấp phát túi thuốc điều trị bệnh nhân F0...

Những trường hợp cấp cứu mà y tế địa phương, 115 chưa đến kịp, các bác sĩ trong đội phản ứng nhanh sẽ tham gia hỗ trợ cho đến khi có lực lượng cấp cứu đến.

Tất bật với công việc hàng ngày, các bác sĩ vẫn tranh thủ từng giây phút được nghỉ ngơi để gọi điện, tư vấn online cho bệnh nhân

Thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Tú - Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: "Khi gọi điện tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, cuộc đầu tiên rất quan trọng, bởi bất cứ ai cũng mang nặng tâm lý. Khi bị nhiễm COVID-19, họ thường rất hoang mang, lo lắng.

Do vậy, được sự hỗ trợ của lực lượng y tế, người bệnh sẽ an tâm hơn và có những hành động đúng như sử dụng thuốc, tập luyện, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. Do vậy, số lượng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong giảm nhiều".

Khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Hà Nội, mạng lưới thầy thuốc đồng hành hỗ trợ người bệnh qua tổng đài 1022 nhánh số 3 với hơn 1.000 bác sĩ và trên 3.000 tình nguyện viên tham gia.

Ngoài ra, nhiều bác sĩ cũng lập những nhóm Zalo, Facebook để hỗ trợ người bệnh. Các bác sĩ tham gia các nhóm Facebook đều công khai số điện thoại để người bệnh có thể gọi bất cứ lúc nào. Không chỉ trả lời những câu hỏi hoặc lời đề nghị được tư vấn, giúp đỡ, các y, bác sĩ còn là chỗ dựa tinh thần lúc bệnh nhân COVID-19 hoang mang lo lắng.

Tổ COVID-19 "online 24/24h" lập những kênh liên lạc hiệu quả

 Tại nhiều địa bàn, những nhóm Zalo ở các tổ dân phố được xây dựng, công khai số điện thoại hỗ trợ của bác sĩ, để có thể hỗ trợ chăm sóc nhiều F0, F1 tại nhà.

Các thành viên của Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) thăm khám cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh

Tham gia tổ hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ tại nhà thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh cùng bà Vũ Thị Tuyết Mai và Nguyễn Thị Hải Yến liên tục nắm thông tin về các trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn. Việc quản lý F0 tại nhà thông qua mã QR mang lại rất nhiều thuận lợi cho lực lượng y tế và người bệnh, giúp họ có tâm lý thoải mái, yên tâm khi chữa trị tại nhà.

“Khi có kết quả chính thức, tổ cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị cho các F0, cung cấp cho mỗi người 3 mã QR để vào nhóm Zalo tư vấn điều trị, khai báo y tế và cập nhật tình hình sức khỏe 2 lần/ngày”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Vĩnh Phúc Ngô Thùy Linh nói.

Các bác sĩ tư vấn điều trị từ xa qua nhóm Zalo của Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc

Điều kiện thuận lợi khi có một số bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, UBND phường Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương để tư vấn, hỗ trợ y tế cho bệnh nhân và các tổ hỗ trợ bệnh nhân thể nhẹ điều trị tại nhà của phường. Bên cạnh đó, tham gia tư vấn trên địa bàn phường Vĩnh Phúc là các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm của bệnh viện.

Các bác sĩ đã thành lập nhóm Zalo “Bệnh viện Phổi Trung ương đồng hành cùng F0 phường Vĩnh Phúc” với nhiệm vụ phân tầng nguy cơ cho bệnh nhân; Tư vấn y tế ban đầu về cách ly và điều trị tại nhà, cách dùng thuốc; Hỗ trợ các bệnh nhân có nguy cơ cao và liên hệ với y tế lưu động hoặc đơn vị thu dung trên địa bàn quận khi bệnh nhân cần nhập viện…

Đồng thời, các bác sĩ cũng thực hiện quản lý bệnh nhân trên trang tổng hợp nên có thể theo dõi được tình trạng F0 đang điều trị tại nhà và có những hỗ trợ kịp thời. Vì thế, các thành viên của tổ hỗ trợ thuộc Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) chỉ đến cấp phát thuốc hoặc hỗ trợ xử lý những tình huống phát sinh…

Trước tình hình bệnh nhân F0 điều trị tại nhà trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu các phường chủ động, sáng tạo tăng cường hỗ trợ người dân, để đảm bảo mọi người đều được quan tâm, chăm sóc kịp thời.

Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Phúc Tân đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp, thành lập và phát huy tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà; Đồng thời kết nối với mạng lưới thầy thuốc, các nhà thuốc tư nhân, y, bác sỹ tình nguyện để tham gia hỗ trợ bệnh nhân F0.

Đặc biệt, tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà gồm lực lượng thanh niên là nòng cốt và chủ trì triển khai. Đây là đầu mối kết nối giữa người bệnh và y, bác sĩ, Trạm y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 phường.

Theo đó, ngày 2 lần, các thành viên tổ hỗ trợ theo dõi, hướng dẫn bệnh nhân cập nhật tình hình sức khỏe lên hệ thống; Liên hệ với bệnh nhân F0 để nhắc khai báo đúng giờ, đủ thông tin sức khỏe.

Với cách làm sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, đảm bảo yêu cầu phòng dịch, nhiều trạm y tế lưu động, nhiều tổ COVID-19 trên địa bàn Thủ đô đã được nhận Bằng khen tập thể của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam như: Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình); Trạm Y tế lưu động phường Phúc Lợi (quận Long Biên); Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 số 7 phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm)...

(Còn nữa)

 Phương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Đời mới" cho chung cư cũ

LTS: Hà Nội là địa phương có số lượng nhà ở chung cư cũ nhiều nhất cả nước. Được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1992, đến nay, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp, phải sớm cải tạo, xây dựng lại để bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân. Do vậy, thành phố Hà Nội đang thúc đẩy cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển. Báo Hànộimới xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài "Đời mới" cho chung cư cũ".

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ky-2-2424-gio-dong-hanh-cung-cac-f0-190583.html