Tăng mức phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng gấp 10 lần: Vì sao người dân vẫn “thờ ơ”?

19/11/2020 11:19

Kinhte&Xahoi Mặc dù mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng đã tăng gấp 10 lần và đã có hiệu lực, nhưng thực tế tại nhiều nơi, không ít người dân vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Nhiều người vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang khi ra đường.

Còn tâm lý chủ quan

Nghị định 117/2020 (thay thế Nghị định 176/2013) do Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11, trong đó đã tăng mức phạt cho hành vi không đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19 cao gấp 10 lần so với quy định cũ.

Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định: Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, Nghị định 117 cũng tăng mức xử phạt đối với hành vi không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. 

Trước đó, theo Nghị định 176/2013, mức phạt cho hành vi này chỉ từ 100 nghìn đồng đến 300 ngàn đồng. Tức là mức phạt theo Nghị định 117 đã tăng gấp 10 lần so với Nghị định 176.

Trong công tác phòng chống dịch của TP HCM, ngày 8/10 TP này đã có yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn để phòng chống Covid-19 trong tình hình mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, từ ngày 5/8 – 18/10, các lực lượng chức năng của TP đã nhắc nhở 9.300 trường hợp và xử phạt 4.064 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền xử phạt là 816 triệu đồng.

Hà Nội cũng đã chính thức áp dụng quy định người dân phải thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng, trên phương tiện giao thông như biện pháp bảo vệ cá nhân.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh yêu cầu đối với người đứng đầu các quận, huyện rằng, để phòng, chống dịch Covid-19, thời gian tới, nếu người dân không có khẩu trang không được vào bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo PLVN, sáng 18/11, tại một số địa điểm công cộng tại Hà Nội như: Cổng các trường đại học, chợ truyền thống, công viên, bến xe Bus, quán trà đá,… rất dễ gặp những người dân quên hoặc không đeo khẩu trang, họ rất “thờ ơ” với việc phòng chống dịch Covid-19.

Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang tại những nơi công cộng (?) thì nhiều người cho rằng, họ vẫn thường xuyên đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, chỉ một vài phút cảm thấy khó thở thì bỏ ra rồi đeo lại. Tuy nhiên, cũng có người được hỏi cho biết, nhiều khi họ cũng có tâm lý chủ quan về dịch bệnh nên không đeo. 

Bên cạnh đó, đáng chú ý là nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên vì họ chưa nắm được thông tin về việc tăng mức xử phạt với hành vi không đeo khẩu trang từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng khi đến nơi công cộng.

Cốt lõi là tuyên truyền vận động

Trao đổi về vấn đề trên, LS Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS nhận định, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ban hành thay thế Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch là rất hợp lý và cần thiết. Bởi do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp, mỗi ngày đều có rất nhiều ca mắc mới và những con số tử vong vẫn chưa dừng lại. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng Luật TGS 

“Ở Việt Nam, thời gian qua mặc dù không có ca mắc mới lây lan trong cộng đồng nhưng vẫn có những ca mắc do nhập cảnh từ nước ngoài.

Vì vậy, chúng ta không nên chủ quan trong công tác phòng chống dịch vì dịch bệnh có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Hơn nữa,, có thể thấy nhiều người dân lơ là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng một phần do tình hình dịch bệnh phần nào “im ắng”, một phần do chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc”, LS Hùng nói.

Vẫn theo LS Hùng, việc tăng mức xử phạt không chỉ thể hiện tính nghiêm minh, giáo dục của pháp luật mà còn đánh vào kinh tế - “túi tiền” của người dân.

Khi mức phạt tăng cũng có nghĩa người dân phải chịu trách nhiệm cao hơn về hành vi vi phạm của mình.

Để tránh trường hợp có thể bị xử phạt với mức tiền tương đối cao thì người dân sẽ nghiêm túc thực hiện quy định.

Từ đó trách nhiệm của người dân trong việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng để phòng dịch sẽ tăng lên đáng kể góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

Đồng quan điểm, LS Phạm Ngọc Đạt, Giám đốc Cty Luật Minh Nghĩa đánh giá: Mức phạt tiền đối với người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng được quy định lần này khá cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Tuy nhiên, việc tăng mức phạt là cần thiết nhằm răn đe đối với những người dân thiếu ý thức trong việc không đeo khẩu trang phòng dịch gây nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo LS Đạt, để người dân nắm rõ quy định thì các cấp, các ngành cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa và có hướng dẫn cụ thể những địa điểm nào bắt buộc người dân khi đến phải đeo khẩu trang.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong thời điểm hiện tại, cốt lõi làm sao phải tuyên truyền người dân chấp hành quy định đến những nơi công cộng như bệnh viện, công viên, bến xe, bến tàu,… nơi tụ họp đông người là phải đeo khẩu trang.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp

“Đặc biệt, việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền cho người dân việc đeo khẩu trang là phòng ngừa Covid-19.

Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền là cực kỳ quan trọng, việc xử phạt là giải pháp sau cùng mà nhận thức người dân mới là quan trọng”, ĐB Hòa nói.

* ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Đồng Tháp:

“Cần thiết thành lập tổ công tác cơ động”

Tôi cho rằng việc tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trong công tác phòng chống dịch của nhiều địa phương đối với người dân còn hạn chế. Tuy nhiên, phải nói rằng người dân Việt Nam chúng ta rất sợ Covid, nếu có dịch bệnh người dân rất chấp hành.

Hiện tại, giờ này người dân chưa mặn mà với việc đeo khẩu trang là vì họ cảm thấy khó chịu nhưng điều quan trọng là họ có tâm lý chủ quan và cho rằng nước ta đã ngăn ngừa được dịch Covid. Chính vì thế các cấp không được lơ là nhiệm vụ phòng chống Covid 19, cần quyết liệt việc tuyên truyền đối với người dân, cần thiết thành lập những tổ công tác cơ động để làm việc này.

* LS Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng luật TGS:

“Tăng mức xử phạt là cần thiết”

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên thế giới có thể thấy hậu quả nặng nề của việc phòng dịch không quyết liệt đặc biệt là vai trò của việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Đối với hành vi được xem là vi phạm nặng mà có mức xử phạt nhẹ, không có tính răn đe sẽ không thể cảnh báo, khiến cho người dân hiểu tính nghiêm trọng của hậu quả.

Do đó, cần thiết việc phải tăng mức xử phạt đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Cụ thể ở đây là hành vi không đeo khẩu trang tại nơi công cộng khi được yêu cầu. 

P.Diệu – B.Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án bất động sản 27 năm bất động

Trong khi 3 dự án Sài Gòn Centre I, II, III đã hoàn thành đi vào hoạt động, thì 2 dự án Sài Gòn Centre IV, V được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) từ 1993 nhưng sau 27 năm vẫn nằm “bất động”.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tang-muc-phat-khong-deo-khau-trang-noi-cong-cong-gap-10-lan-vi-sao-nguoi-dan-van-tho-o-d141029.html