Tết buồn của hướng dẫn viên du lịch

14/01/2021 16:30

Kinhte&Xahoi Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, hướng dẫn viên du lịch là một trong những nghề lao đao nhất trong năm qua. Nhiều người đã phải về quê, đổi nghề hoặc phiêu bạt đi nơi khác. Thời điểm cuối năm, khách du lịch, nhất là khách quốc tế vẫn còn hạn chế, nhiều hướng dẫn viên phải tất bật tìm công việc khác kiếm thêm thu nhập lo Tết.

Hướng dẫn viên du lịch là nghề lao đao trong năm 2020.

Thưởng Tết là “xa xỉ”

Gần cả năm "ngồi không" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đối với nhiều hướng dẫn viên du lịch, thời điểm này có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vào là điều mong mỏi của họ. Năm nay, thưởng Tết là điều quá xa xỉ với hướng dẫn viên du lịch. 

Chị Thanh Vy làm hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM chia sẻ: “Công ty của mình chủ yếu dẫn tour khách ra nước ngoài. Từ lúc có dịch, biên giới đóng cửa, công ty hướng đến các tour nội địa nhưng rất khó khăn, đặc biệt khi có ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, tour tuyến đều đóng băng trở lại. Mình phải làm đủ nghề để kiếm sống từ dạy thêm, bán hàng online… Thế nên thưởng Tết đối với mình là chuyện xa xỉ, chỉ mong được làm nghề du lịch trở lại”.

Khách du lịch hạn chế, công việc chỉ lai rai qua ngày, có khi còn dừng hẳn, nhiều người đã phải xoay xở với đủ loại việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho Tết. Hướng dẫn viên du lịch nay làm đủ các nghề như giao hàng, chạy xe ôm, bán hàng online, mở quán kinh doanh… Tuy nhiên, thu nhập ít ỏi từ những công việc làm thêm đó không đủ bù đắp cho thu nhập như những năm trước. Vì vậy, nhiều người đã phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm. 

Đối với Huỳnh Công Hiếu – hướng dẫn viên du lịch chuyên đi tour khách nước ngoài tại TP.HCM thì năm 2020 là một năm đáng nhớ bởi chưa bao giờ nghề hướng dẫn viên lại khó khăn đến như vậy. Anh tâm sự: “Tết năm nay chắc chắn là có khó khăn nhiều. Mấy tháng nay, gia đình tôi phải thu vén chi tiêu, hạn chế các khoản không cần thiết, chủ yếu tập trung cho ăn uống hàng ngày. Còn mua sắm Tết hay đi du xuân chắc không có rồi”.

Mong ngóng cơ hội sau Tết

Tuy thị trường khách quốc tế có thể còn phải đợi một thời gian nữa, khi tình hình dịch bệnh trên thế giới trở nên khả quan hơn và vắc-xin chống dịch đạt hiệu quả, thị trường khách nội địa lại có những dấu hiệu tích cực và bắt đầu ấm dần hơn từ đợt kích cầu lần thứ 2. 

Theo các công ty lữ hành, dịp cuối năm, lượng khách nội địa đăng ký tour đi các vùng cao, đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu... tăng đáng kể. Đây là cơ hội để hướng dẫn viên du lịch có thể trở lại công việc và tranh thủ kiếm thu nhập từ nay đến Tết Nguyên Đán. 

Nhiều hướng dẫn viên nhờ có kỹ năng, chuyên môn về nghề hướng dẫn viên nên không gặp quá nhiều khó khăn khi chuyển từ tour khách quốc tế sang tour trong nước. Cuối năm khách có tăng hơn, thu nhập của nhiều người cũng dần dà hồi phục. Nhiều hướng dẫn viên lành nghề chia sẻ kinh nghiệm, càng vào dịp nghỉ lễ và về cuối năm, nhu cầu khách đặt các tour đi thăm quan, du lịch khá cao.

Mọi dịch vụ như đặt vé trực tuyến (online), nhà nghỉ, khách sạn hay hướng dẫn khách đến các địa điểm thăm quan diễn ra hết công suất. Sau 2 đợt dịch, nhiều chính sách kích cầu du lịch khiến người dân tham gia nhiều hơn.

Tuy nhiên không được như mọi năm, tình hình phục hồi chỉ đạt khoảng 60%. Anh Đặng Đình Hưng, hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội cho biết, thời điểm này hàng năm, anh đi làm trung bình tới 20-25 ngày/tháng với thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. Các đơn hàng tour chủ yếu đến từ nhiều trường học tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, các tour gia đình đi các tỉnh Đông, Tây Bắc như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình…

“Vì mới đây dịch bùng phát trở lại, công việc tổ chức các tour chắc là khó khăn hơn. Tôi dự đoán sắp tới, những chương trình tâm linh như đi chùa của người dân, du lịch sẽ khởi sắc trở lại, anh em được thỏa sức đam mê với nghề”, anh Hưng chia sẻ. 

Thời gian nghỉ dịch, nhiều người cũng tranh thủ để học thêm những công việc khác, bù đắp một phần thu nhập bị giảm năm nay. Với nhiều hướng dẫn viên, đây lại là cơ hội để họ thử sức trong một lĩnh vực khác, tuy công việc còn hạn chế nhưng ít ra còn có thêm tiền sắm Tết.

Anh Bùi Trần Minh Triết (Đồng Nai) là hướng dẫn viên du lịch, thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Từ tháng 2/2020, anh Triết đã bắt đầu rơi vào cảnh thất nghiệp. Tận dụng thời điểm đó, anh Triết bắt đầu học lớp làm bánh và chả giò. Từ những kiến thức ở lớp, anh Triết đã cho ra đời các thành phẩm để phục vụ gia đình và bán cho những người xung quanh.

“Tôi đầu tư khoảng 10 triệu đồng để mua máy móc làm giò chả. Dịch bệnh cũng là cơ hội để tôi tạo ra bước ngoặt của cuộc đời” - anh Triết nhận định. Vì vậy, thời điểm gần Tết này, anh quyết định bán giò chả, tạm gác công việc hướng dẫn viên du lịch để tập trung kiếm thêm thu nhập trang trải cho dịp Tết.

Còn với anh Huỳnh Công Hiếu, từ khi nghỉ dịch đến nay, anh thường xuyên cùng nhóm bạn kỳ cựu trong nghề tổ chức các phiên chợ để đồng nghiệp đến bán buôn, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thậm chí, anh còn kết hợp với một số mạnh thường quân tạo điều kiện cho hướng dẫn viên vay vốn khởi nghiệp không lấy lãi. 

 Thái Ngân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hoàn chỉnh phương án điều chỉnh kiến trúc công trình số 8B Lê Trực

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 73/UBND-ĐT yêu cầu các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, UBND quận Ba Đình, Công ty cổ phần May Lê Trực và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố về xử lý công trình xây dựng tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình).

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/tet-buon-cua-huong-dan-vien-du-lich-d146018.html