Thanh Hóa: Xe điện chưa được kiểm định vẫn “tung hoành” đường phố?

09/05/2019 10:02

Kinhte&Xahoi Hàng trăm chiếc xe điện có biển kiểm soát, nhưng không tem đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động, lưu thông mà không bị các cơ quan chức năng xử lý.

Khoảng 100 xe điện của Công ty TNHH Xây dựng và Du lịch Hưng Phong đã có biển nhưng chưa có tem lưu hành theo quy định.

Theo phản ánh, thời gian gần đây tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) xuất hiện hàng loạt phương tiện xe điện 4 bánh hoạt động rầm rộ, ngang nhiên đón trả khách tại khu du lịch, mặc dù chưa đủ điều kiện lưu thông trên đường.

Đặc biệt, các phương tiện này đã hoạt động được một thời gian nhưng các lực lượng chức năng không vào cuộc xử lí.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trên địa bàn TP Sầm Sơn đang tồn tại hai kiểu xe điện phục vụ đưa đón khách du lịch tham quan. Có xe được đánh theo số thứ tự, có xe được gắn biển kiểm soát.

Những phương tiện này ngang nhiên đón trả khách trên đường phố tại Khu du lịch mà không hề bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Được biết những chiếc xe được gắn biển kiểm soát là những chiếc xe được thay thế theo lộ trình đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 05/2019/QĐ – UBND ngày 28/02/2019.

Theo lộ trình các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện 04 bánh trên địa bàn Tp Sầm Sơn phải thay thế 40% xe cũ trong năm 2018 và đến năm 2019 phải thay thế hết số xe cũ còn lại. Trong đó Công ty TNHH xây dựng và Du lịch Hưng Phong đã thay thế 107/256 xe.

Tuy nhiên, trong khi đó gần 100 chiếc xe của Công ty Hưng phong được đưa vào hoạt động từ ngày 27/4/2019 thì chưa có tem lưu hành.

Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định xe tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế là xe chỉ hoạt động trên tuyến đường và thời gian theo quy định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các xe này phải được kiểm định và bắt buộc phải đăng ký và đăng kiểm mới được phép hoạt động. Nhưng không hiểu tại sao gần 100 chiếc xe của Công ty Hưng Phong chưa được kiểm định mà chính quyền địa phương vẫn cho phép hoạt động.

"Bảo bối" để gần 100 xe của Công ty Hưng phong hoạt động từ ngày 27/4 đến nay, là những chiếc biển kiểm soát mang số hiệu 36 HC xxx.xx. Theo quy định để được phòng CSGT cấp biển soát thì chủ xe phải hoàn thiện được đầy đủ hồ sơ bao gồm, giấy khai đăng ký xe, chứng từ chuyển quyền sở hữu của xe, lệ phí trước bạ, chứng từ nguồn gốc của xe và  giấy tờ của chủ xe…

Tuy nhiên theo thông tin từ Chi cục thuế Tp Sầm Sơn, tính đến ngày 04/5/2019 Công ty Hưng Phong chưa kê khai nộp thuế trước bạ cho số xe điện nêu trên. Trong năm 2018 Công ty này chỉ nộp thuế trước bạ cho 06 chiếc xe với số tiền là 125 triệu đồng.

Thế nhưng không hiểu tại sao, và bằng cách nào những chiếc xe điện của Doanh nghiệp này lại được cấp biển kiểm soát khi chưa nộp thuế trước bạ ?

Trao đổi với phóng viên, một đại diện Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đây có thể là biển giả. Mặc dù trước đó, đại diện này khẳng định có thể tạo điều kiện để cấp biển trước, nhưng để xe lăn bánh khi chưa có tem lưu thông là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Trao đổi qua điện thoại về nội dung này, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hưng Phong đã văng những lời lẽ thô tục với phóng viên: "Đ.m. bọn bay xống dưới đây mà kiểm tra, đ.m. bọn tao có ngộ dại đâu mà làm giả."

Vậy, dư luận đặt câu hỏi khoảng 100 biển số xe điện 4 bánh của Công ty Hưng Phong có phải là biển số thật hay không? Nếu đây là biển kiểm soát giả thì tại sao vẫn lưu thông trên đường mà không bị phát hiện xử lý?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Điểm mặt “nhóm lợi ích”

Trong quá trình điều tra những sai phạm của Phú Yên về phá rừng, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm khác của tỉnh này có biểu hiện của tham nhũng. Nhiều người dân Phú Yên, trong đó có nhiều cán bộ lão thành tâm huyết của tỉnh vẫn luôn trăn trở về tính minh bạch của những phi vụ “hô biến” đất công thành đất tư, giao đất “vàng” không qua đấu giá, bán sỉ đất để… trả nợ,… gây thất thu ngân sách đã và đang diễn ra, tạo ra môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh, bất bình đẳng thông qua mối quan hệ không bình thường giữa quan chức địa phương với doanh nghiệp (DN) để trục lợi.