Theo kế hoạch thanh tra năm 2020 của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổng cục giao cho Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai chủ trì, phối hợp cùng với Thanh tra Bộ TN-MT, Cục Đăng ký đất đai, Cục Quy hoạch đất đai, Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất và các Sở TN-MT tiến hành thanh tra trong năm 2020.

Dự án khu đô thị Bắc An Khánh nằm trong diện thanh tra của Tổng cục Quản lý Đất đai. Ảnh: Lao động

Nội dung thanh tra là việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, có dấu hiệu trong sai phạm trong quản lý, sử dụng đất theo chỉ thị số: 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết số 82/2019/QH14 của Quốc hội.

Theo kế hoạch thanh tra được tạp chí Nhà đầu tư trích dẫn lại, trọng tâm thanh tra lần này là việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Theo đó, tại TP.HCM, 3 dự án bất động sản sẽ bị thanh tra là: Dự án Khu nhà ở xã hội - Khu nhà ở thương mại Vạn Gia Phúc tại khu đất chợ Bình Phú cũ (số 116 Lý Chiêu Hoàng, phường 10, quận 6) của Công ty TNHH quản lý bất động sản Hoàng Phúc.

Khu nhà ở 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Đình Chiểu tại phường Đa Kao, quận 1 của Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy.

Và Dự án Khu dân cư và du lịch, văn hóa, giải trí tại phường An Phú, quận 2 của Côngty TNHH Quốc tế Thế kỷ số 21.

Cũng với nội dung thanh tra như trên, tại TP Hà Nội sẽ có 4 dự án bất động sản gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (Vinaconex - Posco).

Dự án Khu đô thị “Thành phố Giao Lưu” tại quận Bắc Từ Liêm của CTCP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế VIGEBA.

Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, đối tượng thanh tra là CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), CTCP Phát triển đô thị Vinaconex - Viettel (nay là CTCP ĐTKD PT đô thị Tây Hà Nội).

Dự án Khu Đô thị mới thuộc Khu đô thị Đại Học Vân Canh tại huyện Hoài Đức của CTCP Đầu tư An Lạc.

Tại Bình Thuận có 4 dự án bất động sản nằm trong diện thanh tra gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty Liên doanh Du lịch Kê Gà làm chủ đầu tư.
 
Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình của Công ty TNHH Delverton Việt Nam.

Dự án Khu du lịch Bàu Trắng - Hòn Hồng tại xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình của CTCP Thái Vân.

Dự án Khu sân Golf và Biệt thự Hàm Thuận Nam tại xã Tân Thành và xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thế Giới Xanh làm chủ đầu tư.

Ngoài ra Tổng cục Quản lý đất đai, cũng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Trọng tâm là việc thực hiện các quy định của pháp luật về rà soát, sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường theo quy định của Chính phủ, pháp luật đất đai; tình hình quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

Theo đó, tại tỉnh Lâm Đồng, sẽ thanh tra UBND huyện Lạc Dương và các đơn vị quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện này (Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim; Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà; Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Nung) và các tổ chức, cá nhân có sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường.

Trước đó, Tổng cục Quản lý Đất đai cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch được duyệt. Đồng thời duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm.

Tổng cục cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc và chủ động phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là vướng mắc trong công tác đăng ký cấp sổ đỏ; giao đất, cho thuê đất; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; bồi thường hỗ trợ, tái định cư…

Năm 2019, Tổng cục đã tiếp nhận 620 thông tin phản ánh sai phạm về đất đai, trong đó ban hành 350 văn bản chuyển địa phương yêu cầu xem xét, xử lý; 180 văn bản hướng dẫn công dân nêu kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết; chuyển Thanh tra Bộ xem xét, giải quyết 7 kiến nghị; các trường hợp còn lại do không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét, giải quyết hoặc đơn đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020 Tổng cục duy trì và tăng cường công tác tổ chức tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh qua đường dây nóng các vi phạm về lĩnh vực đất đai; nắm bắt, xử lý kịp thời các thông tin mà báo chí và dư luận quan tâm. Nhất là vướng mắc trong công tác đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; bồi thường hỗ trợ, tái định cư…


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giật mình giá nhà ở xã hội gần 20 triệu đồng/m2

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo dự án nhà ở xã hội tại Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) với mức giá 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Mức giá cao nhất các nhà ở xã hội và cao hơn cả nhà thương mại nhiều khu vực.

Theo Đất Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/thanh-tra-loat-du-an-bat-dong-san-trong-nam-2020-d118373.html