Tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản

31/01/2023 10:05

Kinhte&Xahoi Đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ giao cho Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị số 03/CT-TTg được ban hành mới đây.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Diệu Hoa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen". 

Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. 

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động tín dụng, ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, các đối tác liên quan.

 Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/thao-go-kho-khan-ve-tin-dung-bat-dong-san-d189519.html