Từ năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) Phú Yên được xem là điểm đến đầu tư mới của nhiều đơn vị phát triển và môi giới BĐS. Không chỉ là thị trường mới nổi so với những địa bàn quen thuộc, như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định hay Khánh Hòa, Phú Yên còn có nguồn cung lớn để các nhà đầu tư lớn phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh trong tương lai của mình.
Tuy nhiên, sau 2 năm, không có nhiều tín hiệu lạc quan, màu hồng như các đơn vị môi giới và phát triển BĐS đã vẽ ra trước mắt khách hàng. Một phần do dịch bệnh kéo dài thời gian qua, tác động đến ngành du lịch, làm ảnh hưởng sức mua từ nhà đầu từ.
Con số giao dịch thực chưa đến 130 công chứng trong Quý III/2021 cho thấy sức hút BĐS của Phú Yên không hấp dẫn như người ta tưởng. (Ảnh: baodauthau).
Đồng thời tình hình tài chính bị ảnh hưởng cũng khiến việc triển khai các dự án bị chậm lại. Theo báo số số 435/BC-SXD, tính đến Quý III/2021, hàng loạt dự án trọng điểm ở trục đường huyết mạch đại lộ Hùng Vương, TP Tuy Hòa vẫn chưa hoàn thành, như: Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương do Công ty TNHH Bích Hợp làm Chủ đầu tư; Dự án Khu thương mại – Dịch vụ và Shophouse tại Đại lộ Hùng Vương do Công ty CP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) làm Chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở phía Đông đường Hùng Vương...
Nhằm trách tình trạng tung tin đồn thổi, mua đi bán lại BĐS, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch BĐS (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá BĐS lên cao để lợi dụng trục lợi; Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh Phú Yên ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo điều hành như đề nghị các địa phương có giải pháp kiểm soát quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.
Đó là lý do Sở Xây dựng Phú Yên đã liên tục có công văn số 98/TB-SXD vào ngày 7/7/2021 chấn chỉnh tình trạng huy động vốn sai quy định hay công văn số 1227/SXD-QLN vào ngày 19/7/2021 để yêu cầu hơn 40 chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tiến độ thực hiện dự án.
Nhờ việc xiết chặt trong quản lý nhà nước giúp BĐS Phú Yên chưa rơi vào tình trạng phát triển nóng như một số địa phương lân cận từng xảy ra.
Trong hai tháng 7 và 8/2021, mỗi tháng giao dịch thực tại Phú Yên chỉ được khoảng hơn 60 giao dịch công chứng, chứng thực/tháng.
Tổng giao dịch BĐS qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong Quý III/2021 (chưa có số liệu tháng 9/2021) là 129 giao dịch. Chủ yếu tập trung giao dịch đất nền trong khu dân cư (106 giao dịch), giao dịch đất nền trong dự án (16 giao dịch), giao dịch nhà ở hiện hữu trong khu dân cư (07 giao dịch). Trong khi giao dịch nhà ở theo dự án lại gần như không có giao dịch.
Tức là, trong hai tháng 7 và 8/2021, mỗi tháng giao dịch thực tại Phú Yên chỉ được khoảng hơn 60 giao dịch công chứng, chứng thực/tháng. Như vậy tính theo mỗi ngày, các phòng công chứng trên toàn địa bàn tỉnh Phú Yên chỉ thực hiện tầm 2-3 giao dịch BĐS/ngày - một con số quá ít ỏi.
Vậy còn thời điểm trước khi bị ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa kéo dài trong mấy tháng vừa qua, BĐS Phú Yên đạt giao dịch ra sao, nhất thời gian sau Tết Nguyên đán 2021?
Theo báo cáo số 100/BC-SXD về thông tin về Nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Quý I/2021: Tổng giao dịch BĐS qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh (chưa có số liệu tháng 3/2021) là 575 giao dịch.
Tập trung chủ yếu là giao dịch đất nền trong khu dân cư (411 giao dịch), lượng giao dịch nhà ở hiện hữu trong khu dân cư tương đối ít (41 giao dịch) và chỉ có 02 giao dịch nhà ở theo dự án.
Để có một cái nhìn sâu sắc hơn và toàn diện hơn, chúng ta cần so sánh lượng giao dịch vào năm ngoái của thị trường BĐS Phú Yên. Theo báo cáo số 297/BC-SXD: Tổng giao dịch BĐS qua công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh trong Quý II/2020 (Tháng 4+5/2020) là 462 giao dịch.
Tập trung chủ yếu là giao dịch đất nền trong khu dân cư (440 giao dịch), lượng giao dịch nhà ở hiện hữu trong khu dân cư tương đối ít (22 giao dịch) và 0 có giao dịch nhà ở theo dự án...
Điều đó cho thấy, thị trường BĐS Phú Yên chưa khởi sắc hay lung linh như trong bức tranh tô hồng từ các đơn vị phát triển, môi giới dự án BĐS vẽ trước mắt khách hàng hay nhà đầu tư thứ cấp. Nhất trong bối cảnh du lịch, kinh tế và xã hội vẫn chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khách hàng cần cẩn trọng nhìn vào thực tế thị trường thay vì nhìn vào chiếc "bánh vẽ" mà các đơn vị môi giới vẽ ra tại nơi đây.
N. Tuấn - Thiên Ân - Pháp luật Plus