Thấy gì từ sự đảo vai của các nhà thầu?

01/07/2019 15:29

Kinhte&Xahoi Tìm hiểu thực tiễn cho thấy, không ít cặp nhà thầu đã là đối tác tại gói thầu này nhưng là đối thủ tại gói thầu khác.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu sau khi nhận ra được điểm mạnh riêng của đối thủ, các nhà thầu chuyển sang làm đối tác trong gói thầu mới. Ảnh: Nhã Chi.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ - Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phúc Cường

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Phúc Cường (gọi tắt là Phúc Cường) có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, địa chỉ tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Còn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ (gọi tắt là Tây Hồ) có vốn điều lệ 122 tỷ đồng, địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM.

Tại Gói thầu XL02 và Gói thầu XL03 thuộc Dự án Xây dựng kè và nạo vét hồ Suối Cam, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Phước mời thầu, Phúc Cường đều là đối thủ của Tây Hồ. Mặc dù được đấu thầu rộng rãi nhưng cùng 1 kịch bản là mỗi gói thầu có sự góp mặt của 3 nhà thầu quen thuộc và kết quả là Tây Hồ trúng thầu, còn Phúc Cường bị loại. Tại Gói thầu XL02, giá trúng thầu của Tây Hồ là 16,33 tỷ đồng; tại Gói thầu XL03, giá trúng thầu của Tây Hồ là 16,05 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu này đều được Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Phước phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong 1 ngày (ngày 27/9/2018).

Hơn 1 tuần sau, tại Gói thầu Thi công xây lắp và thiết bị kèm theo xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp mặt đường Đường huyện 406 (đoạn từ Ngã tư Xã Cũ đến cầu Khánh Vân), Tây Hồ lại liên danh với Phúc Cường để trúng thầu gói thầu này, với giá trúng thầu 28,84 tỷ đồng (phê duyệt trúng thầu ngày 5/10/2018; thời gian thực hiện hợp đồng là 380 ngày). 

Công ty CP Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 – Công ty CP 471

Công ty CP 471 có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, địa chỉ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Còn Công ty CP Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 (gọi tắt là Thương mại 68) có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, địa chỉ tại quận Ba Đình, Hà Nội. Theo tìm hiểu của phóng viên, cặp nhà thầu này đã “đảo chiều” mối quan hệ từ đối tác sang đối thủ.

Cụ thể, tháng 8/2017, Liên danh Thương mại 68 - Công ty CP 471 được Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng lựa chọn là nhà thầu trúng Gói thầu số 3.32 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, với giá trúng thầu 452,7 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng). Hiện nay, cả 2 nhà thầu vẫn đang cùng nhau thi công gói thầu “khủng” này.

Tuy nhiên, tại Gói thầu số 09 Thi công xây dựng và đảm bảo giao thông thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam, Thương mại 68 là đối thủ trực tiếp của Công ty CP 471. Kết quả là Công ty CP 471 trúng thầu với giá trúng thầu 134,8 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng. Gói thầu số 09 do Ban Quản lý dự án 5 (Bộ Giao thông vận tải) mời thầu, được công bố kết quả trúng thầu vào đầu tháng 6/2019. Như vậy, trong quá trình làm đối tác của nhau, giữa Thương mại 68 và Công ty 471 lại là đối thủ. 

Công ty TNHH Xây dựng Thanh Nê - Công ty TNHH Thuận Duy

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thuận Duy (gọi tắt là Thuận Duy) và Công ty TNHH Xây dựng Thanh Nê (gọi tắt là Thanh Nê) đều có địa chỉ tại thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Giữa 2 nhà thầu này cũng tồn tại mối quan hệ đan xen, lúc vào vai đối tác, lúc là đối thủ.

Tháng 9/2018, Liên danh Thanh Nê - Thuận Duy được công bố trúng Gói thầu xây lắp thuộc Dự án Nhà văn hóa trung tâm, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, với giá trúng thầu 11,52 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 360 ngày. Hiện tại, cả 2 nhà thầu vẫn đang thi công gói thầu này.

Trong khi đó, tại Gói thầu 06 Thi công xây dựng công trình Nhà thờ tổ chùa Thanh Nhàn, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, Thanh Nê là đối thủ của Thuận Duy. Tại Gói thầu 06, Thanh Nê nộp hồ sơ dự thầu không hợp lệ.  Thuận Duy trúng thầu, với giá trúng thầu 4,76 tỷ đồng.

Về hiện tượng nêu trên, sẽ không có gì đáng bàn nếu sau nhiều cuộc thầu làm đối thủ của nhau, nhà thầu đã nhận ra được điểm mạnh riêng của đối thủ và đã chuyển hướng sang làm đối tác để cùng tham gia đấu thầu một gói thầu mới. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng đây là sự thỏa thuận, dàn xếp để đối phó với quy định pháp luật về đấu thầu của các nhà thầu thân quen.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chênh lệch giá đất 17.000 tỷ đồng trong vụ Thủ Thiêm: Ai hưởng lợi?

Nhà nước phải bỏ khoản tiền rất lớn để tạo quỹ đất sạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, song UBND TP Hồ Chí Minh lại đem thanh toán cho các dự án BT với giá rẻ và kết quả là các nhà đầu tư được hưởng lợi chênh lệch hơn 17 nghìn tỷ đồng… Trong khi đó, nhiều người dân bị thu hồi đất phải sống lang bạt, không nơi ở vì phần lớn quỹ đất dành cho tái định cư đã được giao cho các dự án.

Nguồn: Đấu thầu/ Pháp luật Plus