Thích ứng linh hoạt, chớp thời cơ để vươn lên

28/10/2021 07:24

Kinhte&Xahoi “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trải qua dịch bệnh như thế này mới thấy ai linh hoạt, thích nghi nhanh với tình hình thì có thể nắm bắt cơ hội để tồn tại và bứt phá, biến thách thức thành cơ hội.

Đối với cuộc đời mỗi người, từng ngày trôi qua đều là những thử thách mà chúng ta phải suy nghĩ, phấn đấu không ngừng để vượt qua. Tuy nhiên, đứng trước đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu như hiện nay thì quả thực mỗi người đều như đang tham gia một cuộc leo núi bất đắc dĩ. Cứ leo hết quả núi này lại thấy quả núi khác sừng sững trước mặt. Nếu không leo thì chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau, ảnh hưởng đến cả đoàn. Chính vì thế, không có cách nào khác, chúng ta phải vì mình và vì mọi người mà nỗ lực không ngừng.

Người Việt thích nghi ngay với việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Trong cuộc đua này, người nhanh chóng thích nghi với tình hình chắc chắn sẽ là người chiếm giải quán quân. Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm tìm hiểu, làm quen, chiến đấu với dịch bệnh, chúng ta đã nhiều lần thay đổi chiến lược, chiến thuật. Đó cũng là sự linh hoạt để thích ứng với tùy từng tình hình. Thích ứng chính là cách chúng ta chủ động, thay vì bị động chờ dịch bệnh dẫn dắt mình mà trong mọi cuộc chiến, nắm thế chủ động tức là đã nắm chắc phần thắng về mình.

Còn nhớ, cách đây gần hai năm, khi nhiều nước trên thế giới còn hoang mang, nghi ngờ về liệu có thật một loại dịch bệnh mới đang lây lan chóng mặt không thì người Việt mình đã sớm được phổ biến thông tin, sớm chuẩn bị tâm lý chống dịch. Rồi khi nhiều người dân trên thế giới vẫn nghi ngờ chưa chắc đã xảy ra đại dịch toàn cầu thì chúng ta đã trong tâm lý sẵn sàng nghênh địch. Cho đến khi có những nơi trên thế giới vẫn nghi ngờ tác dụng của khẩu trang thì người Việt đã nhất loạt hiểu, thực hiện việc đeo khẩu trang như một vũ khí hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh bấy giờ.

Nói như thế để thấy rằng, Chính phủ, ngành Y tế, các cơ quan chức năng Việt Nam đã rất nhanh chóng vào cuộc, nắm bắt tình hình, kịp thời truyền thông, người dân cũng rất chịu khó tìm hiểu, lắng nghe, đặc biệt là thích ứng, tuân thủ ngay với tình hình mà chúng ta chưa từng phải đối mặt bao giờ. Tất nhiên, không phải không có những trường hợp vô ý thức, chống đối, thậm chí bất chấp, gây nên hậu quả nghiêm trọng là lây lan dịch bệnh, cản trở người thi hành phòng, chống dịch…

Đó chỉ là những hiện tượng nhỏ, lẻ, nhanh chóng bị cơ quan chức năng xử lý và dư luận phản ứng gay gắt. Còn lại, ngay từ những ngày giãn cách đầu tiên, người dân Việt Nam ở các tỉnh thành, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng… người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, không găm thực phẩm, tích trữ hàng hóa quá mức, không hoang mang, không rối loạn, càng không vỡ trận.

Bây giờ, đã trải qua làn sóng thứ 4 của dịch bệnh, có những ngày tháng dài giãn cách, dù là lúc được trở lại bình thường mới, lúc lại phải “ai ở đâu ở yên đấy”, người dân các vùng miền cơ bản đều phối hợp hài hòa, nhịp nhàng với các chiến thuật của Chính phủ, của chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn cho cá nhân, cho cộng đồng.

Đối với Bắc Giang, những ngày dịch bệnh bùng phát, cứ ngỡ mọi thứ đều đóng cửa để chống dịch. Vậy mà, nơi nào phong tỏa cứ phong tỏa, nơi nào sản xuất cứ sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Nội, nông sản tồn đọng nhanh chóng được vận chuyển, tiêu thụ khắp cả nước. Vụ vải, vụ na năm nay của tỉnh này cũng vẫn đạt được chỉ tiêu đề ra, không bị thất thu hay ế đọng.

Rút kinh nghiệm qua từng địa phương, từng cách làm, sau này, tại nhiều nơi bùng dịch, mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất vẫn được Chính phủ và các địa phương vận dụng linh hoạt, áp dụng cho tỉnh mình, vùng mình. Trong bối cảnh đại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, hoạt động thương mại quốc tế tiếp tục đứt gãy, tuy nhiên xuất nhập khẩu (XNK) của tỉnh Bình Dương trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao. Cụ thể, kim ngạch XNK của Bình Dương đạt 44,4 tỷ USD, trong đó XK đạt 24,5 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,3%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 19,9 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất siêu đạt hơn 4,6 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 4,48 tỷ USD), khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu hơn 1,9 tỷ USD, khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD.

Đặc biệt tại Hà Nội, nơi cả 4 làn sóng đều khiến thành phố xuất hiện những ổ dịch phức tạp. Dù vậy, cứ dịch đâu khoanh đó, cùng với sự chấp hành rất nghiêm chỉnh của người dân theo mỗi đợt dịch, người Hà Nội thích ứng rất nhanh với mỗi hoàn cảnh mà mình trải qua. Nếu như trước đây, hình ảnh đẹp của Hà Nội là những buổi sáng buổi chiều và cả buổi tối đông người tập thể dục ven hồ, công viên, là những hoạt động tập thể ngoài trời thể hiện tính cộng đồng thì dịch bệnh đến, mọi người rút về sinh hoạt cá nhân, trong gia đình nhiều hơn.

Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đông vui tấp nập khi chưa có dịch bệnh

Trước kia, mỗi cuối tuần, phố sách Đinh Lễ, phố đi bộ quanh hồ Gươm đều tràn ngập người với những nụ cười hân hoan, với nhịp sống sôi động tận hưởng sự yên bình thì dịch bệnh đến, ven hồ vắng lặng, người dân từ bỏ mọi thói quen lâu năm để rút về giữ sự an toàn cho mình và mọi người.

Năm 2021, làn sóng thứ 4 của dịch bệnh ập đến, Hà Nội nhiều tháng trời thay đổi liên tục các kế hoạch chống dịch cho phù hợp với từng giai đoạn, thời kì. Dù vậy, trong 9 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020, riêng quý 3 thực hiện nhiều đợt giãn cách xã hội nên giảm 7,02%. Như thế để thấy, mục tiêu kép của Hà Nội vẫn đảm bảo, chúng ta vẫn luôn nắm thế chủ động, kiểm soát tình hình, không để dịch bệnh ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống và sản xuất.

Đặc biệt, trong hai tháng trời thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, ngoài việc đảm bảo công việc, sản xuất vẫn tiến hành đều đặn, Hà Nội còn gặt hái được thành quả vô cùng lớn. Đó là văn hóa, ý thức người Hà Nội lên cao chưa từng có trong việc chấp hành nghiêm chỉnh việc rào ngõ, tạo các “pháo đài” vật lý và “pháo đài” của nhân tâm, đoàn kết trong chống dịch. Dù đóng hay mở, dù bình thường mới hay giãn cách, người Hà Nội vẫn thực hiện nhịp nhàng, không hoang mang, không rối loạn, không quá vui mừng hay quá vội vàng. Tất cả tạo nên một tâm thế chủ động, thích ứng rất linh hoạt của chúng ta trước mọi diễn biến dịch bệnh.

Chính vì thế, làn sóng thứ 4 của dịch bệnh chuẩn bị đi qua, Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; Hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Các ngõ ngách bị bịt kín để chống dịch ở Hà Nội

Đây là cơ hội để người Việt tiếp tục thể hiện bản lĩnh “leo núi” của mình khi được rèn luyện qua những lần chinh phục thử thách trước đây. Thực hiện lối sống lành mạnh, hướng đến cuộc sống xanh, an toàn, tích cực chuyển đổi số trong các lĩnh vực là động lực và cũng là nền tảng để chúng ta phát huy những thành quả mà mình tạo dựng được trước đây. Tin rằng, với tất cả những gì chúng ta đã được trải nghiệm, tôi rèn qua nhiều năm chiến tranh, nhiều năm chống thù trong giặc ngoài và đặc biệt qua gần hai năm chiến đấu với dịch bệnh, bản thân mỗi tỉnh thành, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân đều đã có những bài học kinh nghiệm, những kế hoạch cho bản thân để biến sự thích ứng nhanh của mỗi cá nhân thành bí quyết bứt phá, tạo nên thành công vượt bậc cho mình.

Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thich-ung-linh-hoat-chop-thoi-co-de-vuon-len-181408.html