Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

09/06/2020 15:35

Kinhte&Xahoi Hiện chỉ còn gần 7 tháng để Hà Nội thực hiện 80% vốn đầu tư công của năm 2020. Mặc dù được đánh giá có nhiều chuyển biến, song với khối lượng công việc lớn, đòi hỏi các đơn vị của thành phố phải nỗ lực cao, triển khai những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Tình hình tiếp tục chuyển biến

Theo Trưởng phòng Kiểm soát chi địa phương (Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội) Đỗ Xuân Tiến, tính đến hết tháng 5-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 20,1% kế hoạch. Con số trên đã tăng gấp đôi sau 2 tháng nếu so với kết quả giải ngân trong quý I-2020 (đạt 10%). Lý giải về chuyển biến trong công tác giải ngân thời gian qua, ông Đỗ Xuân Tiến cho biết, đầu năm chủ đầu tư vừa triển khai kế hoạch vốn đầu tư năm 2020, vừa hoàn thiện hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành thuộc kế hoạch vốn năm 2019. Sau quý I-2020, các đơn vị, địa phương tập trung vào bảo đảm tiến độ và thanh quyết toán nên kết quả giải ngân đạt cao hơn.

Về phía Kho bạc Nhà nước thành phố, ông Đỗ Xuân Tiến thông tin, từ ngày 16-3-2020, kho bạc thực hiện Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước, theo đó, số lượng hồ sơ được cắt giảm, thủ tục đơn giản hóa, thời hạn giải quyết hồ sơ thanh toán cũng được rút ngắn. Với khoản chi tạm ứng, chi thanh toán trước - kiểm soát sau, kho bạc giải quyết ngay trong 1 ngày làm việc; với khoản thanh toán chi đầu tư, giải quyết trong 3 ngày làm việc.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Quốc Chương cho rằng, trong tháng 4-2020, dịch Covid-19 đã khiến nhiều dự án phải tạm dừng do thiếu nhân công. Do đó, kết quả giải ngân trên là nỗ lực rất lớn. Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất với quá trình triển khai dự án của Hà Nội vẫn là giải phóng mặt bằng, bởi đây là vấn đề phức tạp, phải cập nhật, đối chiếu nhiều quy định để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Triển khai giải pháp đồng bộ

Thực tế, kết quả nói trên có sự chuyển biến nhất định nhưng chưa thể yên tâm vì thời gian còn lại đang dần rút ngắn và yêu cầu giải ngân vẫn là sức ép với chủ đầu tư mỗi dự án. Cụ thể, trong năm 2020, thành phố Hà Nội phải giải ngân hết hơn 38.000 tỷ đồng. Từ nay đến hết năm còn 7 tháng và khối lượng công việc phải hoàn thành chiếm tỷ lệ tới 80%.

Đề cập giải pháp, ông Nguyễn Quốc Chương cho biết, thành phố đang chỉ đạo rất quyết liệt để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công thông qua 3 giải pháp chủ yếu. Đó là, rà soát và kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm, khó có thể bảo đảm tiến độ sang dự án có khả năng hấp thụ vốn để bứt phá. Tiếp theo, bám sát tình hình triển khai các dự án, nhận diện khó khăn để giải quyết. Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, tiến hành nhanh thủ tục đấu thầu để khởi công những dự án mới. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, việc chủ động ứng tiền chi trả đền bù cũng mang lại hiệu quả tích cực.

Theo đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường, đẩy nhanh tốc độ giải ngân là yêu cầu cấp bách nên cần có giải pháp mang tính đột phá, trên cơ sở lấy hiệu quả, tiến độ giải ngân làm tiêu chí ưu tiên hàng đầu. “Nếu gặp khó khăn trong đấu thầu, chờ lâu sẽ mất thời gian thì nên mạnh dạn áp dụng hình thức chỉ định thầu, nhưng sau đó sẽ tăng cường hậu kiểm, quản lý chất lượng thi công...”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ví dụ.

Tại cuộc họp giao ban công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng, các ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện, thị xã định kỳ hằng tuần báo cáo những vấn đề vướng mắc trong xây dựng, giải phóng mặt bằng để thành phố kịp thời chỉ đạo giải quyết, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Thành ủy, UBND thành phố đã thống nhất thành lập Tổ công tác đặc biệt để giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải ngân đầu tư công. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố sẽ thường trực để trực tiếp tháo gỡ vướng mắc… Cùng với đó, thành phố sẽ thanh tra công vụ khi chủ đầu tư 2 tháng liền có tỷ lệ giải ngân vốn thấp dưới 20% tỷ lệ giải ngân chung...

Dự báo kết quả giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2020, ông Nguyễn Quốc Chương nhận định, tiến độ sẽ tăng tốc từ quý III. “Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Cơ bản thời điểm đó, các dự án đã hoàn tất hồ sơ, việc thi công sẽ vào nền nếp nên khối lượng công việc hoàn thành tăng nhanh”, ông Nguyễn Quốc Chương cho hay.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn chia sẻ, Ban dự kiến hoàn thành 4 dự án trước ngày 10-10-2020. Trong 6 tháng cuối năm, Ban phấn đấu khởi công 35 dự án và tập trung triển khai 23 dự án khác, với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bất động sản nghỉ dưỡng hậu Covid: Giá trị thật vẫn hút khách

Trong bối cảnh phần lớn các nhà đầu tư vẫn mang nặng tâm lý “thủ” trước những biến cố do dịch Covid-19 gây ra và nguồn cung rất dồi dào, cuộc chạy đua giữa các DN có cùng dòng sản phẩm bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/969554/thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong?fbclid=IwAR2CvpG68bxPP8suLx6MKmf-GXdvWtKFlmW2pOQ6mrKVjWlwKT8WSz0rECM