Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội: Người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan

20/04/2020 11:20

Kinhte&Xahoi Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội giai đoạn 2 nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, không ít người dân tỏ ra lơ là, chủ quan, một số cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đã mở cửa đón khách.

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm xử phạt người không đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Hải Linh

Nhiều trường hợp bị xử phạt

 Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại địa bàn các quận, huyện, việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg về yêu cầu giãn cách xã hội nhìn chung được chấp hành nghiêm túc, song tại một số địa bàn lại có chiều hướng gia tăng vi phạm do không ít người dân bắt đầu có biểu hiện lơ là trong phòng, chống dịch. Nhiều người dân ra đường, đi chợ, bán hàng, tài xế công nghệ không đeo khẩu trang; không giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Đường phố tại nhiều khu vực nội thành khá đông đúc. Tại các nút giao thông Láng Hạ - Lê Văn Lương; Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng… mật độ phương tiện khá đông và vẫn còn hiện tượng người tham gia giao thông không đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm theo quy định. Cùng đó, trên một số tuyến phố có hiện tượng người dân mở các cửa hàng không thiết yếu; người dân mua bán tại các chợ không thực hiện giãn cách xã hội, hay trường hợp người dân thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) ra đồng làm việc trên những diện tích nông nghiệp trong vùng cách ly…

Trong 3 ngày đầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội (16, 17, 18/4), lực lượng chức năng các phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã tăng cường tuần tra; đồng thời xử lý hành chính 113 trường hợp vi phạm. Trong đó, riêng trong ngày 17/4 xử phạt 51 trường hợp (chủ yếu không đeo khẩu trang và ra đường không có lý do chính đáng). Tại quận Thanh Xuân, trong 3 ngày 16, 17, 18/4, lực lượng chức năng các phường và quận Thanh Xuân đã xử phạt hơn 40 trường hợp vi phạm các biện pháp bảo vệ cá nhân trong phòng, chống dịch và 3 cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu. Tại quận Cầu Giấy, trong ngày 18/4, các lực lượng chức năng quận đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 48 trường hợp vi phạm. Trong đó, xử phạt 37 trường hợp với số tiền 7,4 triệu đồng (không đeo khẩu trang nơi công cộng); 11 trường hợp ra ngoài khi không thật cần thiết, không giữ khoảng cách với số tiền 2,2 triệu đồng.

Người dân đối phó, lách quy định

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, cán bộ Văn phòng UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, từ khi có chỉ đạo giãn cách xã hội thêm một tuần nữa, thực tế mật độ người dân đi ra đường tăng nhiều hơn, kéo theo mức độ vi phạm lớn hơn trong giai đoạn đầu. Nếu trước ngày 16/4, phường phải xử phạt nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, thì từ 16/4 đến nay chủ yếu là vi phạm không đeo khẩu trang.

Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân, 4 tổ kiểm tra liên ngành đã nhắc nhở, xử lý các cửa hàng không thiết yếu, yêu cầu đóng cửa không được kinh doanh. Các cửa hàng này là nhà ở, nên tổ kiểm tra liên ngành đã yêu cầu phải có biển nghỉ bán hàng và phải sắp xếp hàng hóa gọn gàng, không được trưng bày. Công an và lực lượng tự quản đã dán thông báo tại các cửa hàng, đề nghị các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 22/4.

Đại diện các quận, huyện nhận xét, hiện vẫn còn có người dân chưa nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tinh thần trách nhiệm chưa cao dẫn đến sự chủ quan, lơ là, thiếu sự hợp tác với chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Một số người dân ra ngoài không có lý do chính đáng nhưng khi kiểm tra đều nêu lý do đi mua lương thực, thực phẩm. Cùng đó, một số cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã lách quy định bằng cách đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm vào kinh doanh để đối phó với cơ quan chức năng. Hộ kinh doanh kết hợp nhà ở chưa chấp hành nghiêm, lấy lý do nhà ở tuy nhiên khi có khách lẻ vào mua hàng vẫn thực hiện kinh doanh trong nhà.

Theo ý kiến của các chuyên gia, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại những người nhiễm bệnh nhưng chưa có biểu hiện, triệu chứng và có thể chưa được phát hiện, nên việc tiếp tục kéo dài việc giãn cách xã hội là cần thiết. Ý thức của mỗi người dân trước dịch bệnh vẫn là liều vaccine quan trọng nhất chống dịch bệnh. Các trường hợp lơ là, chủ quan trong thực hiện giãn cách xã hội, không giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cận cảnh các công trình xây dựng trái phép tại dự án Green Pearl

Chủ đầu tư dự án Green Pearl là Công ty CP Phát triển nhà Phong Phú - Daewon - Thủ Đức Xây dựng hợp khối nhiều công trình sai nội dung giấy phép xây dựng (GPXD). Đáng nói, các vi phạm này chỉ được phát hiện khi các công trình đã đưa vào sử dụng hoặc hoàn thiện phần thô.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-thuc-hien-gian-cach-xa-hoi-nguoi-dan-co-bieu-hien-lo-la-chu-quan-381751.html?fbclid=IwAR0giK-5gOL-oB-GgdKT3_4E4xXRGzO8fEEOcoSwHFwAxrz-SF6MO5vb75s