Tổ chức đấu giá đất khi chưa xong hạ tầng tại Lạng Giang: Cần nhìn thẳng vào sự thật

24/12/2021 15:07

Kinhte&Xahoi Tại một số địa phương như Lạng Giang, Yên Dũng, TP Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện đã vấp phải nhiều thiếu sót.

Thu chênh lệch trên 1.300 tỷ đồng

Theo báo cáo kiểm tra hoạt động đấu giá tài sản trên địa bản tỉnh Bắc Giang năm 2021 của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, nhiều ưu điểm/nhược điểm đã được chỉ rõ trong 12 trang.

Điều đáng chú ý là hoạt động đấu giá tài sản đối với quyền sử dụng đất để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất (từ 1/1/2020 - 31/12/2020) được chú trọng. Tại một số địa phương như Lạng Giang, Yên Dũng, TP Bắc Giang trong quá trình triển khai thực hiện đã vấp phải nhiều thiếu sót. 

Hoạt động đấu giá tài sản đối với quyền sử dụng đất để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất được UBND huyện Yên Dũng, Lạng Giang giao cho Trung tâm Phát triển và quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện thực hiện; UBND thành phố Bắc Giang giao cho phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện. 

Một phiên đấu giá đất được tổ chức tại Khu nhà liên cơ UBND huyện Lạng Giang. (Ảnh DNTH)

Việc đấu giá tài sản đối với quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất được 3 đơn vị ký kết với các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Kết thúc các cuộc đấu giá, các bên tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng đấu giá và bàn giao hồ sơ đấu giá cơ bản theo đúng quy định. 

Trong năm 2020, các đơn vị Trung tâm Phát triển và quản lý trật tự giao thông, xây dựng, môi trường huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố thực hiện số cuộc đấu giá là 29 cuộc. Trong đó: Số hợp đồng, số cuộc đấu thành là 28 cuộc; số cuộc đấu giá không thành: 01 cuộc (nguyên nhân do số lượng người tham gia đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức cuộc đấu giá). Cụ thể: 

Tổng số lô đất bán đấu giá 2.475 lô (trong đó, số lô đấu giá không thành: 260 lô; số lô đấu giá thành: 2.215 lô).

Tổng giá khởi điểm: 1.945.058.753.982 đồng; Tổng số tiền đấu giá thu được: 3.259.261.565.865 đồng (Tổng số tiền chênh lệch giữa số tiền trúng đấu giá so với giá khởi điểm: 1.314.202.811.883 đồng).

Đất ven khu công nghiệp được đấu giá chênh hàng tỷ đồng mỗi lô. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Nhìn chung, các huyện, thành phố được kiểm tra đã tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất ở, đấu giá thu tiền sử dụng đất và đã chỉ đạo thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định đối với việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013; Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất; Thông tư số 36/2014/TT-BTC ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp xác định giá đất; Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND; Quyết định số 28/2019/QĐUBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh về việc ủy quyền phê duyệt giá đất cụ thể; thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

Sở Tư pháp Bắc Giang nhận định, các huyện, thành phố được kiểm tra cơ bản đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đầu mối hạ tầng giao thông, nước thải, điện, nước sinh hoạt... tài sản đem ra đấu giá đã cơ bản đáp ứng điều kiện để tổ chức đấu giá theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND. 

Đặc biệt, tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo tăng cường giám sát các tổ chức đấu giá trong việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan như: Tài nguyên và môi trường; Tài chính- Kế hoạch; Chi cục thuế, Công an huyện giám sát trực tiếp cuộc đấu giá để có biện pháp kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong cuộc đấu giá. 

Sai sót trong hồ sơ đấu giá

Nội dung này được Sở Tư pháp Bắc Giang nêu rất rõ trong báo cáo kiểm tra kể trên, tại huyện Lạng Giang, một số hợp đồng chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2, điều 15, Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND.

Đơn cử như: Hợp đồng số 15/2020/HĐVĐGTS ngày 23/3/2020; Hợp đồng số 24/2020/HĐVĐGTS ngày 04/6/2020; Hợp đồng số 33/2020/HĐVĐGTS ngày 26/6/2020; Hợp đồng số 55/2020/HĐVĐGTS ngày 23/3/2020; Hợp đồng số 15/2020/HĐVĐGTS ngày 23/3/2020; Hợp đồng số 56/2020/HĐVĐGTS ngày 4/6/2020 giữa Trung tâm với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản không quy định thời gian, địa điểm tổ chức cho khách hàng xem thửa (lô) đất trên thực địa theo quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 15 Quyết định số 13/2018/QĐ- UBND; thiếu phụ lục kèm theo Hợp đồng số 15/2020/HĐVĐGTS ngày 23/3/2020 (do thay đổi thời gian tổ chức bán đấu giá); 

Không chỉ vậy, trong Biên bản đấu giá tài sản, khách hàng trúng đấu giá không ký vào biên bản đấu giá; nhiều khách hàng trúng đấu giá không ký vào danh sách khách hàng trúng đấu giá kèm theo biên bản đấu giá.

Ví dụ như cuộc đấu giá tại thị trấn Vôi ngày 7/11/2020 (3 trường hợp); Cuộc đấu giá tại xã Tiên Lục ngày 11/11/2020 (45 trường hợp); Cuộc đấu giá tại thị trấn Vôi - Tân Luận ngày 28/11/2020 (2 trường hợp) vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Đấu giá tài sản. 

Dự án chưa hoàn thiện hạ tầng đã được tổ chức đấu giá.

Thời điểm (29/11/2021) huyện Lạng Giang tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng của 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng, khi đó dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, điều này đã được nhiều đơn vị của huyện Lạng Giang xác nhận.

Quay trở lại nội dung chính như tiêu đề bài viết, qua một vài ví dụ theo báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang kể trên, có thể thấy trong năm 2020 huyện Lạng Giang đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở, nhưng trong quá trình thực hiện “vẫn để xảy ra sai sót”.

Được biết, ngày 11/8/2021, UBND tỉnh ban hành công văn gửi các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố nhằm siết chặt hoạt động đấu giá tài sản. Chỉ đạo "nóng" là vậy, tuy nhiên việc nghiêm chỉnh chấp hành hay không lại tùy thuộc vào diễn biến thực tế tại địa phương.
 
 

Một minh chứng mới đây, là ngày 29/11/2021, Công ty Đấu giá hợp danh DHL phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự, giao thông, xây dựng, môi trường huyện Lạng Giang tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng của 98 lô đất ở tại khu dân cư trung tâm xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, nhiều ngày sau khi đã được đấu giá, 98 lô đất này vẫn chưa đủ điều kiện theo luật định, đơn vị thi công vẫn đang hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kĩ thuật. Hệ thống cống nước mới đang thi công, hệ thống đường điện đấu nối tới từng lô đất chưa đầy đủ.

Qua trao đổi với Phóng viên Pháp luật Plus, ông Dương Văn Thể - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý trật tự, giao thông, xây dựng, môi trường huyện Lạng Giang cũng thừa nhận: "Thời điểm đấu giá là xong hết rồi chỉ còn những cái thi công phải hoàn thiện thôi. Thời điểm đấu giá cơ bản là xong hết rồi, mặc dù chưa được 100%. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang là chủ đầu tư dự án này".

Trong khi đó, ông Trần Công Tưởng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang cho hay: "Hạ tầng dự án đó hoàn thiện hôm 10/12. Đến nay những hộ nào nộp tiền thì đã cấp sổ. Đấu giá hôm 29/11/2021, lúc đó là gần xong rồi vẫn còn một số hạng mục nhỏ của dự án chưa hoàn thiện. Tuy nhiên theo đề xuất của người dân và ý kiến trực tiếp của lãnh đạo huyện (đồng chí Lan - Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách) đã nói cụ thể rồi nên vẫn tổ chức buổi đấu giá ngày hôm đó. Lãnh đạo huyện cam kết là khi trao sổ sẽ xong hạ tầng hết".

Qua câu trả lời của một vài đơn vị có liên quan tại huyện Lạng Giang có thể thấy thông tin việc huyện Lạng Giang tổ chức đấu giá quyền sử dụng 98 lô đất tại xã Tân Hưng khi chưa hoàn hạ tầng kỹ thuật là có cơ sở.

Nhiều yêu cầu tại quyết định số 13/2018/QĐ-UBND ban hành ngày 7/6/2018 của tỉnh Bắc Giang đã bị "ngó lơ".

Không rõ, vì lý do gì mà huyện Lạng Giang lại “nóng vội” khi đồng ý cho phép tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất khi chưa hoàn thành xong hạ tầng? Trong khi đó, tại điểm c, Khoản 2, Điều 5 quyết định số 13/2018/QĐ-UBND ban hành ngày 7/6/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang đã nêu rõ: Điều kiện về thửa (lô) đất được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở - Đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Cùng với đó điểm b, Khoản 2, Điều 11 quyết định số 13/2018/QĐ-UBND cũng nêu rõ về việc Chuẩn bị hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất ở, có nêu rõ: “Giấy tờ liên quan đến hiện trạng quản lý, sử dụng thửa (lô) đất đấu giá và hạ tầng kỹ thuật gắn liền với thửa (lô) đất đấu giá (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền”.

Không rõ trong hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất ở, thời điểm tổ chức đấu giá cơ quan chức năng huyện Lạng Giang đã đưa cụm từ "hoàn thành", hay "cơ bản hoàn thành", hay là "đang" hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại khu đất đấu giá xã Tân Hưng vào hồ sơ?

Qua 2 yêu cầu kể trên, có thể thấy việc đấu giá đất ở khi chưa hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại huyện Lạng Giang là không đúng với yêu cầu của tỉnh Bắc Giang. Hệ quả của nó không chỉ khiến người mua đất “dở khóc, dở cười” mà nó ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị các lô đất được tổ chức đấu giá, gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách (nếu người mua bỏ cọc).

Bỏ cọc

Khi thị trường bất động sản có dấu hiệu nóng trở lại, thì việc đầu cơ thu lợi, tạo sóng, bỏ tiền đặt cọc là điều dễ thấy tại nhiều cuộc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Cuối tháng 4/2021, huyện Lạng Giang từng có báo cáo, toàn huyện còn 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước. Các lô đất trên có diện tích từ 90 m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn  Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô. 

Một ví dụ khác tại huyện Yên Dũng, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện nêu rõ (thống kê từ tháng 1/2021 - tháng 11/2021), toàn huyện có 477 lô đất thuộc thị trấn Nham Biền, các xã: Nội Hoàng, Xuân Phú, Tiến Dũng, Đồng Phúc và Quỳnh Sơn được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng.

Đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng.

Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại xã Tân Hưng mọc lên tạm bợ.

Nguyên nhân bỏ cọc tháo chạy khỏi các lô đất trúng đấu giá là do thời điểm trúng đấu giá, đất đang sốt cao. Đến khi nộp tiền thì giá đất đã hạ nhiệt, nguy cơ cao sẽ bị lỗ. Chưa kể, khi đấu giá đất, hạ tầng chưa xong, ngổn ngang vật liệu, đấu giá xong nhà đầu tư "ăn lãi" lướt sóng, bỏ lô đất cho người chủ kế tiếp...Đơn vị tổ chức đấu giá chỉ quan tâm, sao "đạt định mức" theo kế hoạch.

Như vậy, qua những ví dụ điển hình kể trên, nếu chính quyền các địa phương không làm chặt chẽ trong quy trình đấu giá đất ở theo yêu cầu tại quyết định số 13/2018/QĐ-UBND của tỉnh Bắc Giang sẽ là kẽ hở để những “kẻ đầu cơ” tạo sóng bất động sản, thu lợi riêng, gây thiệt hại cho thị trường bất động sản địa phương, và những người chịu thiệt cuối cùng là người dân có nhu cầu ở thật.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Hải Đăng - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/to-chuc-dau-gia-dat-khi-chua-xong-ha-tang-tai-lang-giang-can-nhin-thang-vao-su-that-d173444.html