Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV. Một trong những ý kiến được cử tri nêu ra đó là liên quan đến việc thực hiện các dự án trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng kéo dài lâu năm trên địa bàn quận Tây Hồ, trong đó có Dự án IDC (phường Yên Phụ).

Theo đó, cử tri đề nghị thành phố sớm kiểm tra, giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc liên qun đến việc triển khai thực hiện dự án, nếu không thực hiện thì xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân dân trong khu vực được cải tạo, sửa chữa nhà ở ổn định cuộc sống. Vì những dự án này đã quy hoạch từ rất nhiều năm và nhiều nhà ở của các hộ dân trong khu vực dự án đã xuống cấp.

 Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP Hà Nội cho biết, Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ được triển khai từ năm 1990.

Ngày 28/9/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 914/QĐ-TTg thu hồi 13.970 m2 đất tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC sử dụng để thực hiện dự án.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, Chủ đầu tư thực hiện; có nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tuy nhiên, do vướng mắc Luật Đê điều, khiếu nại của một số hộ dân, dự án triển khai kéo dài, có thay đổi về chế độ, chính sách pháp luật, đến nay mới thu hồi, giải phóng mặc bằng được 7.901 m2, còn lại 6.096 m2 đất chưa giải phóng mặt bằng; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho Chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân; do dự án  chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến Chủ đầu tư chưa được giải quyết.

Ngày 6/1/2016. UBND TP Hà Nội có thông báo số 04/TB-VP về ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài liên quan đến đất đai, dự án đầu tư sử đụng dất trên địa bàn quận Tây Hồ. Đối với dự án IDC, UBND thành phô chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Tây Hồ, Công ty TNHH Xây dựng IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới được giao theo Quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất đã GPMB, diện tích đất chưa GPMB, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý, sử dụng đất, đề xuất UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh theo hướng sau:

Dự án Khu nhà ở văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương "treo" hơn 30 năm khiến nhiều hộ dân không được cải tạo, xây dựng vì nằm trong diện quy hoạch của dự án. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Đối với diện tích đất đã GPMB, giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án đầu tư theo quy định.

Đối với diện tích chưa GPMB, giao cho UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch. Diện tích phù hợp quy hoạch đất thì xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định; phần diện tích nằm trong quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng phục vụ dân cư thì thu hồi, hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu vực, yêu cầu về PCCC.

Đối với diện tích đất do các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Cục Thuế chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan và UBND quận Ba Đình kiểm tra, xem xét đề nghị của Công ty TNHH Xây dựng IDC về việc hoàn trả kinh phí san lấp hồ An Dương (thực hiện từ năm 1990), báo cáo UBND thành phố.

Đến nay, quy hoạch dự án đã được phê duyệt điều chỉnh, diện tích đất đã, đã, chưa thực hiện đã được xác định cụ thể. Tuy nhiên, nhà đầu tư không có khả năng thực hiện tiếp Dự án nên cần thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động cà xử lý các tồn tại liên quan.

Hiện nay luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực thi hành, việc chấm dứt hoạt động dự án không quy định với trường hợp dự án này, đồng thời một số nội dung kiến nghị của Nhà đâu tư vượt thẩm quyền của UBND thành phố (phân lô bán nền, đến bù đất thực hiện dự án tại địa điểm khác, hoàn trả tiền sử đụng đất theo giá trị hiện tại…).

“Liên ngành thành phố đã họp thống nhất Nhà đầu tư, đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ xem xét quyết định theo thẩm quyền giải quyết những khó khăn vướng mắc”, UBND TP Hà Nội thông tin.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tín dụng bất động sản tăng chậm trong 6 tháng đầu năm 2021

Ngân hàng Nhà nước thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng chậm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này khiến các hoạt động đầu tư giảm mạnh. Mức tăng tín dụng bất động sản thấp hơn đà tăng trưởng tín dụng bình quân 5,1%.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/du-an/tp-ha-noi-go-vuong-mac-o-du-an-idc-be-tac-hon-3-thap-ky-d159456.html