TP HCM thông tin về khắc phục sai phạm ở Thủ Thiêm

14/08/2019 10:35

Kinhte&Xahoi Theo dự kiến, vào chiều nay (14/8), UBND TP.HCM sẽ tổ chức buổi họp nhằm thông tin về tiến trình khắc phục sai phạm về kinh tế và liên quan đến diện tích 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch... tại dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.

Một người dân đang trình bày bức xúc với chính quyền TP về vấn đề Thủ Thiêm.

TP gặp một số khó khăn khi xử lý

Trước đó, ngày 10/8, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính cho biết, TP vẫn đang thực hiện theo Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Tuy nhiên, TP gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt và thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư KĐTM Thủ Thiêm.

Tại KLTT, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về kinh tế khi xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, trong đó có việc TP tạm ứng sai hàng chục ngàn tỉ đồng để bồi thường dự án, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng...

Để khắc phục, TTCP yêu cầu TP HCM thu hồi hơn 26.000 tỉ đồng cho ngân sách và phải có giải pháp huy động vốn để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm hơn 4.200 tỉ đồng; thu hồi về ngân sách khoản tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung đối với Công ty Đại Quang Minh là 1.800 tỉ đồng và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay. Những việc này phải hoàn thành trước ngày 30/9 để báo cáo Thủ tướng.

Ngoài ra, TTCP đề nghị UBND TP HCM xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với những cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý sẽ được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét.

Trong quá trình xử lý trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.

Mới đây, tại văn bản báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết số tiền 26.000 tỉ đồng đã dùng để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án nên không thể thu hồi để hoàn trả ngân sách.

Để làm được việc này, TP cần thực hiện các thủ tục quyết toán dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng... Nhưng thực tế việc bồi thường vẫn chưa xong, các hộ dân trong khu vực 4,3 ha phường Bình An và các hộ dân bên ngoài vẫn đang khiếu nại.

Vì vậy, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư KĐTM Thủ Thiêm đã được duyệt năm 2010; đồng thời cập nhật, bổ sung chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Nhiều lần gặp dân tháo gỡ vướng mắc

Ngoài việc họp báo, dự kiến ngày 15/8, TP sẽ đối thoại với 28 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KĐTM Thủ Thiêm (thường đi khiếu nại, tố cáo ở Hà Nội, nay đã trở về địa phương).

Trước đó, Thủ tướng đồng ý cho TP HCM phối hợp Bộ Xây dựng phê duyệt lại ranh giới để làm cơ sở xem xét các chính sách hỗ trợ, tái bồi thường, định cư cho người dân. Trong tháng 7, tổ công tác giải quyết các vấn đề ở Thủ Thiêm đã gặp gỡ 331 hộ để ghi nhận ý kiến - đa số chọn phương án đất đổi đất.

Như đã thông tin, KĐTM Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 1996. Nằm bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1. Khu đô thị sẽ là trung tâm tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp mở rộng của TP HCM.

Dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng, song vẫn còn hàng trăm hộ dân khiếu kiện suốt hàng chục năm qua. Họ cho rằng đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.

Sau 4 tháng vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng, tháng 9/2018, TTCP công bố kết luận: TP HCM, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ có nhiều sai phạm trong quá trình quy hoạch dự án, phá vỡ quy hoạch Thủ tướng phê duyệt; thể hiện sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất. UBND TP HCM được yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân.

Chủ tịch UBND TP HCM - Tổ trưởng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm đã nhiều lần gặp gỡ người dân trao đổi về các chính sách bổ sung mà thành phố dự kiến áp dụng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng trăm dự án 'giậm chân' tại chỗ

Hàng trăm dự án tại Hà Nội và các địa phương giậm chân tại chỗ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Công trình nghìn tỷ của nhà nước cũng lâm vào cảnh ì ạch, vốn doanh nghiệp tư nhân đi vay cũng đành nằm chờ chưa biết đến khi nào…mới được xử lý.

Nguồn: Pháp luật Plus