TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị hàng hóa mùa mua sắm cuối năm

25/10/2023 10:09

Kinhte&Xahoi Còn hơn 2 tháng nữa đến Tết Dương lịch, mùa cao điểm mua sắm cuối năm đang đến gần. Hiện, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu lên kế hoạch sản xuất, tích trữ hàng hóa để cung ứng ra thị trường.

Nhà máy sản xuất thịt gia cầm của Công ty TNHH San Hà.

Người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu cuối năm

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, việc làm, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao động bấp bênh nhưng dự báo, mức độ chi tiêu cho tiêu dùng dịp cuối năm tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn sôi động.

Gia đình chị Đàm Ngọc Loan (phường Bình Thuận, quận 7) có 4 thành viên, trong đó có 2 trẻ đang tuổi ăn, học. Vì vậy, gia đình chị luôn dành khoản tài chính đáng kể để chi cho hàng hóa tiêu dùng. “Dù kinh tế khó khăn, thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng gia đình tôi vẫn ưu tiên cho nhu cầu ăn mặc của trẻ. Có thể tiết kiệm các khoản chi tiêu khác chưa cần thiết nhưng các mặt hàng lương thực, thực phẩm phải bảo đảm đầy đủ”, chị Loan chia sẻ.

Cũng theo chị Loan, gia đình chị đã tiết kiệm một khoản tài chính để dành chi tiêu cho mùa mua sắm Tết. “Cuối năm, gia đình nào cũng có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hay biếu tặng. Tôi mong hàng hóa Tết năm nay đa dạng và giá cả ổn định để nhiều gia đình có cái Tết đầm ấm và no đủ”, chị Loan mong muốn.

Còn gia đình chị Bùi Thị Bích Liên (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức), hiện sinh sống chung ba thế hệ với 6 thành viên nên nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng cao, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. “Hiện tại, gia đình tôi bắt đầu tiết kiệm khoản tài chính để dành cho mùa mua sắm cuối năm. Tôi cũng đã lên kế hoạch các mặt hàng nào cần mua sắm, những mặt hàng nào có thể mua trước thì sẽ mua dần”, chị Liên chia sẻ.

Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề “Đồng hành cùng người tiêu dùng thành phố” có sự tham gia của 61 doanh nghiệp đầu mối, trong đó có 44 doanh nghiệp lương thực - thực phẩm. Chương trình sẽ bổ sung nhiều nhóm hàng hóa, với tổng lượng hàng hóa tăng từ 3-5%, chiếm từ 23-31% thị phần tháng thường và chiếm 25-43% thị phần tháng Tết. Với lượng hàng hóa bình ổn trên, người tiêu dùng sẽ không lo thiếu hàng hóa, đồng thời, mức giá cũng được bảo đảm.

Vissan dành nguồn vốn lớn để sản xuất hàng hóa cung ứng thị trường Tết năm nay.

Doanh nghiệp thăm dò thị trường

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ doanh nghiệp chế biến nước mắm truyền thống thương hiệu Khánh Trang (Văn phòng giao dịch tại quận 3) cho biết, doanh nghiệp hiện lên kế hoạch cho việc tăng cường sản xuất, dự trữ số lượng hàng hóa cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng lên dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nhu cầu tiêu dùng mùa Tết 2024 có tăng nhưng sẽ khó có đột biến do tình hình kinh tế dự báo còn tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, những biến động về việc làm và thu nhập sẽ tác động ít nhiều đến nhu cầu và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.

“Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang theo dõi sát tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Nhiều doanh nghiệp sẽ chọn giải pháp nhu cầu thị trường tới đâu, sản xuất tới đó. Không ít doanh nghiệp sẽ chọn giải pháp đẩy mạnh sản xuất ngay thời điểm này, sau đó tích trữ để cung ứng thị trường cuối năm nhằm giảm chi phí đầu vào. Doanh nghiệp sẽ không bỏ lỡ cơ hội mùa cao điểm mua sắm lớn nhất trong năm (dịp Tết) để tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Còn bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà (quận 8) cho biết, công ty đang tăng cường sản xuất các mặt hàng thực phẩm gia cầm, thủy cầm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến các loại để bảo đảm đủ lượng hàng hóa cung ứng cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm nay. Dù khó khăn, công ty vẫn duy trì cung ứng cho thị trường trên 200 tấn thực phẩm/ngày. Hiện, công ty cũng tham gia vào chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh nên sẽ bảo đảm nguồn cung và giá bán theo yêu cầu kích cầu mua sắm cuối năm của thành phố.

Là một trong những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã dành nguồn vốn 540 tỷ đồng để tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sắp tới. Theo đó, Vissan lên kế hoạch cung ứng ra thị trường khoảng 1.100 tấn thực phẩm tươi sống (tăng 5% so với cùng kỳ) và 3.800 tấn thực phẩm chế biến.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan cho biết, tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố, ngoài việc bảo đảm bình ổn giá, công ty sẽ giảm giá tới 30% một số nhóm hàng hóa từ ngày 6 đến 9-2-2024 (từ ngày 27 đến 30 tháng Chạp), nhằm hỗ trợ cho người mua sắm Tết trễ.

 Trọng Ngôn - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thị trường bất động sản Hà Nội: Vẫn còn những điểm sáng

Thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, trong 9 tháng qua, vẫn chưa thể “khởi sắc”. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có những động thái quyết liệt để hỗ trợ nhưng nguồn cung mới và lượng giao dịch vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-chuan-bi-hang-hoa-mua-mua-sam-cuoi-nam-645889.html