TP Hồ Chí Minh: Dấu hiệu gây thất thoát tài sản Nhà nước tại dự án Tecco Đầm Sen

05/01/2023 14:30

Kinhte&Xahoi Hơn 10.000m2 đất thuộc dự án Tecco Đầm Sen (quận Tân Phú, TP HCM) vốn có nguồn gốc đất công cho thuê nhưng đang được doanh nghiệp triển khai và huy động vốn khi chưa đảm bảo pháp lý và chưa có sự đồng thuận từ các cấp chính quyền thành phố.

Dự án Tecco Đầm Sen tọa lạc tại số 4 Bùi Cẩm Hổ, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP HCM. Chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Tân (Công ty Phú Tân).

Theo thiết kế được phê duyệt, đây là khu cao ốc thương mại với 2 tòa nhà cao 22 tầng, được quy hoạch trên khu đất có diện tích hơn 10.000m2, gồm 630 căn hộ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.136 người.

Khu đất hơn 10.000m2 của dự án Tecco Đầm Sen hơn 10 năm chưa triển khai

Biến đất công thành “của riêng”

 Tháng 10/2000, UBND TP HCM giao khu đất 10.712m2 (thửa 430, tờ bản đồ số 2) tại số 4, đường Bùi Cẩm Hổ, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú cho Công ty Cổ phần Việt Phong (Công ty Việt Phong) thuê 50 năm để làm xưởng chế biến thức ăn gia súc.

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Công ty Việt Phong ghi rõ “giá trị quyền sử dụng đất thuộc phần vốn Nhà nước tại Công ty CP Việt Phong, việc thực hiện các quyền chuyển nhượng cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất phải theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Địa chính”.

8 năm sau khi được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện việc đóng tiền thuê đất một lần, Công ty Việt Phong dùng diện tích đất thuê này để làm vốn góp với Công ty Phú Tân. Giá trị đất được tính tương đương 66 tỷ đồng.

Công ty Việt Phong dùng diện tích đất thuê để làm vốn góp với Công ty Phú Tân

Sau khi ký công chứng phần góp vốn với Công ty Việt Phong vào tháng 4/2008, ngày 12/3/2009, Công ty Phú Tân dùng hợp đồng công chứng này tiến hành ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với UBND TP HCM.

Trong hợp đồng thuê đất này vẫn giữ nguyên toàn bộ diện tích đất và thời hạn thuê đất, số tiền Công ty Việt Phong đã nộp một lần và không thay đổi mục đích sử dụng đất (xưởng chế biến thức ăn gia súc) như đã cho Công ty Việt Phong thuê trước đó. Trong hợp đồng xác định rõ: “Việc thuê đất không làm mất đi quyền sở hữu của Nhà nước Việt Nam đối với khu đất và mọi tài nguyên nằm dưới lòng đất”.

Hợp đồng thuê đất ký chưa đầy 8 tháng, ngày 26/10/2009, xưởng chế biến thức ăn gia súc được UBND TP HCM ra quyết định cho phép Công ty Phú Tân chuyển đổi mục đích sang dự án xây dựng chung cư cao tầng.

Đến ngày 13/1/2010, UBND TP HCM tiếp tục chấp thuận chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc dự án chung cư cao tầng do Công ty Phú Tân dự kiến đầu tư xây dựng.

Tháng 7/2010, dự án này đã được UBND quận Tân Phú thông qua quy hoạch tổng mặt bằng dự án xây dựng công trình cao ốc thương mại, căn hộ Đầm Sen Parkview (Tecco Đầm Sen).

Sau đó, tháng 8/2011, UBND TP HCM ban hành văn bản mới, chấp thuận cho công ty gia hạn thời gian thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất (ký ngày 26/10/2009) đến ngày 31/12/2011.

Tháng 7/2012, UBND TP HCM đã phê duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất nêu trên để Công ty Phú Tân thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, đầu tư xây dựng chung cư cao tầng, với trị giá 100.253.237.577 đồng và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ.

Nghĩa vụ tài chính không thực hiện lại mang đi thế chấp

 Mặc dù được đánh giá là có tiến độ thực hiện dự án nhanh song trên thực tế Công ty Phú Tân lại không thực hiện theo những gì được duyệt mà lại làm theo cách riêng của mình.

Trong thông báo của UBND TP HCM ngày 26/7/2012, nghĩa vụ tài chính mà Công ty Phú Tân phải thực hiện đã rõ, thời hạn thực hiện là 30 ngày sau khi có thông báo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thuế TP HCM, sau nhiều lần phát thông báo số tiền nợ thuế, thông báo cưỡng chế thực hiện việc đóng thuế nhưng Công ty Phú Tân vẫn... bình chân như vại.

Trong một văn bản của Cục Thuế TP, chỉ tính đến ngày 31/12/2017, số tiền cả gốc lẫn tiền phạt theo quy định của Công ty Phú Tân đã lên đến 174,882 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền sử dụng đất hơn 99,101 tỷ (sau khi đã khấu trừ số tiền thuê đất đóng một lần do Công ty Việt Phong thực hiện trước đó), tiền chậm nộp hơn 75,780 tỷ.

Mặc dù không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nhưng Công ty Phú Tân lại mặc nhiên khai thác khu đất để thu lợi nhuận. Theo Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM, ngày 20/8/2015, Sở TN&MT TP HCM phối hợp với UBND quận Tân Phú, UBND phường Tân Thới Hòa tiến hành kiểm tra hiện trạng khu đất Công ty Phú Tân được duyệt xây dựng dự án Tecco Đầm Sen. Quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra phát hiện khu đất đang được cho Công ty TNHH Trung Bảo thuê làm bãi giữ xe từ tháng 5/2012 đến tháng 4/2015. Việc cho thuê này được Công ty Phú Tân giải thích nhằm mục đích giữ đất.

Chưa hết, vào tháng 5/2017, Công ty Phú Tân đã nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính do xây dựng công trình không phép (diện tích 9,7 x 17,6m) trong khuôn viên dự án, đồng thời buộc phải tháo dỡ công trình không phép này.

Tháng 7/2020, trong văn bản trả lời đơn xem xét xin tồn tại công trình tạm tại dự án Tecco Đầm Sen, UBND quận Tân Phú đã yêu cầu Công ty Phú Tân thực hiện nghiêm theo quyết định xử lý vi phạm hành chính và quyết định cưỡng chế công trình xây dựng không phép trên.

Công trình không phép trong khuôn viên dự án Tecco Đầm Sen đến nay vẫn tồn tại

Có lẽ những sai phạm trên vẫn chưa là gì so với việc Công ty Phú Tân mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi “cầm cố”.

Như đã nêu ở trên, đến cuối năm 2017, tổng số tiền nợ thuế chuyển mục đích và tiền phạt do không thực hiện nộp lên đến hơn 174 tỷ đồng, thì trước đó, vào tháng 1/2017, Công ty Phú Tân đã tiến hành thủ tục thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất này tại một ngân hàng. Việc thế chấp này kéo dài đến ngày 12/12/2019 mới chấm dứt.

Có lẽ không phải tự nhiên mà trong thời gian dài, Cục Thuế TP HCM liên tục có công văn kiến nghị UBND TP HCM thu hồi lại quyết định đã ban hành. Cụ thể, ngày 18/12/2019, Cục Thuế TP HCM gửi công văn đề nghị thu hồi lại quyết định phê duyệt giá đất theo giá thị trường ban hành vào ngày 6/6/2011.

Đến ngày 6/1/2020, Cục Thuế lại tiếp tục có văn bản đề nghị xem xét lại việc phê duyệt giá đất theo giá thị trường, đồng thời kiến nghị Sở TN&MT TP HCM rà soát lại pháp lý quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất số 4 Bùi Cẩm Hổ (khu đất được duyệt cho Công ty Phú Tân thực hiện dự án Tecco Đầm Sen) có đảm bảo phù hợp pháp luật hay không…

Có dấu hiệu rao bán đất công?

 Theo Sở Xây dựng TP HCM, đến thời điểm hiện tại, Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ bổ sung để đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trên từ chủ đầu tư.

Việc cấp phép xây dựng là một trong những điều kiện bắt buộc đối với việc bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai nhưng cho đến thời điểm hiện tại dự án Tecco Đầm Sen chưa có. Trong Kết luận của Thanh tra TP HCM số 162/TB-TTTP-P7 ngày 24/12/2020, thì số nợ tiền sử dụng đất của Công ty Phú Tân vẫn là con số hơn 174 tỷ đồng và dự án cũng chưa triển khai.

Tuy nhiên, năm 2019, Công ty Phú Tân đã tổ chức phát phiếu đăng ký mua căn hộ tại dự án chung cư Tecco Đầm Sen này. Theo nội dung phiếu đăng ký mua căn hộ diện tích 65,3m2 được bán với giá hơn 1,7 tỷ đồng. Tiến độ thanh toán lần đầu đăng ký căn hộ và đặt cọc là 30 triệu đồng; Hoàn thiện và bàn giao nhà trong Quý IV/2020. Bản đăng ký được lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Tecco ký đóng dấu. Để rõ hơn câu chuyện giữ chỗ đặt cọc, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với văn phòng Tập đoàn Tecco (số 65 đường Linh Đông, phường Linh Đông, TP Thủ Đức) và Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Tecco (pháp nhân nhận tiền khách hàng) nhưng không gặp được những người có trách nhiệm tại các đơn vị này.

Kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM

Nếu tính thời điểm Công ty Phú Tân thực hiện việc đăng ký căn hộ và thu tiền khách hàng thì khoản tiền nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vẫn chưa được thực hiện. Khu đất vẫn chưa thuộc về Công ty Phú Tân, chưa được phép khai thác kinh doanh, việc thu tiền đặt cọc của khách hàng không chỉ là huy động vốn trái phép mà còn là bán thứ không phải của mình.

Chưa triển khai dự án nhưng công ty vẫn nhận tiền đặt cọc đã dẫn đến việc sáng 27/7/2022, nhiều người dân đã tìm đến Sở TN&MT TP HCM căng băng rôn đòi quyền lợi tại dự án Tecco Đầm Sen. Người dân chỉ ra về khi được giải thích là Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Tecco (pháp nhân đứng ra nhận tiền) không có thẩm quyền trong việc sở hữu dự án.

Mới đây, phản hồi báo Tuổi trẻ Thủ đô, UBND quận Tân Phú cho biết trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND TP HCM công bố ngày 30/9/2022, dự án Tecco Đầm Sen không còn nằm trong kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn quận Tân Phú.

Luật sư Trần Ngọc Trường, Văn phòng Luật sư Tâm Pháp Quyền phân tích, theo quy định, dự án không được đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022, đồng nghĩa với việc dự án phải ngưng triển khai cho đến khi có thông báo mới.

Biên bản ghi nhận của Phòng TN&MT quận Tân Phú vào tháng 11/2021 cho thấy hiện dự án chưa triển khai và chủ đầu tư còn nợ tiền sử dụng đất

Hàng loạt những câu hỏi liên quan đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi chính đáng của người dân trong câu chuyện dự án Tecco Đầm Sen đang cần có câu trả lời sớm. Đã hơn 10 năm được duyệt hưng không thấy dự án đâu, trong khi chỉ thấy hàng loạt những dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí lợi ích Nhà nước và dấu hiệu vi phạm pháp luật. Phải chăng đã đến lúc cần thu hồi dự án để đảm bảo lợi ích Nhà nước và quyền lợi chính đáng của khách hàng?

Minh Tường - Bảo Anh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-dau-hieu-gay-that-thoat-tai-san-nha-nuoc-tai-du-an-tecco-dam-sen-214641.html