TP Hồ Chí Minh tháo gỡ vướng mắc liên quan tới phát triển nhà ở xã hội

18/07/2022 18:05

Kinhte&Xahoi Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 là 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của công nhân, người lao động có thu nhập thấp làm việc ở các khu công nghiệp.

TP Hồ Chí Minh cần một cơ chế đột phá, hiệu quả để phát triển nhà ở xã hội (Ảnh minh họa)

HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X vừa thông qua nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến chi ngân sách hơn 12.000 tỷ đồng để phát triển thêm 6,6 triệu m2 nhà ở xã hội (tương ứng 93.000 căn hộ) đến năm 2030.

Tuy nhiên, đến hết quý I/2022, toàn thành phố mới phát triển được hơn 36.600m2 nhà ở xã hội do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Vì vậy, một cơ chế đột phá, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thành phố có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, tổng nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 là 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của công nhân, người lao động có thu nhập thấp làm việc ở các khu công nghiệp. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội từ năm 2016 đến nay của thành phố bị chậm lại, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có 19/64 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, tăng thêm khoảng 1,23 triệu m2 sàn, đưa vào sử dụng 14.954 căn, đạt hơn 69% chỉ tiêu đề ra. Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Tính đến hết quý I/2022, thành phố mới hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội (260 căn, 32.668m2 sàn). Như vậy, muốn hoàn thành chỉ tiêu 93.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030 sẽ rất khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, có nhiều nguyên nhân cho việc chậm tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, trong đó đáng chú ý có nguyên nhân hiện chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Đặc biệt, dù là dự án được ưu đãi nhưng quy trình hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhất là thủ tục để có quỹ đất riêng lại nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện, làm nản lòng nhà đầu tư.

Ngay cả đối với nhà đầu tư các dự án nhà ở thương mại, việc quy định phải dành ra 20% diện tích đất ở của dự án để xây nhà ở xã hội với mức giá bình dân, trong khi chi phí đền bù để giải tỏa mặt bằng lại rất cao cũng khiến họ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, để một dự án nhà ở xã hội được thực hiện phải mất khoảng 2 năm. Trong 2 năm đó có thể xảy ra những biến động giá cả, chính sách khó dự đoán trước khiến nhiều nhà đầu tư e ngại, từ đó khó thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội, trong khi ngân sách còn eo hẹp.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), hiện Ngân hàng Chính sách xã hội là đầu mối cho vay Chương trình Nhà ở xã hội đối với các cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vay để xây dựng, phát triển nhà ở xã hội chưa được hưởng mức vay ưu đãi 5% trên 80% vốn triển khai dự án từ chương trình này mà phải chịu mức lãi suất lên đến 11%, nên rất khó huy động vốn để triển khai dự án.

Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh dự kiến triển khai 6 dự án nhà ở xã hội, nhưng do một số vướng mắc nên chỉ có thể triển khai được 3 dự án. Thời gian tới, nếu thành phố không có cơ chế thí điểm để tháo gỡ khó khăn, tạo đột phá trong việc xây dựng nhà ở xã hội sẽ rất khó thực hiện đúng kế hoạch.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, để giải quyết khó khăn trong việc xây dựng nhà ở xã hội, thời gian tới, thành phố sẽ rà soát quỹ đất có quy mô lớn, quỹ đất nông nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh không còn phù hợp với quy hoạch đã giao chủ đầu tư tại các khu vực huyện ngoại thành để xem xét điều chỉnh quy hoạch, tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ sắp xếp lại quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc quỹ đất do Nhà nước bồi thường để điều chỉnh quy hoạch và chuyển sang đất xây dựng nhà ở xã hội; Tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn của doanh nghiệp với thời gian thuê đất tối đa 50 năm.

Nguyễn Trang - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tỉnh Long An không có dự án Long Cang New

Cơ quan chức năng tỉnh Long An khẳng định không có dự án Long Cang New trên địa bàn. Đồng thời, theo ghi nhận thực tế, khu đất thuộc dự án chỉ mới tiến hành san lấp, giải tỏa mặt bằng, tuy nhiên doanh nghiệp đã nhận tiền đặt cọc, ký hợp đồng chuyển nhượng với nhiều khách hàng.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "quy hoạch treo"

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-thao-go-vuong-mac-lien-quan-toi-phat-trien-nha-o-xa-hoi-201315.html