Trẻ em trong khu cách ly - chuyện chỉ có ở 'thời COVID'

26/09/2021 10:49

Kinhte&Xahoi Ở trong khu cách ly, với độ tuổi còn non nớt, có thể các em chưa hiểu được hết sự nguy hiểm của dịch bệnh, nhưng sự kiên cường và ý thức của các em khiến cho mọi người phải nể phục và khen ngợi.

Hình minh họa.

Những “chiến binh” nhỏ

Có mặt từ những ngày đầu COVID-19 còn chưa được định danh tới khi dịch bùng phát, bác sĩ Ngô Đức Hùng – một bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, đã ghi lại những dòng nhật ký ngổn ngang suy tư nhưng cũng đầy hài hước và hy vọng trong cuốn sách “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể”. Một trong những câu chuyện cảm động được trang nhật ký của bác sĩ Ngô Đức Hùng đề cập tới đó là câu chuyện của những đứa trẻ trong Bệnh viện dã chiến ở Hải Dương.

“Bọn trẻ con vào đây cũng đông, sợ nhất là chẳng có triệu chứng gì, nhưng chụp phim lên thì tổn thương phổi. Chúng cứ diễn tiến âm thầm cho đến khi tổn thương lan rộng đủ lớn thì lăn đùng ra suy hôp hấp. Trẻ con theo dõi khó hơn người lớn nhiều lần vì chúng không biết phàn nàn hay mô tả khó chịu gì hết, cứ nằm ngoan hoặc khóc thôi. Có cháu bé mới 21 tháng tuổi đã xuất hiện đốm tổn thương phổi, may cũng chưa đủ lớn để gây hậu quả nghiêm trọng nào cho tình trạng hô hấp…

Cái sự diễn tiến âm thầm này khiến các bác sĩ lo lắng phải hội ý liên tục, ngày nào cũng nhắc nhở anh em cẩn thận theo dõi các cháu nhỏ kẻo nhằng cái nặng lên thì trở tay không kịp. Đội bác sĩ chia nhau ngày nào cũng vè vè hai lần sáng chiều trong bệnh phòng như đám chuồn chuồn, vừa chơi với bọn trẻ con vừa theo dõi chúng cùng các bệnh nhân khác.

Các phụ huynh hết sức lo lắng cho sự học của con mình. Mỗi buổi sáng tất cả đồng loạt đăm chiêu mở điện thoại hoặc máy tính bảng kê lên cửa sổ, đứng canh bọn trẻ con học bài online… Có những gia đình tập trung cả tại khu điều trị mỗi sáng gọi nhau dậy học bài, gọi nhau đi xét nghiệm, động viên nhau như đi nghỉ mát.

Sau vài ngày theo dõi và điều trị, bọn trẻ thường đáp ứng tốt và lành bệnh nhanh hơn, một số quét dịch tỵ hầu xét nghiệm COVID về âm tính sớm trong khi bố mẹ chúng vẫn phải đang theo dõi sát. Để tránh tái nhiễm từ bố mẹ, các cháu sẽ được chuyển về khu âm tính tạm xa gia đình vài hôm. Mỗi lần đi khám gặp nhóm này, bác sĩ thường hay gọi đùa là các thanh niên được đi bộ đội.

Bắt đầu cuộc sống tự lập dưới sự giúp đỡ của các bệnh nhân hàng xóm trong khu âm tính và các cô chú nhân viên. Tất cả ngồi ngoan ngoãn chờ xét nghiệm, những cái kim tiêm chọc vào ven lấy máu, cũng có chảy tí nước mắt rồi thôi…”.

Còn nhớ, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, sau khi phát hiện một học sinh lớp 3 của trường tiểu học Xuân Phương, Hà Nội mắc COVID-19, 56 em học sinh cùng 14 giáo viên, nhân viên nhà trường thuộc diện tiếp xúc gần đã cách ly tập trung tại trường. Có thể nói đây là trải nghiệm chưa từng có với cả nhà trường, giáo viên và học sinh trong diện phải cách ly, tuy nhiên, đó lại là trải nghiệm đáng nhớ. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, có thể thấy các “chiến binh nhí” ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình dù phải ở yên trong khu cách ly vào thời điểm Tết Nguyên đán vốn được chờ mong rất lâu. Ý thức tự giác của các em nhỏ khiến cộng đồng mạng xúc động.

Rồi hình ảnh về những em nhỏ mặc chiếc áo bảo hộ chống dịch thùng thình lẫm chẫm bước đi tại các khu cách ly ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, tại TP.HCM được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động. Với vóc dáng còn nhỏ xíu, bộ đồ bảo hộ quá dài và rộng hơn chiều cao cơ thể nên khiến cho mọi người vừa thương vừa buồn cười. Dù thời tiết nắng nóng, các bé vẫn ngoan ngoãn mặc đồ bảo hộ y tế, thể hiện ý thức cao khi đi cách ly để tránh lây bệnh ra cộng đồng.

Câu chuyện về cậu bé Ori 6 tuổi từ Úc cùng về Việt Nam với mẹ và đã trải qua thời gian trong khu cách ly tập trung tại An Giang để kể lại trên trang web của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – HCDC. Kể về trải nghiệm lấy dịch tỵ hầu xét nghiệm, Ori cho biết “cái mũi thì đau tí còn cái miệng thì nhột”. “Con ăn sáng, rồi con chơi với mẹ, rồi con ăn trưa xong rồi con lại loay hoay xung quanh mẹ, con cũng ngồi nhìn mấy con ốc, con mèo ngoài sân, sau đó con ăn tối rồi con đi ngủ” - Ori kể về những ngày ở khu cách ly tập trung. Mẹ Ori cho biết: “Thường các bé đi cách ly rất lạc quan, có khi hơn cả người lớn vì được vui chơi. Ori rất lạc quan và vui vẻ. Quan trọng là bố mẹ chuẩn bị tâm lý háo hức vui vẻ chứ đừng gieo tâm lý lo sợ, mệt mỏi cho bé”...

Bảo vệ trẻ em trong khu cách ly

Trẻ em trong khu cách ly bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày, các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý, thậm chí bị dụ dỗ, xâm hại, đòi hỏi cần có thêm nhiều biện pháp để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu cách ly. Đơn cử như sự việc xảy ra tại một khu cách ly tập trung ở tỉnh Bạc Liêu, một cháu bé sinh năm 2008 bị một đối tượng sinh năm 2002 dụ dỗ quan hệ tình dục trong nhà vệ sinh. Vụ việc đã được phát hiện kịp thời và được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.

Trước thực tiễn này, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UNICEF Việt Nam ra mắt ấn phẩm những điều cần biết để tự chăm sóc bản thân trong cơ sở cách ly. Đây là ấn phẩm dành cho trẻ em và người sắp thành niên đang ở trong cơ sở cách ly. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TBXH đã hợp tác với UNICEF và UN Women xây dựng tài liệu hướng dẫn an toàn cho trẻ em và phụ nữ tại nơi cách ly tập trung trong phòng chống dịch COVID-19.

Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các khu cách ly có trẻ em cần thường xuyên liên hệ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được hướng dẫn, tư vấn về: an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

“Cơ sở cách ly tập trung cần phải phối hợp với các cơ quan có liên quan như UBND xã, cán bộ bảo vệ trẻ em, cơ quan công an, cơ quan y tế trong hỗ trợ can thiệp cho trẻ. Trong quá trình hỗ trợ cho trẻ thì chúng ta phải lưu ý việc làm thế nào để phát hiện các nhu cầu của trẻ để hỗ trợ. Ví dụ liên quan đến hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ, liên quan đến những tổn thương về thể chất thì phải có sự vào cuộc của cơ quan y tế khám chữa đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Đối với các trường hợp, các thông tin tố giác, thông báo liên quan đến tội phạm về hành vi xâm hại trẻ thì sẽ được tiếp tục xử lý theo pháp luật”, bà Vũ Thị Kim Hoa khuyến nghị.

Quan tâm tới diễn biến tâm lý của trẻ trong khu cách ly

Việc trẻ em ở trong khu cách ly phải trải qua những căng thẳng do thay đổi sinh hoạt hằng ngày, sang chấn do người trong gia đình rơi vào đối tượng F0 hoặc tử vong, đều là những yếu tố làm gia tăng lo âu, ám ảnh liên quan đến dịch bệnh. Chính vì vậy, các em cần được chăm sóc kịp thời bởi những người có chuyên môn trong trường hợp cần thiết, trong không gian an toàn. Việc tham vấn hay trị liệu tâm lý có thể được điều trị song song khi các em ở trong khu cách ly.

“Việc nhận diện là vô cùng quan trọng. Chúng ta thấy sự gia tăng sự xuất hiện hành vi không phù hợp như có thể bỏ ăn, bỏ tắm, có thể không giao tiếp với mọi người hoặc nghiêm trọng hơn, các em có thể có những hành vi mang tính hướng ngoại như tính phá luật và gây hấn nhiều hơn. Về mặt cảm xúc thì dễ hung hăng và dễ buồn. Cảm xúc đó của các em giống như con lắc, nó lắc qua, lắc lại theo tốc độ nhanh và tần suất rất nhiều, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát được và các em phải được chăm sóc kịp thời bởi các nhà chuyên môn”, theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thu Hiền. 

 

Dương Nhi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh Hóa: Gần 50 lô đất trúng đấu giá bị hủy kết quả

Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao do không nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tre-em-trong-khu-cach-ly--chuyen-chi-co-o-thoi-covid-d167190.html