Trường đua ngựa gần 10.000 tỷ đồng ở Hà Nội lại lỡ hẹn

02/07/2021 11:38

Kinhte&Xahoi Dự án trường đua ngựa có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hiện chưa triển khai do hàng loạt tồn tại, vướng mắc.

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí – Trường đua ngựa được xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. (Ảnh: CafeF.vn)

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 18, HĐND TP khóa XV.

Một trong những ý kiến được cử tri nêu ra đó là đề nghị thành phố kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Trường đua ngựa trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

 Được biết, ngày 12/9/2019, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trường đua ngựa Sóc Sơn.

Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chứng nhận lần đầu ngày 11/10/2019, chứng nhận thay đổi lần thứ 3 ngày 27/3/2020.

Nhà đầu tư Dự án là Công ty TNHH H&G (là liên danh giữa Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Global Consultant Network Co., Ltd).

Mục tiêu dự án là Đầu tư xây dựng trường đua ngựa, tổ chức đua ngựa, đặt cược đua ngựa; ghi hình các cuộc đua ngựa tổ chức để phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nội dung ra 50 đại lý; tổ chức đại lý đua ngựa bên ngoài trường đua và phân phối nội dung các cuộc đua ngựa theo quy định; đầu tư xây dựng vận hành khách sạn 3 sao, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật… diện tích lên đến 125 ha, tổng vốn đầu tư 9.676 tỷ đồng (tương đương khoảng 420 triệu USD).

UBND TP Hà Nội cho biết Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí – Trường đua ngựa hiện chưa triển khai là do một số tồn tại, vướng mắc.

Về việc góp vốn thay, Global Consultant Network Co., Ltd góp vốn thay cho Tổng Công ty Du lịch Hà Nội theo nội dung Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa thực hiện được do không có quy định tại pháp luật hiện hành.

Còn về điều kiện giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Đất đai và quy định của pháp luật liên quan, dự án gồm phần diện tích đất có chức năng công cộng và phần diện tích chức năng kinh doanh không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do là nhà đầu tư nước ngoài nên nhà đầu tư không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trực tiếp từ hộ gia đình, các nhân mà chỉ nhận quyền sử đất thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ tổ chức kinh tế trong nước.

Từ những vướng mắc trên, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các Sở Tài chính, Tổng Công ty du lịch Hà Nội đề xuất phương án góp vốn của Tổng Công ty du lịch Hà Nội trong đó lưu ý rà soát lại việc đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp đảm bảo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và các quy định liên quan, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp và các tồn tại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Sóc Sơn báo cáo nội dung tồn tại khi đối chiếu căn cứ pháp lý liên quan để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đề xuất phương án cụ thể báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất cùng chủ đầu tư khẩn trương báo cáo trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/truong-dua-ngua-gan-10000-ty-dong-o-ha-noi-lai-lo-hen-d159496.html