UBND huyện Sa Pa có buông lỏng quản lý khi để danh thắng ruộng bậc thang bị băm nát?

02/12/2019 15:57

Kinhte&Xahoi Hàng loạt công trình xây dựng nhà ở, homestay, Eco Palm House trái phép trên danh thắng ruộng bậc thang, UBND huyện Sa Pa đổ thừa trách nhiệm xuống cấp xã.

Ruộng bậc thang Sa Pa là cảnh sắc nổi tiếng ở vùng núi phía Tây Bắc Việt Nam thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai với các thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, trải dài như những nấc thang vươn lên tận lưng trời luôn hấp dẫn khách du lịch.

Năm 2009, ruộng bậc thang Sa Pa đã được Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới.

Một góc danh thắng ruộng bậc thang ở xã Tả Van được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận thành di sản danh thắng Quốc gia. (Ảnh Internet).

Tháng 12/2011 nơi này lại được Tạp chí du lịch Lonely Planet của Anh giới thiệu với thế giới là một trong 10 điểm tuyệt vời trên cho môn đi bộ.

Đến tháng 11/2013, ruộng bậc thang Sa Pa lại được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận và trở thành di sản danh thắng Quốc gia với vùng quy hoạch chủ yếu ở hai xã Tả Van và Lao Chải.

Những tưởng UBND huyện Sa Pa cùng các cơ quan chức năng phải có những biện pháp bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang trong quá trình phát triển du lịch ở Sa Pa.

Thế nhưng, thời gian gần đây ruộng bậc thang ở Sa Pa đang bị tàn phá nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch và vẻ đẹp vốn có của nó khi rất nhiều chủ đầu tư đã ngang nhiên san lấp, lấn chiếm ruộng bậc thang để xây dựng các homestay, nhà ở để kinh doanh thu lợi nhuận từ dịch vụ du lịch.

Theo ghi nhận của phóng viên từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 2019, hoạt động mua bán đất đai, xây dựng công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh du lịch trên đất ruộng bậc thang, xâm phạm và làm biến dạng danh thắng quốc gia ruộng bậc thang diễn ra công khai, nở rộ mà không hề bị ngăn chặn hay xử lý triệt để từ chính quyền cấp xã đến cấp huyện.

Hàng loạt homestay, Eco Palm House xây dựng trái phép, phá vỡ danh thắng ruộng bậc thang. (Ảnh chụp tháng 7/2019)

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Pháp luật Việt Nam được biết, sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận, xếp hạng là Di tích quốc gia đã khoanh vùng diện tích bảo vệ Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa là 749 ha, thuộc ba xã Lao Chải, Tả Van và Hầu Thào của huyện Sa Pa (Lào Cai), trong đó khu vực bảo vệ cấp 1 (nghiêm ngặt) là 450 ha (nằm chủ yếu ở xã Tả Van); khu vực bảo vệ cấp 2 là 298 ha nằm ở xã Lao Chải…

Theo quan sát của PV báo Pháp luật Việt Nam ở xã Tả Van, Lao Chải nơi được coi là “vùng trọng điểm” của Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa thì tình trạng xây dựng những homestay, Eco Palm House gồm nhiều Bungalow được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép, nhà sàn được lợp mái tôn, mái ngói vẫn đang diễn ra.

 
Hàng loạt công trình xây dựng homestay, Eco Palm House được xây dựng trái phép trên đất danh thắng ruộng bậc thang, một vài chủ đầu tư còn san lấp ra ruộng bậc thang để xây dựng. (Ảnh chụp tháng 7/2019).

Điều đáng nói là toàn bộ những công trình này được xây dựng trong vùng trọng điểm, không có giấy phép xây dựng, ngang nhiên phá vỡ ruộng bậc thang, phá vỡ cảnh quan, xâm hại trực tiếp vào khu vực danh thắng quốc gia, đến nay các công trình đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng mà không hề gặp phải sự ngăn chặn của chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên, một người dân ở thị trấn Sa Pa xin được dấu tên cho biết: “Chúng tôi mà đặt một viên gạch hay xây dựng bất cứ thứ gì thì địa chính, xây dựng của UBND huyện đến kiểm tra, lập biên bản cưỡng chế xử lý ngay, ấy vậy mà khu danh thắng này cứ người có tiền đầu tư là được xây dựng.

 
Tình trạng xây dựng diễn ra công khai nhưng UBND huyện Sa Pa xử lý theo hình thức trên giấy và đổ lỗi trách nhiệm cho cấp xã?(Ảnh chụp tháng 7/2019).

Có chủ đầu tư là bạn của tôi cho biết, muốn xây dựng phải bôi trơn ở huyện từ 5 đến 10 triệu ngay từ thời điểm ban đầu tùy thuộc vào quy mô muốn xây...Chúng tôi cũng có nhiều lần kiến nghị nhưng không thấy các cơ quan chức năng xử lý, có xử lý thì chỉ xử lý vài cái nhà tạm của người dân tộc thôi chứ các homestay họ vẫn xây dựng bình thường có bị xử lý đâu...”.

Liên quan đến sự việc này, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hảo, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa phụ trách mảng văn hóa, ông Hảo thừa nhận: “ Hiện vẫn còn tình trạng xây dựng homestay, Eco Palm House gồm nhiều Bungalow trên danh thắng ruộng bậc thang với diện tích trên 700ha có 3 vùng, trong đó có vùng 1 và vùng 2 tuyệt đối không được xây dựng, khi quy hoạch có các hộ dân sinh sống ở trong vùng quy hoạch nhẽ ra cần phải thay đổi quy hoạch cho hợp lý, có chỗ tái định cư cho người dân.

Ông Lê Mạnh Hảo, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa: "Hiện vẫn còn tình trạng xây dựng homestay, Eco Palm House gồm nhiều Bungalow trên danh thắng ruộng bậc thang".

Ở các nơi khác là toàn những công trình khủng người ở nơi khác đến xây nên dễ xử lý, còn ở Sa Pa thì đa phần là do người dân ở đây tự ý xây dựng nên xử lý khó. Hơn nữa phải xem các công trình đó có nằm trong quy hoạch hay không…

Hiện nay, UBND huyện đang khuyến khích bà con trồng cải dầu để tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Nếu như người dân có "sổ đỏ" họ vẫn được xây còn nếu xây ra ruộng thì sẽ cưỡng chế ngay.

Còn việc xử lý vi phạm xây dựng nhà trái phép trên ruộng bậc thang này phải sang chỗ anh Thông, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế xem vi phạm tháo dỡ như thế nào…”.

Tiếp tục phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Trọng Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa người được phân công trực tiếp phụ trách mảng kinh tế, xây dựng của huyện Sa Pa, ông Thông cho biết: “Từ tỉnh đến ban thường vụ huyện ủy cũng như ủy ban huyện kiên quyết xử lý vi phạm chứ không dung túng cho sai phạm.

Ông Trần Trọng Thông, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa phụ trách mảng kinh tế và xây dựng thừa nhận có sự xâm chiếm danh thắng ruộng bậc thang nhưng khó xử lý vì không biết ai là chủ đầu tư còn trách nhiệm thuộc về cấp xã. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Tôi mới về được vài tháng sau khi về rà soát ruộng bậc thang ngay thì phát hiện ra ruộng bậc thang được xếp hạng danh thắng nhưng lại không có quy hoạch nên khó cho việc quản lý vì mình không thể cấm dân, vì họ có nhu cầu ở sau khi sinh con đẻ cái khi mà có quy hoạch theo tỉ lệ 1/500, chính quyền sẽ dễ quản lý hơn.

Hiện nay UBND huyện đã thiết lập hồ sơ để xử lý 47 trường hợp đã có biên bản vi phạm, hiện nay vẫn còn một số công trình xây dựng mới nhưng đang được kiềm chế lại".

Trước câu hỏi của phóng viên về việc bao giờ sẽ xử lý triệt để những sai phạm tại khu danh thắng ruộng bậc thang?

Ông Trần Trọng Thông cho hay: “Theo nghị quyết thì đến 30/6/2020 sẽ xử lý xong, nhưng trình tự xử lý sẽ mất rất nhiều thời gian vì nó là quy định của Luật, từ khi lập biên bản đến khi thực hiện việc cưỡng chế đã mất hơn 30 ngày thì người ta đã làm xong rồi..”.

Vị Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh tế huyện Sa Pa hé lộ thêm: “Tôi nói thật với PV, chắc người dân ở đây không có tiền đâu, mà ở đây chỉ là những ông đầu cơ mua bán đất đai, theo đúng luật thì mua bán phải ra chính quyền xác nhận nhưng họ mua lại không đến đây xác nhận nên mình chịu chết, không thể tìm ra chủ thực sự...quan điểm của tôi, cái nào phát sinh mới phải dập ngay từ đầu…”.

Còn về trách nhiệm chính khi để xảy ra tình trạng danh thắng ruộng bậc thang bị xâm phạm nghiêm trọng?

Ông Thông cho biết: “Trách nhiệm chính phải thuộc về cấp xã từ bí thư đến chủ tịch. Sau đó là trách nhiệm của huyện mà cụ thể là phòng kinh tế hạ tầng, phòng quản lý đô thị và thanh tra xây dựng, sau đó mới đến tôi… Vì thực chất là Thường trực tỉnh ủy và thường trực Ủy ban luôn quán triệt vấn đề này kể cả khi họp trực tuyến rồi…”.

Báo pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ubnd-huyen-sa-pa-co-buong-long-quan-ly-khi-de-danh-thang-ruong-bac-thang-bi-bam-nat-d112277.html