Vẫn “nóng” với nạn “cát tặc”

09/12/2023 16:09

Kinhte&Xahoi Cuối năm, khi nhu cầu xây dựng công trình tăng cao và thời tiết chuyển sang mùa hanh khô, lòng sông Hồng, sông Đà cạn nước, cũng là thời điểm thuận lợi để các đối tượng khai thác cát trái phép - "cát tặc” gia tăng hoạt động…

Kiên quyết đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an liên tiếp bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép thời gian qua.

Lực lượng chức năng kiểm tra một tàu hút cát tại sông Hồng thuộc địa phận xã Tản Hồng (huyện Ba Vì).

Phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm

Thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu tháng 10-2023 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố cùng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phát hiện gần 10 vụ "cát tặc" trên sông Hồng và sông Đà đoạn chảy qua địa phận Hà Nội và các tỉnh giáp ranh Phú Thọ, Vĩnh Phúc…

Mới đây nhất, khoảng 21h24 ngày 24-11 tại địa phận xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội) Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) phối hợp cùng Công an huyện Ba Vì mật phục trên sông Hồng, phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện tàu hút số hiệu NB-8186 đang hút cát từ lòng sông Hồng bơm lên khoang chứa hàng của phương tiện tàu chở hàng có gắn số kiểm soát VR 16043207 khoảng 250-300m3 cát. Tại thời điểm kiểm tra, những người có mặt trên hai phương tiện trên đều không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan chức năng cấp.

Trước đó, vào khoảng 23h ngày 19-11, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Công an thành phố Hà Nội và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện, bắt giữ 2 phương tiện và một nhóm đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Tang vật thu giữ gồm 2 phương tiện cùng khoảng 600m3 cát.

Đối tượng Phạm Đức T. (thôn Điệp Thôn, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) cho biết, vì lợi nhuận cao nên cả nhóm đầu tư tàu hút và phân công nhau liên hệ với các tàu có nhu cầu mua để lợi dụng đêm tối, khai thác cát trái phép trên khúc sông vắng. T. cùng đồng bọn dùng tàu hút cát lên, sau đó bán cho các tàu chở hàng ở các tỉnh Hải Dương và Nam Định.

Trực tiếp chỉ huy việc bắt giữ tàu khai thác cát trái phép vào đêm 24-11 vừa qua, Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, điều kiện thời tiết giá lạnh, lòng sông rộng, nước chảy xiết nên việc triển khai bắt quả tang các đối tượng này rất khó khăn.

"Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết đấu tranh không để tội phạm này lộng hành hoạt động. Trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cũng như đối tượng vi phạm được đặt lên hàng đầu", Thượng tá Nguyễn Chí Công nói thêm.

Cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền

Trong cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Phúc Thọ của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vào đầu tháng 10-2023, Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ thông tin, mặc dù Công an huyện đã vào cuộc quyết liệt nhằm xử lý vi phạm, nhưng thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép rất tinh vi. Có trường hợp lợi dụng việc được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép để hoạt động ở địa bàn giáp ranh với Hà Nội. Công an huyện cũng gặp khó khăn về phương tiện đường thủy để xử lý vi phạm.

“Thậm chí các đối tượng còn cử người theo dõi, khi thấy lực lượng công an thì lập tức di chuyển tàu khai thác cát sang địa phận tỉnh Vĩnh Phúc”, Thượng tá Nguyễn Hữu Quyết nói.

Cùng chung quan điểm, Trung tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) chia sẻ, hiện nay lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm do trên địa bàn thành phố có hai tuyến sông Hồng, sông Đà giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... nên các đối tượng thường lợi dụng để lẩn tránh. Muốn đấu tranh hiệu quả với các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân sinh sống ven sông cùng chung tay phối hợp trở thành “tai mắt” của lực lượng chức năng.

Trung tá Nguyễn Ngọc Kiên, Trưởng Công an xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cũng khẳng định, nhờ nguồn tin của quần chúng nhân dân và các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã đã góp phần giúp đỡ lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ khai thác cát trái phép trên các tuyến sông qua địa bàn.

Hiện tại, với chức năng bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông đang quản lý các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống… trong đó sông Hồng chảy vào Hà Nội từ xã Phong Vân (huyện Ba Vì) đến hết xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) dài khoảng 120km vẫn xảy ra nạn “cát tặc”.

Nhằm triệt phá hiệu quả nạn "cát tặc", Thượng tá Nguyễn Chí Công đề xuất, cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và Công an phụ trách địa bàn dọc các tuyến sông. Vừa đấu tranh, vừa kết hợp tuyên truyền để mỗi người dân sinh sống ven sông chính là một “pháo đài” phòng chống "cát tặc", góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, giảm nỗi lo sạt lở đất ven sông.

Nhóm PV - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Gỡ rối” cho thị trường bất động sản

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vừa diễn ra; các báo cáo cho thấy những giải pháp vĩ mô phát triển thị trường bất động sản (BĐS) đúng hướng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đã chứng tỏ hiệu quả.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/van-nong-voi-nan-cat-tac-651434.html