Vi phạm an toàn lao động tại công trình xây dựng chung cư: Thiết lập chế tài xử lý nặng

07/05/2021 10:56

Kinhte&Xahoi Thời gian gần đây, những vi phạm tại các dự án chung cư cao tầng liên quan đến thi công sai so với nội dung giấy phép xây dựng xảy ra với tần suất nhiều, nhất là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.

Sự cố sập sàn tầng 2 chung cư Meco Complex, ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội) do xây dựng, lắp đặt sai thiết kế, giấy phép. Ảnh: Doãn Thành

Sự cố mới lộ sai phạm

 Đêm 27/4 vừa qua, tại một khu chung cư ở phố Trần Bình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) bất ngờ một giàn treo cục nóng điều hoà bị đổ sập, rất may không có thiệt hại về người. Xác định nguyên nhân ban đầu, cơ quan chức năng cho rằng, sự cố xảy ra do một DN thuê văn phòng tại dự án đã tiến hành lắp đặt và phân bổ các cục nóng chưa đúng vị trí.

Một tháng trước đó, tối 27/3, tòa nhà HH1B chung cư Meco Complex, ngõ 102 Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) xảy ra sự cố sập sàn tầng 2 hạng mục chủ đầu tư đã xây dựng, lắp đặt sai thiết kế so với giấy phép được cấp. Do phần lắp đặt sai thiết kế không quá cao so với mặt đất nên may mắn 2 người bị rơi xuống đất chỉ bị gãy tay và chấn thương phần mềm. “Ngay sau khi vi phạm xảy ra, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại bản vẽ thiết kế thi công và giấy phép xây dựng. Theo đó, hạng mục bị sập là không đúng với thiết kế, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư phải lắp đặt lại theo đúng thiết kế ban đầu” – Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Đống Đa Trần Anh Tuấn cho hay.

Chuyên gia quy hoạch đô thị, thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh cho biết, theo quy định, tất cả hạng mục trong dự án khi thay đổi công năng, thiết kế đều phải được sự cho phép bằng văn bản của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và phải đảm bảo chất lượng, an toàn vận hành, phòng cháy, chữa cháy... “Thực tế, vấn đề xây dựng sai thiết kế, sai giấy phép được cấp tồn tại ở rất nhiều dự án, trong đó có những dự án đã đi vào vận hành từ hàng chục năm nay. Hàng năm, cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành xử lý hàng trăm công trình xây dựng sai thiết kế nhưng phần lớn là công trình mới, còn những công trình đã đi vào sử dụng “cháy nhà ra mặt chuột”, chỉ khi có sự cố mới được nhắc đến” – KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý

Hàng năm, Sở Xây dựng đều có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tăng cường kiểm tra việc thực hiện giấy phép xây dựng được cấp. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã tiến hành kiểm tra 18.878 công trình xây dựng. Qua đó, phát hiện 88 trường hợp xây dựng không phép; 154 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 25 công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường. Tổng số tiền phạt trên 9,3 tỷ đồng. Nhưng việc áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP về chế tài xử phạt vi phạm còn thấp, chưa tạo ra được sức răn đe.

Luật sư Hoàng Văn Đạo – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, vi phạm về trật tự xây dựng tại các dự án chung cư, nhà cao tầng từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, vì trong đó vẫn tồn tại sự “mập mờ” bởi mối quan hệ xin – cho. “Những hạng mục xây dựng sai phép, sai thiết kế tại các dự án chung cư mới đây chưa ghi nhận xảy ra tử vong về người nhưng lại gây ra bất ổn về an ninh trật tự do tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư thường xuyên xảy ra” – Luật sư Hoàng Văn Đạo nhìn nhận.

Theo KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội, quy định về xử lý vi phạm trật tự xây dựng chế tài nặng nhất là bắt buộc và cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng thực tế để thực hiện tháo dỡ không đơn giản, vừa hao tổn tài lực, vật lực của Nhà nước và người dân. Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên cần phải nâng cao vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, có chế tài kỷ luật nặng tay đối với những cán bộ vi phạm, không chỉ dừng lại ở cảnh cáo, khiến trách mà cần phải cách chức, cho thôi việc.

Những dự án chung cư cao tầng xây dựng sai thiết kế đem đến rất nhiều hiểm họa, từ mất an toàn cho đến tranh chấp gây bất ổn xã hội. Quay trở lại thời kỳ thuộc Pháp, việc quản lý xây dựng rất nghiêm nên không xảy ra vi phạm, muốn vào làm công tác quản lý xây dựng phải có sự bảo lãnh của thủ trưởng đơn vị và nộp tiền cam đoan. Nếu vi phạm, thủ trưởng cũng bị liên đới và mất hết tiền cam đoan, nên chăng cần phải có chế tài như vậy công tác quản lý xây dựng mới được bảo đảm.

KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội

 Doãn Thành - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/vi-pham-an-toan-lao-dong-tai-cong-trinh-xay-dung-chung-cu-thiet-lap-che-tai-xu-ly-nang-418281.html